Bắt giữ nhóm đối tượng mua bán trẻ sơ sinh
Ngày 12/11, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp cùng các đơn vị chức năng bắt giữ nhóm đối tượng trong đường dây mua bán người dưới 16 tuổi.
Qua công tác nắm tình hình và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình phát hiện nhóm đối tượng trong đường dây mua bán người dưới 16 tuổi xảy ra tại thành phố Hòa Bình gồm: Nguyễn Lê Thanh Tâm (sinh năm 1995, trú tại số nhà 20/7, đường Phạm Văn Hiển, phường 5, quận 8, TP.HCM); Dương Thị Hoài Vân (sinh năm 1991, trú tại tổ dân phố số 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai); Dương Thị Thảo Sương (sinh năm 1991, trú tại số 51, Bình Tiên, phường 7, quận 6, TP.HCM).
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình đã phát hiện một nhóm đối tượng thuê 2 phòng nghỉ tại khách sạn Bình Anh 2, thuộc tổ 16, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Sau khi lưu trú tại khách sạn, các đối tượng trên thường xuyên thay đổi nhau đến Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để thăm gặp người phụ nữ vừa sinh con là B.T.T (sinh năm 1989, trú tại xóm Vó, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) để trao đổi mua bán người.
Sau thời gian theo dõi và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt quả tang nhóm đối tượng trên đang thực hiện hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, nạn nhân là bé trai sơ sinh con của chị B.T.T và giải cứu an toàn cháu bé.
Hiện các đối tượng được di lý về Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh để đấu tranh làm rõ theo quy định của pháp luật.
Phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Bà Trương Mỹ Lan cam kết khắc phục hậu quả, phiên tòa tạm dừng vì nhiều tình tiết mới
Sáng 12/11, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 47 đồng phạm bước vào giai đoạn kết luận, với dự kiến Viện Kiểm sát (VKS) sẽ đề xuất mức án cụ thể. Tuy nhiên, mở đầu phiên tòa, đại diện cơ quan công tố đã yêu cầu xét hỏi bổ sung để làm rõ một số vấn đề liên quan đến khắc phục hậu quả.
Bà Trương Mỹ Lan cam kết khắc phục hậu quả toàn bộ vụ án. Ảnh: Xuân Huy
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã đồng ý với đề nghị của VKS. Trả lời các câu hỏi về phương án bồi thường, bà Trương Mỹ Lan cam kết sẽ bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án. Bà dành thời gian liệt kê một loạt tài sản cá nhân dùng để khắc phục hậu quả, bao gồm cả những khoản nợ mà nhiều cá nhân, pháp nhân đã đồng ý hoàn trả cho bà, ước tính lên đến 21.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà Lan đề nghị HĐXX xem xét số tiền 5.000 tỷ đồng đã nộp vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để tăng vốn điều lệ nhưng vẫn chưa được ghi nhận. Bị cáo cũng nêu rằng Công ty định giá Hoàng Quân đã định giá quá thấp đối với dự án Mũi Đèn Đỏ, trong khi theo bà, tài sản này cùng các mã tài sản chưa định giá khác có giá trị khoảng 100.000 tỷ đồng.
Đại diện VKS tại phiên tòa. Ảnh: Xuân Huy
Ngoài các tài sản đã đề cập, bà Trương Mỹ Lan cũng cam kết đưa thêm dự án 6A tại huyện Bình Chánh, TP.HCM vào danh sách tài sản để khắc phục hậu quả. Trước đó, bà Lan muốn dùng dự án này để hoán đổi lấy tòa nhà Saigon Time Square (đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM). Tuy nhiên, bà đã tự nguyện dùng dự án 6A để bồi thường mà không giữ yêu cầu hoán đổi.
Đại diện SCB tại tòa cho biết, khoản tiền 5.000 tỷ đồng này đã hòa vào dòng tiền chung của ngân hàng, nên cần thêm thời gian để xác định nguồn gốc cụ thể. Người đại diện cũng đề nghị HĐXX làm rõ tài sản này là của bà Lan hay có sự tham gia của các cá nhân, pháp nhân khác.
Bên cạnh việc cam kết bồi thường, bà Trương Mỹ Lan cũng nêu ra các tình tiết giảm nhẹ, như nhân thân tốt, từng có nhiều đóng góp cho xã hội và đã chủ động khắc phục một phần thiệt hại. Khi được VKS hỏi về nhận thức pháp luật, bà cho biết mình hiểu biết pháp luật còn hạn chế nhưng thừa nhận sai phạm như bản án sơ thẩm đã quy kết.
Với nhiều tình tiết mới phát sinh, đại diện VKS đã đề nghị tạm dừng phiên tòa để có thời gian nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa và sẽ tiếp tục vào ngày 15/11 tới đây.
Mức án cao nhất dành cho người đàn ông vụ sát hại 6 người rồi trốn truy nã suốt 43 năm
Ngày 12/11, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Thanh Việt (SN 1953, trú tại: ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nơi thường trú trước khi phạm tội: thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Đây vụ án gây xôn xao dư luận trên 40 năm qua, đối tượng đã cùng đồng bọn gây ra vụ án mạng khiến 6 người tử vong và trốn lệnh truy nã suốt 43 năm.
Theo cáo trạng, do có quan hệ từ trước với các đối tượng Nguyễn Minh Châu (SN 1938), Bùi Văn Lâm (SN 1942), Võ Văn Thọ (SN 1954) và Bùi Thanh Sơn (SN 1957, cùng trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nên Phan Thanh Việt thống nhất sẽ vào TP.HCM tìm những người có mong muốn trốn đi nước ngoài (vượt biên) đưa về xã Bình Châu để thực hiện việc giết và cướp tài sản.
Ngày 6/4/1981, bị cáo Việt cùng với Bùi Văn Tấn (SN 1949, nguyên quán xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi) dẫn một số người muốn trốn đi nước ngoài ở TP.HCM về xã Bình Châu, gồm có: Phạm Thị Phương Thảo (SN 1957), Hoàng Vũ Anh (SN 1942), Trần Thị Kim Phụng (SN 1952), Nguyễn Tuấn Kiệt (SN 1970); anh em ruột Trịnh Đức Bình (SN 1955), Trịnh Đức Bắc (SN 1962); Bùi Quang Ánh (SN 1963) và 3 cha con ông Võ Bá Bửu (SN 1941, cùng trú tại TP.HCM).
Khi đến Bến xe Quảng Ngãi, bị cáo Việt bảo Bùi Quang Ánh đưa 3 cha con ông Bửu và 2 anh em Bình và Bắc về ở nhà ông Bùi Mạnh (SN 1948; trú tại thôn Phú Mỹ, xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi) là chú của Ánh và nói với ông là về thăm và mời chú vào dự đám cưới.
Còn Phan Thanh Việt dẫn Phạm Thị Phương Thảo, Hoàng Vũ Anh, Trần Thị Kim Phụng và Nguyễn Tuấn Kiệt về gởi ở nhà ông Phan Thanh Ngọc (SN 1910; trú tại thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là cha của Việt và nói với ông Ngọc là khách của Việt ở TP.HCM ra chơi ít bữa và nhờ ông Ngọc nấu ăn cho họ. Cùng ngày, Việt gặp Châu nói đã đưa các người muốn vượt biên ra Quảng Ngãi.
Đến chiều 6/4/1981, Châu đến gặp Bùi Văn Lâm trình bày ý đồ của Việt về việc sát hại những người này để lấy vàng chia nhau, Lâm hứa trưa ngày 7/4/1981 sẽ gặp Việt tại nhà Châu và cũng trong sáng 6/4/1981, Việt đến nhà Võ Văn Thọ nói với Thọ đã dẫn những người muốn vượt biên, hiện đang ở nhà Việt và bảo Thọ trưa ngày 7/4/1981 đến nhà Châu để gặp Lâm. Đồng thời, Châu đến gặp Bùi Thanh Sơn bảo Sơn đi chở người vượt biên để lấy tiền.
Khoảng 12 giờ ngày 7/4/1981, tất cả các đối tượng có mặt tại nhà Nguyễn Minh Châu, tại đây Châu đưa ra 2 phương án để thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản.
Sau khi thống nhất phương án, Nguyễn Minh Châu phân công Bùi Văn Lâm, Võ Văn Thọ và Bùi Thanh Sơn, cùng mình mang súng theo. Trong khi đó, bị cáo Việt chịu trách nhiệm dẫn người ra nơi đã định, chờ đúng 22h ngày 8/4/1981 để hành động.
Theo kế hoạch bố trí, khoảng 19 giờ ngày 8/4/1981, Việt đến dẫn Trịnh Đức Bình và Trịnh Đức Bắc đem giao cho Thọ giữ.
Tiếp đó, Việt đến nhà ông Ngọc dẫn Phạm Thị Phương Thảo, Hoàng Vũ Anh, Trần Thị Kim Phụng và Nguyễn Tuấn Kiệt ra nhập chung rồi đưa tất cả đến bãi cát thôn Phú Bình, xã Bình Châu và bảo Thọ đi liên lạc với Châu, Lâm và Sơn, còn bị cáo Việt ngồi giữ 6 người.
Sau đó, các đối tượng đã thực hiện kế hoạch sát hại 6 người, rồi đào 3 hố sâu để chôn các thi thể nhằm phi tang chứng cứ.
Sau khi gây án xong, các đối tượng cướp lấy tài sản đem về nhà Bùi Văn Lâm chia nhau mỗi người 2 chỉ vàng, 50 đồng, quần áo, đồng hồ, thức ăn. Sau đó, Lâm viết thư phân công bị cáo Phan Thanh Việt cầm thư vào TP.HCM lừa dối gia đình có người đi vượt biên để nhận 5 lượng vàng theo lời hứa của họ để đem về chia cho mỗi người 1 lượng. Bị cáo Việt cầm thư vào TP.HCM đến nhà ông Huỳnh Tòng (SN 1927; trú tại phường 5, quận 1, TP. HCM, là anh của Hoàng Vũ Anh) nhận lấy 1 lượng vàng và bỏ trốn, sau đó sống tại ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Qua điều tra, Nguyễn Minh Châu, Bùi Văn Lâm, Bùi Thanh Sơn, Võ Văn Thọ bị bắt tạm giam, đêm 20 rạng sáng ngày 21/7/1982, Nguyễn Minh Châu có hành vi trốn trại khi đang bị tạm giam, lực lượng công an truy bắt, Châu chống trả lại quyết liệt nên bị tiêu diệt.
Ngày 29/7/1982, theo bản án hình sự sơ thẩm số 62/HS-ST của TAND tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi) xử phạt tử hình đối với Võ Văn Thọ và Bùi Thanh Sơn, xử phạt tù chung thân đối với Bùi Văn Lâm về tội “Giết người và cướp tài sản riêng của công dân”. Tại Bản án phúc thẩm hình sự số 298 ngày 27/8/1982 của TANDTC tại TP.Đà Nẵng tuyên y án đối với các đối tượng trên.
Đến ngày 5/1/2024, khi Phan Thanh Việt đang trốn truy nã tại ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau thì bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giữ sau 43 năm kể từ khi gây án.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo trùng khớp với lời khai của các đối tượng khác trong vụ án, áp dụng tất cả các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định. HĐXX TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên phạt mức án tử hình về tội “Giết người” và 9 năm tù về tội “Cướp tài sản” đối với bị cáo Phan Thanh Việt. Tổng hình phạt chung mà bị cáo Việt phải thi hành là tử hình.
Mạo danh lãnh đạo Công an tỉnh để lừa dì ruột, chiếm đoạt 4,5 tỷ đồng
Ngày 12/11, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Quốc Thiện (SN 2002, ngụ xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, Thiện cần tiền trả nợ nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của dì ruột đang định cư ở nước ngoài.
Vào khoảng tháng 11/2023, Thiện đã nói dối dì ruột là bản thân đang công tác tại một phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Tiền Giang. Thiện có nguyện vọng xin vào biên chế nên xin dì ruột chuyển tiền để lo công việc.
Để thực hiện việc chiếm đoạt tiền, Thiện thuê 3 tài khoản Zalo rồi sử dụng để mạo danh là chỉ huy phòng nghiệp vụ và một đồng chí Phó Giám đốc. Thiện cho địa chỉ các Zalo mạo danh này để dì ruột kết bạn, làm quen và trao đổi.
Sau khi kết bạn, trò chuyện, mạo danh lãnh đạo Công an tỉnh, Thiện nhắn tin hỏi mượn tiền. Người dì của Thiện tin tưởng nên đã nhiều lần chuyển tiền. Chưa dừng lại, Thiện còn mạo danh lãnh đạo Công an tỉnh, gợi ý dì ruột mua 4 ôtô thanh lý với giá rẻ.
Thiện lấy nhiều lý do khác nhau (đóng thuế, phí chuyển nhượng sang tên xe) để tiếp tục lừa chuyển tiền. Để tạo lòng tin, Thiện mạo danh lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, viết giấy nợ và chụp hình gửi cho dì ruột.
Với thủ đoạn nói trên, từ tháng 11/2023 đến tháng 8/2024, Thiện đã lừa đảo chiếm đoạt của dì ruột tổng cộng trên 4,5 tỷ đồng.
Bắt giam 4 bị can liên quan vụ hỗn chiến, đâm chết người ở Vĩnh Long
Ngày 12/11, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Phúc (SN 2005), Lý Thành Nghĩa (SN 2005), Nguyễn Văn Tính (SN 2002) và Lê Trung Thiện (SN 2006, cùng ngụ huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bị can Đỗ Hữu Bằng (SN 2006, ngụ huyện Trà Ôn) bị cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra về hành vi nói trên.
Các bị can này liên quan đến vụ án giết người xảy ra tại thị trấn Trà Ôn. Theo kết quả điều tra, rạng sáng 8/5, Công an huyện Trà Ôn nhận được tin báo về việc Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn tiếp nhận trường hợp nạn nhân tử vong, trên người có vết thương.
Qua xác minh, nạn nhân là Lê Hoàng Nam (SN 2000, ngụ huyện Trà Ôn). Nhận định tính chất phức tạp của vụ việc, Công an huyện Trà Ôn đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự cùng các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, truy tìm, bắt giữ khẩn cấp đối với Nguyễn Trọng Phúc (SN 2006, ngụ huyện Trà Ôn) và Đặng Minh Quy (SN 2003, ngụ thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Tại cơ quan điều tra, Phúc và Quy khai nhận có mâu thuẫn với Nam. Tối 7/5, nhóm của Phúc, Quy và Nam, có khoảng 14 đối tượng hẹn gặp nhau tại khu vực thị trấn Trà Ôn. Nhóm của Phúc và Quy đã sử dụng hung khí đuổi đánh nhóm của Nam. Trong lúc xô xát, Nam bị đâm ở ngực trái và dẫn đến tử vong.
Sau khi củng cố hồ sơ, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phúc và Quy để làm rõ về hành vi giết người.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Leave a Reply