Báo cáo này dấy lên mối lo ngại về an toàn đối với thực phẩm và đồ uống không đường đang ngày càng phổ biến trên khắp Trung Quốc, Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải đã cảnh báo rằng một số sản phẩm thực phẩm được tiếp thị qua các phiên livestream trên nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đã “đánh lừa” người tiêu dùng về hàm lượng đường trong đó.
Cảnh báo này được đưa ra sau một báo cáo mới của Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải, cơ quan giám sát hàng hóa và dịch vụ trong thành phố và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, khảo sát chất lượng thực phẩm lành mạnh – những thực phẩm được cho là ít chất béo, đường, natri hoặc giàu protein – được bán bởi 100 người phát trực tiếp trên 14 nền tảng thương mại điện tử lớn, bao gồm Taobao, Douyin (TikTok Trung Quốc) và Xiaohongshu (RED).
Được công bố trước Ngày Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng 15/3, cuộc khảo sát đã thử nghiệm các sản phẩm được bán bởi những người livestream và so sánh hàm lượng dinh dưỡng của chúng với lời giới thiệu trong quảng cáo của họ.
Theo báo cáo, nhóm người livestream bán hàng online này được đánh giá nhận điểm trung bình là 5,44/10. Và trong số 14 nền tảng thương mại điện tử lớn được đánh giá, siêu ứng dụng xã hội WeChat của nước này xếp hạng thấp nhất với số điểm 1,80, cho thấy sự thiếu sót “nghiêm trọng” về sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong số 100 người livestream được khảo sát, 83 người quảng cáo sản phẩm của họ là “không đường hoặc không chứa sucrose”, nhắm đến các nhóm đối tượng khách hàng cụ thể như trẻ sơ sinh, bà mẹ đang mang thai hoặc người già mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, gần một nửa số sản phẩm không phù hợp với lời quảng cáo của họ, cụ thể là một số mặt hàng “không đường” nhưng lại chứa lượng đường cao, báo cáo cho thấy.
Hội đồng đặc biệt chỉ trích 9 người livestream vì hành vi gây hiểu lầm và qua mặt người tiêu dùng của họ, hầu hết liên quan đến việc trình bày sai hàm lượng đường. Ví dụ, một sản phẩm xoài sấy khô được quảng cáo là không có đường, muối hoặc chất phụ gia nhưng lại bị phát hiện có chứa đến 69,7 gam đường trên 100 gam.
Theo tiêu chuẩn đóng gói thực phẩm ở Trung Quốc, một sản phẩm chỉ có thể được dán nhãn “KHÔNG ĐƯỜNG” nếu nó chứa ít hơn 0,5 gam đường trên 100 gam và “KHÔNG CÓ SUCROSE” có nghĩa là không thêm sucrose trong quá trình chế biến.
Đường sucrose được tìm thấy trong thực phẩm và đồ uống đóng gói như một chất phụ gia hay đường bổ sung nhằm tăng hương vị cho các món ăn, thường nó được liệt kê là ‘sucrose’ hoặc ‘sugar’ trong danh sách thành phần. Đây là loại đường trắng mà chúng ta quen dùng để làm bánh ngọt hoặc dùng để làm ngọt trà và cà phê.
Trong những năm gần đây, các sản phẩm không đường ở Trung Quốc ngày càng phổ biến do ý thức về sức khỏe ngày càng tăng và mối lo ngại về béo phì. Một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường iiMedia Research dự đoán thị trường đồ uống không đường sẽ tăng gấp ba lần từ 19,96 tỷ NDT (hơn 68,6 nghìn tỷ đồng) vào năm 2022 lên 61,56 tỷ NDT (gần 211,6 nghìn tỷ đồng) vào năm 2025, với hơn một nửa số người tiêu dùng xem những sản phẩm này như một công cụ để ngăn ngừa bệnh tật và kiểm soát cân nặng.
Hội đồng cũng chỉ trích lời quảng cáo “không phụ gia” thường nghe trong các phiên livestream, một số người bán sử dụng cụm từ này để thể hiện rằng sản phẩm của họ không chứa các chất phụ gia không cần thiết như bột màu và chất bảo quản.
Nguồn: Sixth Tone
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet