Trong vụ án tại Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên về tội “Nhận hối lộ”.
Các bị can: Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty Minh Cường Phát bị đề nghị truy tố tội “Đưa hối lộ”; 5 người khác bị cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị can: Nguyễn Đức Thái, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đinh Quốc Khánh, Tô Mỹ Ngọc (từ trái qua phải). Ảnh: Bộ Công an
Theo kết luận điều tra, để hạn chế các nhà thầu tham gia nhằm tạo điều kiện cho công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Giấy Minh Cường Phát được trúng thầu, ông Thái đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn mà không thực hiện theo phương thức chào giá như trước đó.
Từ việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Thái được bà Ngọc 10 lần đưa hối lộ tổng số tiền 20 tỉ đồng và ông Minh 5 lần đưa hối lộ tổng số 4,9 tỉ đồng. Kết luận điều tra cũng thể hiện số tiền nhận hối lộ này ông Thái không chia cho ai mà dùng vào việc cá nhân của mình. Hai phó tổng giám đốc “nhúng chàm” dù không hưởng lợi
Trong số bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có 2 cựu Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam là các bị can Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải.
Cả hai người được xác định không hưởng lợi ích từ doanh nghiệp nhưng lại làm theo chỉ đạo của ông Thái để giúp công ty của Tô Mỹ Ngọc, Nguyễn Trí Minh được trúng thầu.
Kết luận điều tra thể hiện, ông Bách người có nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in phục vụ in sách giáo dục và có nhiệm vụ quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng ngày, triển khai các kế hoạch kinh doanh của NXB Giáo dục.
Năm 2017, ông Bách đã thống nhất hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn theo chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Thái và đề xuất của Ban Kế hoạch Marketing NXB Giáo dục.
Ông Bách thừa nhận việc áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn để tổ chức đấu thầu mua sắm giấy in năm 2017 là trái quy định pháp luật. Quá trình thực hiện, ông Bách tham gia phê duyệt, ký thang điểm đánh giá nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu. Sau khi có kết quả trúng thầu, ông Bách là người đại diện ký hợp đồng mua bán với các nhà thầu.
Điều tra xác định, đây là lần đầu ông Bách tham gia vào hoạt động mua sắm giấy in của NXB Giáo dục. Ông Bách không bàn bạc, trao đổi với Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát để hợp thức thủ tục trúng thầu, không được hưởng lợi.
Đối với bị can Lê Hoàng Hải, phía điều tra cho rằng ông phụ trách Ban kế hoạch Marketing đã chỉ đạo Ban này lập danh mục, số lượng chủng loại giấy in các gói thầu và thời gian tiến độ cần cung ứng phục vụ hoạt động mua sắm giấy in. Tại một cuộc họp năm 2017, theo đề xuất của Ban và chỉ đạo của Nguyễn Đức Thái, ông Hải thống nhất mua sắm giấy in năm 2017 bằng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn.
Cũng theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Thái, ông Hải ký nháy thông báo chào hàng, hồ sơ yêu cầu, thông báo gửi các nhà thầu về việc trúng thầu và tiến hành thương thảo hợp đồng. Việc lập danh sách ngắn các nhà thầu được gửi hồ sơ yêu cầu, ông Thái chỉ đạo bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing.
Kết luận điều tra cũng thể hiện ông Hải không được bàn bạc, không trao đổi về việc để Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát trúng thầu, cùng không làm việc trực tiếp với nhà thầu, không được hưởng lợi. Ngoài ra, đầu tháng 9/2017, ông Thái chỉ đạo ông Hải và bà Thủy để Công ty Minh Cường Phát thực hiện gói thầu số 7.
Tại phòng làm việc của ông Hải, hai bên ký biên bản giao nhận hồ sơ dự thầu nhưng ông Hải không biết việc doanh nghiệp này chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho cả 2 công ty “quân xanh”. Bị can Hải cũng không tham gia việc giao nhận hồ sơ dự thầu và không chỉ đạo cấp dưới thực hiện thủ tục để Minh Cường Phát trúng thầu. Chỉ khi có quyết định trúng thầu, ông Hải mới ký thông báo trúng thầu và thương thảo hợp đồng theo chức năng, nhiệm vụ với vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách Ban kế hoạch Marketing.
Cũng theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy nhận chỉ đạo của Nguyễn Đức Thái để đi gặp Tô Mỹ Ngọc. Hai người phụ nữ sau đó trao đổi và đồng ý giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhóm công ty của Ngọc tham gia các gói thầu tại NXB Giáo dục. Tại lần gặp này, bà Thủy đã nhận 20 triệu đồng từ bà Ngọc.
Khoảng tháng 8/2017, bà Thủy tiếp tục được ông Thái chỉ đạo: “Tý nữa có Ngọc của Công ty Phùng Vĩnh Hưng gọi điện thì gặp và giúp đỡ nó nhé!”. Do vậy, khi bà Ngọc trao đổi thì bà Thủy hiểu là ông Thái đồng ý nên gọi điện cho ông Đinh Quốc Khánh, Phó ban Kế hoạch Marketing và nói: “In thông tin mua sắm năm nay rồi cầm xuống quán cà phê cạnh cơ quan, anh Thái đã có ý kiến chỉ đạo rồi”.
Sau đó, bà Thủy và ông Khánh cung cấp cho bà Ngọc bảng thông tin về thông số kỹ thuật, số lượng, các kho hàng liên quan đến việc đấu thầu 6 gói in sách năm 2017. Khoảng tháng 9/2017, sau khi đấu thầu xong, bà Ngọc hẹn bà Thủy xuống quán cafe để gặp và nói: “Em có 300 triệu, gửi cảm ơn chị và mọi người đã giúp đỡ”. Bà Thủy nhận và nói: “Chị cảm ơn”.
Quay lại trụ sở NXB Giáo dục, bà Thủy xách túi tiền lên phòng làm việc của ông Thái để báo cáo và được ông Thái chỉ đạo bồi dưỡng cho bà Thủy, Ban Kế hoạch Tài chính và Ban Kế hoạch Marketing. Sau đó, bà Thủy sử dụng 200 triệu đồng và đưa cho mỗi ban 50 triệu đồng, cho vào quỹ.
Ngoài vụ án này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đã bị phạt 30 tháng tù về tội “Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á. Khi đó, bà Thủy bị cáo buộc giới thiệu cho một doanh nghiệp Singapore mua kit test Covid-19 giá cao từ Công ty Việt Á với giá cao để tặng cho Việt Nam rồi hưởng lợi bất chính.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày