Ngày 25/9, TAND TP.HCM tiếp tục tổ chức xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Phiên tòa bước vào phần xét hỏi các bị cao tội rửa tiền.
Tại tòa, tài xế của bà Trương Mỹ Lan là bị cáo Bùi Văn Dũng khai, công việc hàng ngày là đưa đón bà Lan đi làm. Ngoài ra, hàng ngày bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của bà Lan) kêu bị cáo tới Ngân hàng SCB Chi nhánh TP.HCM gặp bị cáo Trần Thị Thúy Ái (cựu thủ quỹ) để lấy tiền về.
Theo bị cáo Dũng, tới nơi đã thấy cô Ái đóng tiền vào thùng rồi, bị cáo chỉ việc đưa lên xe rồi chở về 127 Pasteur hoặc giao cho cô Trần Xuân Phượng (thư ký của bị cáo Ngô Thanh Nhã) tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193 – 203 Trần Hưng Đạo (quận 1). Bị cáo khai nhận hơn 108 tỷ đồng từ cô Thúy Ái,
Ngoài việc chuyển tiền tới 2 địa chỉ trên, bị cáo Dũng còn thừa nhận đã trực tiếp đi giao tiền cho nhiều người theo chỉ đạo của bà Lan. Mỗi lần đi giao nhận tiền bị cáo được thưởng 500.000 – 1 triệu đồng, ngoài ra không được hưởng lợi gì. Bị cáo Dũng khẳng định, không biết số tiền này bị cáo Lan có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản tiền của Ngân hàng SCB.
Trong khi đó, bị cáo Trần Thị Thúy Uyên khai, thực tế chỉ là giúp việc nhà cho gia đình bị cáo Lan, nhưng để hợp thức việc trả lương nên bị cáo Lan phong cho bị cáo chức danh thư ký.
“Ngoài giúp việc nhà, bị cáo được bà Lan giao cho nhiệm vụ theo dõi các thẻ ngân hàng của vợ chồng bà Lan và 2 người con. Mỗi khi ngân hàng gửi sao kê, bị cáo nhìn vào tên xem chi tiêu của từng người rồi báo cáo bà Lan và báo cho các chủ thẻ kiểm tra có đúng hay không”, bị cáo Uyên trình bày.
Vẫn theo bị cáo Uyên từ 30/3 – 20/8/2019 đã nhận hơn 5.800 tỷ đồng từ bị cáo Bùi Văn Dũng và không biết nguồn tiền này ở đâu. Về việc chuyển tiền cho các cá nhân, mỗi khi nhận điện thoại của bị cáo Lan báo có người tới lấy tiền thì bị cáo giao.
Bị cáo Trần Xuân Phượng (thư ký của bị cáo Ngô Thanh Nhã) thừa nhận đã nhận khoảng 325 tỷ đồng từ bị cáo Bùi Văn Dũng chuyển tới. Theo lời khai của Phượng, lúc đầu bị cáo chỉ biết nguồn tiền này từ SCB chuyển về, mãi sau này mới biết số tiền này có được từ bán trái phiếu.
Cũng theo lời khai của Phượng, sau khi nhận được tiền, theo chỉ đạo của bị cáo Nhã, bị cáo dùng để chi cho hoạt động của Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hoạt động từ thiện và chi cho các cá nhân đi mua bất động sản.
Bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) khai, đã thành lập và sử dụng khoảng 600 công ty phối hợp với lãnh đạo Ngân hàng SCB lập các khoản vay khống để rút tiền ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Theo cáo buộc, thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Phương Anh đã phối hợp với các lãnh đạo của Ngân hàng SCB lập các khoản vay “khống” để rút tiền ra sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Bị cáo cũng là người trực tiếp theo dõi việc thu chi nguồn tiền từ tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và từ nguồn tiền lừa đảo trái phiếu.
Theo sự chỉ đạo của bị cáo Lan, từ 7/3/2018 đến 1/8/2019, Phương Anh đã sử dụng 3 công ty: Blue Pearl, Sài Gòn Peninsula và Easter View, chuyển hơn 256 triệu USD (tương đương hơn 5.900 tỷ đồng) ra nước ngoài.
Cũng khai tại tòa hôm nay, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) lý giải cho những quyết định giải ngân tiền từ SCB cho các công ty của bà Lan là làm theo những gì mà thế hệ lãnh đạo SCB trước đây đã làm.
Về kịch bản chạy dòng tiền, bị cáo này khai chỉ nhận được thông tin từ bị cáo Trương Mỹ Lan rồi phối hợp với Phương Anh để lên phương án vay vốn, giải ngân. Tuy nhiên, chi tiết dòng tiền chạy như thế nào thì bị cáo không biết.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) thừa nhận có phối hợp với bị cáo Phương Anh để lên phương án giải ngân cho các khoản vay. Tuy nhiên, bị cáo phụ trách việc giải ngân từ ngân hàng còn sau đó bị cáo Phương Anh phụ trách.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày