Theo quy định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, là tài sản công để tại các doanh nghiệp thương nhân kinh doanh xăng dầu. Định kỳ mùng 1 hằng tháng và khi kết thúc năm tài chính, ngân hàng nơi mở tài khoản BOG cùng doanh nghiệp phải báo cáo tình hình trích lập, sử dụng khoản tiền này lên liên bộ Tài chính, Công Thương.
Mai Thị Hồng Hạnh bị cáo buộc chiếm dụng quỹ BOG và tiền thuế bảo vệ môi trường.
Trong vụ án tại Công ty Xuyên Việt Oil, Viện kiểm sát cáo buộc Mai Thị Hồng Hạnh đã chiếm dụng quỹ BOG để sử dụng cho mục đích cá nhân và mang đi hối lộ hàng loạt quan chức.
Cụ thể, bị can Hạnh là chủ của Xuyên Việt Oil – doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu với 15 chi nhánh, 6 cửa hàng, 9 công ty liên quan phân bố chủ yếu tại các tỉnh, thành phía Nam.
Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp phép trở thành thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm 2016 nên được giao nhiệm vụ thu hộ, quản lý tiền quỹ BOG. Tuy nhiên, khoản tiền này thay vì để tại tài khoản của doanh nghiệp lại được chuyển vào “túi riêng” của Mai Thị Hồng Hạnh.
Bị can Hạnh đồng thời cũng báo cáo sai số dư quỹ BOG của doanh nghiệp. Cơ quan tố tụng cho rằng trong hơn 6 năm, từ 2016 – 2023, Hạnh chỉ đạo cấp dưới lập 81 báo cáo tình hình trích lập, sử dụng, quỹ BOG nhưng số dư trong báo cáo không đúng với số dư có trong tài khoản.
Như vào tháng 5/2023, Xuyên Việt Oil báo cáo liên bộ Tài chính, Công Thương việc có số dư quỹ BOG là 219 tỷ đồng nhưng thực tế số này chỉ hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, tài khoản tại BIDV và SHB có cùng mức hơn 1 tỷ, tài khoản khác có số dư 128 đồng – tức con số thực tế bị thổi lên hơn 100 lần.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, Mai Thị Hồng Hạnh đã sử dụng hơn 219 tỷ đồng mà vốn dĩ, Xuyên Việt Oil phải sử dụng cho mục đích bình ổn giá xăng dầu. Khoản tiền này được Hạnh mang đi mua nhà đất, cho vay, hối lộ hàng loạt quan chức tại các Bộ Công Thương, Tài chính, cục thuế…
Cũng thông qua việc hối lộ, Mai Thị Hồng Hạnh khiến người thuộc Bộ Tài chính và Bộ Công Thương “bỏ qua”, không áp dụng các biện pháp thu hồi quỹ BOG tại Xuyên Việt Oil.
Ngoài hành vi trên, bị can Hạnh còn chịu cáo buộc gây thất thoát hơn 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Đây là khoản thuế gián thu, được tính vào giá xăng dầu nên thực tế vẫn do người mua xăng dầu nộp. Các thương nhân kinh doanh có trách nhiệm nộp lại khoản thuế này vào ngân sách theo định kỳ.
Viện kiểm sát cáo buộc, từ tháng 10/2021 đến 7/2022, Xuyên Việt Oil thu hộ Nhà nước hơn 1.244 tỷ đồng tiền thuế nhưng Mai Thị Hồng Hạnh cố ý không nộp khoản này cho ngân sách. Thay vào đó, nữ Giám đốc chuyển vào tài khoản của mình để sử dụng cá nhân.
Hiện nay, trong 36 tài khoản ngân hàng của Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil, chỉ còn số tiền hơn 4 tỷ đồng cùng 244 USD. Do vậy, khoản 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường không thể thu hồi ngay và đây là thiệt hại cho ngân sách.
Trong quá trình hoạt động của Xuyên Việt Oil từ 2016 – 2023, Mai Thị Hồng Hạnh đã sử dụng các khoản tiền của Nhà nước nói trên hối lộ hàng loạt quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp, tất cả là 22 lần với tổng số tiền hơn 31,5 tỷ đồng. Đây là chưa kể Hạnh tặng người liên quan hàng loạt quà xa xỉ như siêu xe, đồng hồ đắt tiền, gậy golf…
Viện KSND Tối cao do vậy đề nghị tòa án xét xử Hạnh về 2 tội danh gồm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Đưa hối lộ”. Nữ Giám đốc được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ gồm thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày