Khởi tố nhóm thanh, thiếu niên đánh tử vong bố của người có mâu thuẫn
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với nhóm thanh, thiếu niên gồm: Đinh Ngư, A Vương, Đinh Hoa, Đinh Kưk, Đinh Lắk để điều tra về hành vi “Giết người”.
Nhóm thanh, thiếu niên đánh tử vong bố của người có mâu thuẫn bị khởi tố. Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai.
Thông tin ban đầu, vào khoảng 20h ngày 20/9, đối tượng Đinh Ngư (SN 2009, trú tại làng Tơ Ver, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) do bực tức vì lúc đi làm về bị Đ.T (SN 2004, trú tại làng Klên, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) chửi nên sau khi uống rượu tại nhà anh Đ.Ta (làng Tơ Ver, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh).
Đối tượng Đinh Ngư đã rủ thêm A Vương (SN 2003), Đinh Hoa (SN 2007), Đinh Kưk (SN 2006), Đinh Lăk (SN 2002) và Đ.Ti (SN 2010) cùng trú tại làng Tơ Ver, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh đi sang nhà Đ.Tu để đánh trả thù.
Sau đó, nhóm thanh, thiếu niên này mang theo 2 vỏ chai bia, 1 con dao rựa và 2 khúc cây gỗ đến nhà Đ.Tu thì gặp ông A.Y (SN 1972, cha của Đ.Tu).
Trong khi nói chuyện thì giữa nhóm thanh, thiếu niên trên và ông A.Y xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau.
Tại đây, Đinh Hoa và Đinh Kưk dùng gậy gỗ đánh trúng vào vùng gáy và lưng của ông A.Y, sau đó nhóm thanh thiếu niên lên xe bỏ đi khỏi hiện trường.
Hậu quả, ông A.Y bị tử vong tại chỗ.
Sau khi xảy ra vụ việc, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Chư Păh khẩn trương điều tra, truy bắt các đối tượng gây án.
Đến trưa 21/9, các đối tượng đã đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý nhóm thanh, thiếu niên theo quy định của pháp luật.
Tạm giữ hình sự nam sinh “thông chốt” đâm một CSGT trọng thương
Công an TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) vừa quyết định tạm giữ hình sự nam sinh điều khiển xe máy “thông chốt” kiểm tra nồng độ cồn, đâm xe vào một thiếu tá cảnh sát giao thông (CSGT), khiến anh ngã và bị thương. Việc tạm giữ hình sự nam sinh này để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo thông tin ban đầu, tối 24/9, tổ công tác thuộc Đội CSGT trật tự phối hợp lực lượng 151 (Công an TP.Hải Dương) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại đường Thanh Niên (đoạn gần siêu thị điện máy HC, TP.Hải Dương).
Khoảng 20 giờ 50 phút cùng ngày, tổ công tác đang làm nhiệm vụ phát hiện Đinh Tiến Minh (sinh năm 2007, nhà ở số 9/42 Tuệ Tĩnh, phường Bình Hàn, TP.Hải Dương) đi xe máy Wave 34B4-813.65, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy đi với tốc độ cao.
Thấy vậy, 3 chiến sĩ trong tổ công tác đứng ở 3 vị trí khác nhau đã lần lượt ra tín hiệu dừng xe đối với Minh. Liên tục không chấp hành hiệu lệnh, Minh còn tăng ga phóng xe bỏ chạy rồi đâm xe vào thiếu tá Nguyễn Hồng Khu làm anh Khu ngã xuống đường.
Hành vi này của Minh đã gây hậu quả khiến thiếu tá Nguyễn Hồng Khu bị gãy chân phải, vỡ xương bánh chè chân trái và bị thương vùng mặt. Sau đó, thiếu tá Khu đã được đồng đội đưa đi cấp cứu. Hiện thiếu tá Khu đang phải điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Còn đối tượng Đinh Tiến Minh bị thương trầy xước ở khuỷu tay trái, hông trái và mắt cá chân bên trái.
Tại cơ quan công an, Đinh Tiến Minh khai do không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, sợ bị lực lượng chức năng xử lý nên không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy.
Đinh Tiến Minh đang học lớp 12H, Trường THPT Thành Đông (TP.Hải Dương). Công an TP.Hải Dương đã tiến hành kiểm tra, kết quả Minh không có nồng độ cồn và âm tính với các chất ma túy.
Bắt đối tượng tống tiền 10 tỷ đồng do nghi ngờ vợ “cắm sừng”
Ngày 25/9, Nguyễn Đăng Nam (SN 1998, trú tại huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội, khởi tố, bắt giam về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Làm việc với cảnh sát, Nam khai xuất phát từ ghen tuông, cay cú vì cho rằng bị “cắm sừng”, đối tượng nảy sinh ý định cưỡng đoạt tài sản nên đã gọi điện tống tiền nạn nhân.
Theo điều tra, tháng 7 cùng năm, anh T. nhận được cuộc gọi của một người đàn ông lạ mặt. Người này giới thiệu là chồng của một người phụ nữ mà anh T. quen biết trong quá trình làm việc. Người này nghi ngờ anh T. có quan hệ bất chính với vợ của anh ta.
Anh T. dù đã giải thích và người ở đầu dây bên kia không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh, nhưng anh T. liên tục bị người đàn ông này “khủng bố”. Đối tượng yêu cầu anh T. phải chuyển tiền để giữ kín thông tin.
Lo sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình, danh dự cá nhân và vị trí công tác đang đảm nhiệm, anh T. buộc chuyển cho đối tượng 200 triệu đồng.
Chưa dừng lại, đối tượng tiếp tục đưa ra yêu cầu nạn nhân phải quay clip ghi lại cảnh sinh hoạt của vợ chồng anh T. rồi gửi cho đối tượng nhằm mục đích sử dụng để khống chế nạn nhân. Không chấp nhận yêu cầu này, đối tượng tiếp tục yêu cầu phải chuyển 10 tỷ đồng, nếu không sẽ công khai sự việc cho mọi người biết.
Bức xúc trước hành vi của đối tượng, anh T. trình báo sự việc đến Công an huyện Thanh Trì. Nguyễn Đăng Nam bị bắt giữ khi đang nhận số tiền 500 triệu đồng của bị hại.
Cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh: “Tôi tuổi cao, ở trong trại giam đã 930 ngày, rất khó khăn, mong sớm được trở về”
Tại tòa phúc thẩm ngày 25/9, cựu Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị cáo Đỗ Anh Dũng cho hay giữ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Vị này trước đó bị cấp sơ thẩm phạt 8 năm tù vì lừa đảo 8.600 tỷ đồng.
Khai tại tòa, ông Dũng khẳng định thu tiền trái phiếu để đầu tư vào các dự án bất động sản được cấp phép, phê duyệt nên bản chất không chiếm đoạt. Khi bị khởi tố, ông Dũng đã dành “quyết tâm cao”, thu xếp hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên cho hơn 6.000 bị hại.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng xin giảm án để về xây dựng lại Tân Hoàng Minh, cống hiến cho xã hội.
Cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh trình bày thêm: “Tôi tuổi cao, ở trong trại giam đã 930 ngày, rất khó khăn. Nay tôi mong muốn sớm trở về khôi phục và phát triển tập đoàn vì chúng tôi còn rất nhiều dự án và kế hoạch để công hiến tiếp cho xã hội”.
Trong vụ án có một bị hại kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt tù với Đỗ Anh Dũng, buộc vị này phải trả lãi trái phiếu theo hợp đồng phát hành. Bị hại này cho hay đã vay tiền bạn bè, người thân để có 2 tỷ đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh.
Khi vụ án được khởi tố, số trái phiếu trở thành vô giá trị. Bị hại khẳng định lúc đó đã bị đòi nợ liên tục bằng “nhiều biện pháp vô đạo đức”. Chủ nợ còn khởi kiện và TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên buộc bị hại này trả 2 tỷ đồng gốc kèm 200 triệu đồng tiền lãi. Do vậy, phiên tòa này cần buộc Đỗ Anh Dũng trả số lãi trái phiếu.
Sau xét xử, TAND cấp cao tại Hà Nội đánh giá, ông Dũng là người cao tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo, có nhiều cống hiến cho xã hội, gia đình có công cách mạng… nên chấp nhận kháng cáo, giảm cho vị này từ 8 năm xuống 7 năm tù. Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị hại nói trên với lập luận, đây là vụ án lừa đảo nên bị cáo chỉ cần trả lại tài sản đã chiếm đoạt, không cần trả lãi.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của Covid-19 nên khó khăn về tài chính. Tập đoàn này có dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng.
Vào tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh tăng dư nợ lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 8 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021.
Các bị cáo thống nhất Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời.
Thay vào đó, 3 công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông.
Các công ty con này sau đó mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỷ đồng.
Số tiền huy động được, Chủ tịch Tân Hoàng Minh và đồng phạm chi tiêu vào việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.
Cơ quan tố tụng cáo buộc 15 bị cáo trong vụ án đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng và hiện số tiền này đã được giao nộp để hoàn trả cho các bị hại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đỗ Anh Dũng khai lý do phát hành trái phiếu do năm 2021 Tân Hoàng Minh cần nhiều vốn hơn nên bị cáo đã bàn bạc với con trai về việc huy động vốn từ nhà tài trợ, không chỉ từ vốn ngân hàng.
Do đó, ông Dũng bảo con trai Đỗ Hoàng Việt tìm thêm một kênh huy động vốn. Việt đề xuất kênh trái phiếu.
Đối với việc chạy dòng tiền để phát hành trái phiếu, Chủ tịch Tân Hoàng Minh thừa nhận có sai phạm và với chức vụ là người đứng đầu, bị cáo nhận trách nhiệm của bản thân.
Tuy nhiên, bị cáo khẳng định, khi phát hành trái phiếu, trong thâm tâm chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua.
Với những khoản tiền lãi của các hợp đồng đến hạn trước khi bị bắt, bị cáo xin nhận trách nhiệm trả số tiền này. Với khoản lãi sau khi bị bắt, bị cáo cho biết tuân thủ theo quyết định của tòa án.
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Cựu Phó TGĐ SCB đều xin ý kiến Trương Mỹ Lan trước khi chuyển tiền
Chiều 25/9, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác tiếp tục với phần xét hỏi đối với nhóm bị cáo vi phạm tội Rửa tiền.
Trước câu hỏi của VKS về việc mở và sử dụng thẻ tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) nói không nhớ rõ có bao nhiêu thẻ được mở tại Ngân hàng SCB trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2022.
Song, bị cáo tôn trọng nội dung trong cáo trạng truy tố là 3 thẻ thanh toán (Visa, Master). Bị cáo Cơ cho biết thêm, hạn mức cao nhất của các thẻ này là khoảng 10 tỷ đồng. Bị cáo không nhớ rõ mức chi tiêu một tháng là bao nhiêu.
“Bị cáo có biết tiền nộp vào các thẻ này do cá nhân hay đơn vị nào gửi vào không?”, đại diện VKS hỏi.
“Tôi không biết ai hay tổ chức nào gửi tiền vào. Chỉ đến khi nhận được cáo trạng mới biết là do Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp vào thẻ”, chồng bà Trương Mỹ Lan đáp.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan). Ảnh: Xuân Huy.
Theo cáo trạng, trong từ năm 2018 đến ngày 7/10/2022, Chu Lập Cơ sử dụng hơn 33 tỷ đồng do vợ là Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp vào thẻ Visa, Master của Chu Lập Cơ là tiền do Trương Mỹ Lan phạm tội mà có.
Chu Lập Cơ khai nhận biết vợ là Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp tiền vào thẻ. Căn cứ vào chứng cứ, tài liệu điều tra có đủ cơ sở xác định Chu Lập Cơ đã cùng Trương Mỹ Lan hợp thức, sử dụng số tiền hơn 33 tỷ đồng.
Đính chính lời khai của chồng, bà Lan cho hay Ngân hàng SCB chỉ phát hành 2 thẻ cho Chu Lập Cơ là Visa và Master. Bởi ông Cơ thường sử dụng thẻ của nước ngoài, nhưng bị cáo ép ông ấy sử dụng thẻ của SCB để ngân hàng thu phí.
“Anh ấy sử dụng cũng chỉ vì do bị áo ép phải sử dụng. Anh ấy hoàn toàn không biết gì, khi nào thẻ SCB hết hạn thì sẽ được đổi thẻ mới”, bị cáo Trương Mỹ Lan nói.
Tiếp tục phần trả lời, bị cáo Trương Mỹ Lan bày tỏ mong muốn bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) và các bị cáo khác xác thực lại thông tin. Đồng thời, nhờ HĐXX xác định giúp vì sao một hành vi mà bị cáo bị truy tố 4 tội khác nhau.
Về tội Tham ô tài sản được xét xử ở giai đoạn 1, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho rằng mình bị oan. “Bị cáo không bao giờ nghĩ bản thân rơi vào thảm cảnh như ngày hôm nay. Đâu có một người nào tham ô tài sản mà toàn bộ tài sản lại nằm hết ở Ngân hàng SCB. Làm sao có người nào tham ô mà không hưởng đồng nào”, bị cáo Lan nói.
Trước đó, trả lời câu hỏi của đại diện VKS: “Vì sao là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB nhưng lại phải xin ý kiến bà Lan để thực hiện việc chuyển tiền?”, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung cho hay, khi nhận chức Phó Tổng giám đốc từ Nguyễn Phương Hồng để lại thì người này có hướng dẫn là liên hệ với Trương Mỹ Lan để thực hiện.
Hơn nữa, Dung biết bà Lan có quyền chi phối tại Ngân hàng SCB nên mới hỏi ý kiến bà Lan trước khi chuyển tiền. Nếu như không có ý kiến của bà Lan sẽ không thực hiện việc chi trả tại Ngân hàng SCB.
Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung đã chỉ đạo Nguyễn Phương Anh phối hợp với các chi nhánh của Ngân hàng SCB sử dụng tiền theo mục đích của Trương Mỹ Lan. Cụ thể là chuyển trả nợ các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; chuyển tiền thực hiện các dự án; chi cho các cá nhân phục vụ cho các mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan; trả nợ cho các ngân hàng khác ngoài hệ thống Ngân hàng SCB các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…
Hành vi của Trần Thị Mỹ Dung đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan che giấu, sử dụng số tiền chiếm đoạt được thông qua hành vi phạm tội “Tham ô tài sản” của Ngân hàng SCB là 69.000 tỷ đồng.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày