Ngày 2/10, cơ quan điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án chuyến bay giải cứu, đề nghị Viện kiểm sát truy tố 17 bị can về các tội “Đưa/Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Che giấu tội phạm”.
Điều tra cho rằng, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được lãnh đạo các cấp, ban ngành và dư luận đặc biệt quan tâm. Hành vi của các bị can làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trong hoàn cảnh đặc biệt người dân bị mắc kẹt trong đại dịch Covid-19 cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nói riêng.
Tại giai đoạn 2 vụ án, phía điều tra cáo buộc Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, có hành vi nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng để tham mưu, đề đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 3 chuyến bay. Bị can này còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất chính hơn 3,2 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế với 5 chuyến bay khác.
Bị can Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương bị cáo buộc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc.
Tại Quảng Nam, các bị can Nguyễn Văn Văn, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế và Lê Ngọc Tường, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng bị cáo buộc trục lợi rồi thực hiện theo đề nghị của Nguyễn Thị Thanh Hằng trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chủ trương chấp thuận tiếp nhận công dân về cách ly y tế tại Quảng Nam cho Công ty Blue Sky của Hằng.
Các bị can khác trong vụ có hành vi đưa/nhận hối lộ để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo…
Đáng chú ý, phía điều tra còn đề nghị truy tố Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an về tội “Che giấu tội phạm”. Cụ thể, Thông quen biết Trần Minh Tuấn (đã bị phạt tù trong giai đoạn 1 vụ án) và từ năm 2021, hai người thường trao đổi với nhau về việc Tuấn thực hiện các chuyến bay giải cứu, gồm cả chuyện .
Từ tháng 6/2022, Tuấn bắt đầu bị điều tra nên nhờ Nguyễn Xuân Thông “giúp đỡ”. Do vậy, khi cơ quan an ninh điều tra triệu tập Tuấn, Thông gọi điện tới điều tra viên, giới thiệu bản thân công tác tại Cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, đề nghị cho Tuấn được lùi thời gian làm việc.
Trong tháng 7/2022, Nguyễn Xuân Thông còn gặp Tuấn tại một quán ăn gần trụ sở Bộ Công an. Khi đó, Tuấn cho biết đã nhận hơn 10 tỷ đồng của Phạm Bích Hằng, Giám đốc Công ty Blue Sky để đi đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền và chi phí trong việc xin thủ tục tổ chức chuyến bay cho một số doanh nghiệp của Hằng.
Bị can Thông đã trao đổi, thảo luận và thống nhất hướng dẫn Tuấn không được khai với cơ quan điều tra về số tiền Tuấn đã nhận của Hằng để đi đưa hối lộ, cần khai gian đối rằng số tiền này Tuấn đã trả lại hết cho Hằng bằng tiền mặt; những nội dung khác thì: “Cứ khai không biết để về suy nghĩ, trả lời sau”.
Do có hướng dẫn của Nguyễn Minh Thông, Trần Minh Tuấn khai báo gian dối, gây khó khăn có công tác điều tra, cản trở việc làm rõ bản chất vụ án. Dù Tuấn bỏ trốn, anh ta vẫn bị bắt và đưa ra tòa với cáo buộc “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra do vậy cáo buộc bị can Nguyễn Xuân Thông đã che giấu hành vi phạm tội của bị can Trần Minh Tuấn, cần bị xử lý nghiêm.
Giai đoạn 1 vụ án làm rõ hàng trăm tỷ đồng hối lộ
Bản án giai đoạn 1 vụ chuyến bay giải cứu thể hiện, các bị cáo trong vụ lợi dụng việc cấp phép các chuyến bay chở công dân Việt Nam về nước tránh dịch Covid-19 để trục lợi.
Có 25 người bị cáo buộc nhận hối lộ gần 167 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo 24,5 tỷ đồng.
Cụ thể, tại Văn phòng Chính phủ có 4 bị cáo chịu cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng gần 15 tỷ đồng. Nhiều nhất là Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng nhận 4,2 tỷ đồng. Nhóm này có vi phạm trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ chuyến bay giải cứu, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp trục lợi.
Bộ Ngoại giao cũng có 5 cán bộ bị cáo buộc “Nhận hối lộ” trong đó cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng “cầm” 21,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thân quen. Ngoài ra, có 5 bị can là đại điện ngoại giao cũng bị cáo buộc nhận hối lộ gồm Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ tại Nhật Bản, nhận 1,8 tỷ đồng; Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự tại Osaka, hơn 2 tỷ; Lý Tiến Hùng, cán bộ Đại sứ quán tại Nga, nhận 437 triệu; Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ tại Angola, 864 triệu.
Nhóm cán bộ Đại sứ quán tại Malaysia, đứng đầu là cựu Đại sứ Trần Việt Thái bị xác định “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do có hành vi thu tiền cao hơn quy định với gần 2.000 người về nước.
Tại Bộ Y tế, Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bị cáo buộc nhận hối lộ tới 42,6 tỷ đồng khi “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu. Hiện tại, Kiên đã trả lại 12,2 tỷ trong số này cho các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.
Bộ Giao thông Vận tải có 2 người bị cáo buộc nhận hối lộ gồm Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ hợp tác quốc tế, nhận 1,7 tỷ đồng và Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải Hàng không, 1,9 tỷ đồng. Họ bị cáo buộc trục lợi trong quá trình tham mưu, xét duyệt các chuyến bay giải cứu của một số doanh nghiệp.
Ở Bộ Công an, có 3 cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh bị cáo buộc nhận hối lộ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay giải cứu. Trong đó, cựu Phó cục trưởng Trần Văn Dự nhận 7,6 tỷ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng tham mưu, hơn 27 tỷ và cán bộ Vũ Sỹ Cường nhận hơn 9,3 tỷ.
Khi vụ án được điều tra, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, Nguyễn Anh Tuấn còn nhận hơn 2,6 triệu USD để “chạy án” cho 2 bị can là lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Tuấn đưa 800.000 USD trong số này cho Hoàng Văn Hưng, khi đó là Trưởng phòng điều tra kiêm điều tra viên chính của vụ án. Hưng đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền này.
Hai cựu lãnh đạo Hà Nội và Quảng Nam cũng bị cáo buộc nhận hối lộ. Trong đó, ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhận hơn 2 tỷ đồng khi duyệt chủ trương cách ly cho 5 doanh nghiệp. Còn Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ một doanh nghiệp thực hiện cách ly, bay giải cứu.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày