Xét xử vụ Xuyên Việt Oil: Cựu Phó Vụ trưởng Bộ Công Thương được tặng đồng hồ Patek Phipippe, bán đi vì “thường xuyên chết”
Chiều 20/11, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử 15 bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil. Trước đó, phiên tòa buổi sáng đã hoàn tất phần thẩm tra lý lịch và công bố cáo trạng. Buổi chiều, phiên tòa chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.
Tại tòa, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, khai nhận đã chỉ đạo nhân viên không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) theo quy định. Thay vào đó, bà chuyển tiền từ Công ty Xuyên Việt Oil (bao gồm cả tiền Quỹ BOG từ người tiêu dùng) vào tài khoản cá nhân.
Bà Hạnh cho rằng việc không mở tài khoản BOG là để tránh bị giám sát. Hàng tháng, bà chỉ đạo lập số liệu dựa trên lượng xăng dầu nhập vào và bán ra, đồng thời gửi báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính mà không thông qua Sở Tài chính TP.HCM.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil. Ảnh: Xuân Huy
Bà Hạnh khai Bộ Tài chính biết tài khoản BOG không có tiền và nhiều lần thúc giục công ty đóng tiền vào quỹ. Tuy nhiên, từ năm 2022, do bị cấm nhập khẩu xăng dầu, công ty gần như ngừng hoạt động, coi như phá sản.
Giải thích lý do không nộp tiền vào Quỹ BOG, bà Hạnh cho biết “Công ty phải lo nhiều việc cùng lúc, ngoài tại Xuyên Việt Oil, tôi phải tập trung thực hiện các dự án bất động sản tại nhiều địa phương. Số tiền để làm việc này được lấy từ tiền công ty, vay ngân hàng và từ hoạt động kinh doanh xăng dầu”.
HĐXX hỏi: “Tất cả các hoạt động chỉ đạo, ký giấy tờ, lập báo cáo đều do bị cáo quyết định đúng không?”. Bà Hạnh trả lời: Đúng.
Khi được hỏi về đội ngũ lãnh đạo tại Xuyên Việt Oil, bà cho biết hầu hết là người nhà, thiếu chuyên môn và chỉ làm theo chỉ đạo. “Phó Giám đốc Nguyễn Thị Như Phương là em họ tôi, được nhận vào làm từ năm 2015. Công việc của cô ấy chủ yếu là ký các báo cáo và quản lý thu chi, nhưng Phương không hiểu gì về hoạt động công ty”, bà Hạnh khai.
Ngoài ra, bà Hạnh cho biết ông Đinh Tiến Dũng, Kế toán trưởng công ty, chỉ làm việc tại văn phòng 1-2 lần mỗi tháng. “Tôi tuyển người thân quen vì tin tưởng, nhưng họ thiếu chuyên môn và kinh nghiệm”, bà Hạnh thừa nhận.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương, Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil, khai nhận đã ký 18 báo cáo liên quan đến Quỹ BOG theo chỉ đạo của bà Hạnh.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil. Ảnh: Xuân Huy
“Tôi từ quê lên, thiếu hiểu biết, không có kinh nghiệm. Chị Hạnh giao gì, tôi làm nấy. Tôi không hiểu nội dung báo cáo mình ký, chỉ đến khi cơ quan điều tra làm việc tôi mới biết rõ”, Phương nói.
Phương cho biết thêm, mình chỉ làm công ăn lương, không được hưởng lợi nhuận hay quyền lợi nào khác, và mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
“Tôi sinh ra ở vùng quê Quảng Trị, được chị Hạnh thương tình cho lên làm việc. Tôi rất hối lỗi và mong được khoan hồng”, bị cáo nói.
Tại tòa, bà Hạnh khai rằng vào năm 2016, để xin giấy phép nhập khẩu xăng dầu, bà đã gặp ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), qua sự giới thiệu của Trịnh Bá Bộ.
Bà Hạnh thừa nhận đã đưa tiền và tặng ông An một chiếc đồng hồ Patek Philippe, tổng trị giá hơn 900 triệu đồng.
“Tôi đưa tiền trực tiếp cho anh Lộc An khoảng 3-4 lần và tặng đồng hồ vào dịp sinh nhật. Sau đó, anh An bán chiếc đồng hồ với giá 22.800 USD”, bà Hạnh nói.
Các bị cáo tại phiên tòa Xuyên Việt Oil. Ảnh: Xuân Huy
Ông Nguyễn Lộc An khai nhận đã nhiều lần nhận tiền từ bà Hạnh, bao gồm 50 triệu đồng tại khách sạn Victoria, 100 triệu khi đoàn kiểm tra vào thực tế, và 150 triệu vào hôm sau.
“Chiếc đồng hồ thì dịp sinh nhật tôi, Hạnh hẹn ngồi uống rượu tại nhà Hạnh. Cô ấy nói sinh nhật anh, em tặng cái đồng hồ. Có những lần tôi hỏi Hạnh sao đồng hồ của em hay chết thế? Hạnh bảo đồng hồ được đấy, anh cứ dùng đi. Sau đó, tôi mang đi bán được 22.800 USD”, ông An nói.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khai rằng việc cấp phép cho Xuyên Việt Oil năm 2016 được thực hiện theo đúng thẩm quyền và chức trách. Ông khẳng định không quen biết bà Hạnh và không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Xuân Huy
Vào năm 2021, khi giấy phép của công ty hết hạn trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Hạnh đã gọi điện bày tỏ lo lắng. Ông Hải chỉ đạo bà Hạnh liên hệ Vụ Thị trường trong nước để thực hiện đúng quy trình.
Ông Hải thừa nhận vào dịp Noel năm 2022, bà Hạnh hẹn gặp và tặng quà. Sau khi mở quà, ông phát hiện bên trong có tiền và nhận thức đây là sai lầm lớn.
“Tôi rất ân hận và đã khắc phục toàn bộ số tiền liên quan. Mong Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh và cho tôi hưởng sự khoan hồng”, ông Hải trình bày.
Cá trong ao nhiều hộ dân chết hàng loạt, nghi bị đầu độc
Ngày 20/11, trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo UBND xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) cho biết, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vụ việc cá tại 4 ao nuôi của người dân trên địa bàn chết hàng loạt. Thống kê sơ bộ, có khoảng 1,3 tấn cá, tại 4 ao nuôi của người dân ở thôn Bãi Sậy chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Ông Nguyễn Xuân Nhàn (SN 1964, trú tại thôn Bãi Sậy, xã Đỉnh Sơn), một trong 4 hộ dân có ao xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, cho biết, vào chiều 18/11, ông nhận được thông tin về việc phát hiện cá chết bất thường tại ao nuôi của mình, khi vào kiểm tra thì phát hiện có mùi lạ. Mọi người nghi ngờ các ao nuôi cá bị kẻ xấu đầu độc bằng hóa chất, nên đã trình báo đến cơ quan chức năng.
Cũng theo ông Nhàn: Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng đã xác định một người đàn ông tên H. liên quan đến sự việc. Người này trước đó vào khu vực ao nuôi cá của người dân để bắn chim. Sau đó, người này bị công an phát hiện, xử phạt về hành vi dùng súng săn bắn chim. Người đàn ông này nghi ngờ, chủ ao nuôi cá phía đầu nguồn nước đã báo công an nên nảy sinh mâu thuẫn, thù hằn cá nhân. Vì thế, người này đã mua hóa chất để ném xuống ao cá nhằm trả thù. Nước từ ao cá đầu nguồn tràn sang những ao cá phía dưới gây ra tình trạng cá chết hàng loạt.
Cá chết chủ yếu là cá trắm, cá mè, cá chép. Cá được ông Nhàn thả gần 2 năm, hiện đạt trọng lượng từ 1,5 đến 3kg.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Anh Sơn đã chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy chủ trì phối hợp với Công an xã Đỉnh Sơn, Viện Kiểm sát nhân dân và các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, điều tra, xác minh.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư bào chữa gì cho bị cáo Chu Lập Cơ – chồng bà Trương Mỹ Lan?
Ngày 20/11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác ở giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục với bào chữa của các luật sư (LS).
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Thị Kim Chi nhân viên Công ty cổ phần Natural Land (thuộc Tập đoàn VTP), trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến tháng 10/2022, đã tìm kiếm 37 cá nhân và chuyển thông tin cho nhóm Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) để thành lập 32 công ty và cho 5 cá nhân đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc hệ sinh thái VTP.
Từ đó, bị cáo hợp thức hóa 47 hồ sơ vay vốn trái quy định, tạo điều kiện để Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng, gây thiệt hại tổng số tiền 37.583 tỉ đồng.
HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Chi 4 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Tại phiên toà phúc thẩm, LS bào chữa cho bị cáo Chi cảm ơn VKS đã đề nghị cho thân chủ của mình mức hình phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Trong phần bào chữa, LS cho biết vai trò của bị cáo Chi trong vụ án rất hạn chế, phạm tội do thiếu hiểu biết. Bị cáo Chi được tuyển dụng vào công ty với vị trí nhân viên marketing, không có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan tới tài chính, ngân hàng. Do tin tưởng, tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo cấp trên nên đã gián tiếp gây ra thiệt hại cho Ngân hàng SCB.
Ngoài ra, LS cũng cung cấp thêm ba tình tiết giảm nhẹ mới là bị cáo vừa mới sinh con vào tháng 10/2024 và đang nuôi hai con nhỏ. Hiện bị cáo đã và đang trong thời gian điều trị bệnh trầm cảm; bị cáo đã tiếp tục nộp thêm 20 triệu đồng khắc phục hậu quả dù hoàn cảnh bị cáo đang rất khó khăn.
Cạnh đó, LS cũng đề nghị xem xét áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ cấp sơ thẩm chưa xem xét áp dụng đó là “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” và tình tiết “người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”.
Trong phần tự bào chữa bổ sung, bị cáo Chi xin HĐXX xem xét vai trò, hoàn cảnh và nhận thức của bản thân và cho mình hưởng án treo để chăm con nhỏ.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) bị toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong phần bào chữa tại phiên toà phúc thẩm, LS cho biết cần xem xét lại giá trị định giá toà nhà Times Square của Công ty Hoàng Quân bởi lẽ chỉ trong một thời gian ngắn mà tòa nhà này lại được định giá có sự chênh lệch rất lớn.
Cụ thể, năm 2017, toà nhà Times Square được định giá là 45.000 tỷ đồng. Năm 2021 được định giá trên 60.000 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2023, Công ty định giá Hoàng Quân chỉ định giá Times Square có giá trị là 35.000 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn một năm, Công ty Hoàng Quân định giá tài sản này thấp hơn 20.000 tỷ đồng, trong khi giá bất động sản ngày càng tăng lên. Điều này gây bất lợi cho bị cáo Cơ trong việc xác định thiệt hại của vụ án.
Cạnh đó, LS cũng đề nghị xem xét lại về khoản tiền lãi hơn 19.000 tỷ đồng của 46 khoản vay do SCB cung cấp cho cơ quan điều tra để quy buộc cho bị cáo Chu Lập Cơ vì không có số liệu chi tiết, phương pháp tính lãi…
Đối với quan điểm này HĐXX đề nghị Ngân hàng SCB bổ sung, ghi nhận và cung cấp số liệu về khoản tính lãi này.
Ngoài ra, LS cung cấp thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới như ngoài khắc phục 1 tỷ đồng ở sơ thẩm, bị cáo đã khắc phục thêm 10 tỷ đồng. Bị cáo Chu Lập Cơ nhận được nhiều bằng khen, thư cảm ơn vì có đóng góp trong dịch COVID-19.
Bắt nhanh đối tượng hơn 1 giờ gây ra 3 vụ cướp giật tài sản
Ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt khẩn cấp Lê Hồng Phong (SN 1987, ngụ quận 8, TP.HCM) về hành vi cướp giật tài sản.
Qua điều tra ban đầu, do thiếu tiền tiêu xài, Phong nảy sinh ý định đi cướp giật tài sản để bán lấy tiền. Khoảng 20 giờ 50 ngày 16/11, Phong lái xe máy biển số 79D1-205xx dạo quanh các con đường ở xã Bình Hưng để tìm “con mồi”.
Khi đến đường 6B, xã Bình Hưng, Phong phát hiện chị T. đang đi bộ, trên tay cầm chiếc iPhone 14 Promax nên tiếp cận rồi giật điện thoại của chị T., sau đó tăng ga tẩu thoát.
Đến 21 giờ 10 phút cùng ngày, Phong tiếp tục lái xe đến đường số 6, KDC Trung Sơn thì phát hiện chị Y.J.M (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc) đang đứng bên lề đường, trên tay cầm 2 chiếc điện thoại.
Phong lái xe áp sát chị M. rồi giật phăng 2 chiếc điện thoại của nạn nhân rồi tăng ga tẩu thoát. Chưa đầy 1 tiếng sau, Phong tiếp tục lái phương tiện đến đường Hùng Vương, phường 4, quận 5 (TP.HCM) thì phát hiện chị V.P.H. (SN 1969, ngụ quận 4, TP.HCM) đang đứng ở lề đường, tay cầm điện thoại.
Đối tượng áp sát chị H. rồi giật chiếc iPhone 14 của chị H. rồi tẩu thoát. Sau khi gây ra 3 vụ cướp giật, Phong lái xe máy về nhà ngủ, đồng thời cất giấu 4 điện thoại vừa cướp được bên trong phòng.
Sau khi bị cướp giật tài sản, chị T. và chị M. đã đến cơ quan công an trình báo. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Thượng tá Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Công an huyện Bình Chánh, lập tức chỉ đạo các đội nghiệp vụ khẩn trương phối hợp cùng Công an xã Bình Hưng tiến hành truy xét.
Sử dụng đông bộ các biện pháp nghiệp vụ, chưa đầy 2 giờ sau khi tiếp nhận trình báo, các trinh sát đã điều tra và bắt giữ Lê Hồng Phong khi đối tượng đang ngủ tại phòng ở chung cư Bình Đăng, quận 8.
Dùng súng bắn mê bắt cá thể voọc nghi tấn công người đi đường
Chiều 20/11, ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các đơn vị bắt giữ cá thể linh trưởng nghi voọc Hà Tĩnh.
Đơn vị này dùng súng bắn mê để bắt giữ cá thể nghi voọc Hà Tĩnh. Sau khi bắt giữ, trung tâm tiến hành theo dõi hồi mê, thu mẫu (lông, da, cơ, móng, máu) để phục vụ kiểm tra sức khỏe và phân tích ADN. Sau khi cá thể voọc này phục hồi sức khỏe sẽ bàn giao cho Hạt Kiểm lâm Bố Trạch thực hiện các thủ tục tái thả về môi trường tự nhiên.
Trước đó, trên địa bàn thị trấn Phong Nha xuất hiện 1 cá thể voọc (nghi là voọc Hà Tĩnh) rượt đuổi khách du lịch, tấn công người dân tham gia giao thông và phá hoại tài sản, hoa màu.
Cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác và cẩn thận khi tham gia giao thông trên đoạn đường có cá thể voọc xuất hiện và không có những hành động làm ảnh hưởng cá thể động vật hoang dã nói trên.
Lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch cho biết, sau khi nhận được thông tin đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch có phương án xử lý. Dự kiến, lực lượng chức năng sẽ bắn gây mê, sau đó chuyển cá thể voọc vào rừng sâu để thả.
Voọc gáy trắng hay voọc Hà Tĩnh có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, là một trong những loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, cần ưu tiên bảo tồn. Voọc gáy trắng là loài đặc hữu của khu vực miền Trung Việt Nam và Lào.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Leave a Reply