Sáng 25/7, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội thay đổi kế hoạch, hoãn tiến hành luận tội với Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch FLC và 49 đồng phạm. Thay vào đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho quay lại phần xét hỏi để Viện kiểm sát làm rõ phần khắc phục hậu quả vụ án, ghi nhận tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, ông Quyết có 2 hành vi vi phạm gồm thao túng 4 mã cổ phiếu họ FLC, hưởng lợi bất chính 684 tỷ đồng và lừa đảo bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng. Bị cáo Quyết đã nhận trách nhiệm khắc phục toàn bộ số này (hơn 4.200 tỷ đồng), không liên đới 49 bị cáo còn lại.
Trịnh Văn Quyết khẳng định đủ tiền khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Đại diện Viện kiểm sát nêu câu hỏi, đến nay bị cáo mới khắc phục hơn 200 tỷ đồng tiền mặt tương đương 5% hậu quả (hơn 4.200 tỷ đồng), vậy phương án khắc phục số còn lại ra sao?
Trình bày, Trịnh Văn Quyết khai từ khi bị bắt ngày 29/3/2022, ông ta nhiều lần gửi đơn đề nghị được tạo điều kiện khắc phục hậu quả vụ án. Ban đầu, cảnh sát chỉ khởi tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và khi làm việc, Viện kiểm sát thông báo con số cần đền bù khoảng 700 tỷ đồng.
Ông Quyết khai khi nghe vậy liền “chốt” phương án bán “tài sản tâm huyết nhất của mình” là hãng hàng không Bamboo Airways với giá 700 tỷ đồng, tức vừa đủ đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư.
“Đến nay, người mua mới trả khoảng 200 tỷ đồng, chuyển vào tài khoản của C01 Bộ Công an. Còn 500 tỷ đồng thiếu, người mua cũng cam kết chuyển vào tài khoản của C01. Như vậy, thiệt hại trong hành vi thao túng chứng khoán đã được khắc phục”, Trịnh Văn Quyết khai.
Cựu Chủ tịch FLC tiếp lời, đến tháng 8/2022, bị cảnh sát khởi tố thêm hành vi lừa đảo liên quan cổ phiếu ROS với số tiền cần bồi thường 3.600 tỷ đồng. Sau khi suy nghĩ, ông Quyết khẳng định sẽ: “Bán toàn bộ tài sản tích lũy 20 năm của tôi để khắc phục hậu quả”. Số này gồm 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC cùng các tài sản cá nhân khác, trị giá khoảng 4.800 – 5.000 tỷ đồng bởi tổng tài sản của FLC lên tới “hàng chục nghìn tỷ đồng” và đây là nói khiêm tốn theo giá trị thực, không phải giá trị trên sàn giao dịch.
Theo ông Quyết, FLC là tập đoàn lớn, sở hữu từ 5 – 6 nghìn phòng khách sạn 5 sao cùng nhiều tài sản giá trị lớn khác. “Tính vo, FLC phải có giá hàng tỷ USD và tôi sở hữu hơn 30% cổ phần nên khi bán đi sẽ đủ để khắc phục hậu quả”, Trịnh Văn Quyết khẳng định.
Bị cáo này xin HĐXX tạo điều kiện cho bản thân cùng các luật sư của mình làm việc, bán tài sản để trả tiền cho các nhà đầu tư ở cả 2 hành vi là thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chủ tọa đặt câu hỏi, các tài sản của bị cáo có đang thế chấp tại đâu không? Trịnh Văn Quyết đáp: “Có tài sản thế chấp, có tài sản không”.
Trước diễn biến trên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng để ghi nhận đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, cần lùi thời gian luận tội đến chiều mai (26/7). Chủ tọa đồng ý việc này.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày