Hôm qua 28/5, tại hội trường UBND phường Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc (tỉnh An Giang), đại diện VKSND, lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an 2 tỉnh An Giang và Long An đã gửi lời xin lỗi đến ông Lâm Hồng Sơn cùng gia đình ông về việc khởi tố bị can và tạm giam đối với ông Sơn không đúng quy định pháp luật.
Trước các cán bộ cơ quan tố tụng, ban ngành địa phương, ông Lâm Hồng Sơn phát biểu cảm nghĩ, sau đó chấp nhận lời xin lỗi, cải chính công khai của cơ quan chức năng. Ông nói: “Cảm ơn VKSND, Công an 2 tỉnh An Giang và Long An, cùng các ngành chức năng có liên quan đã lắng nghe và xem xét”.
Ông Sơn còn yêu cầu, VKSND tỉnh An Giang bồi thường hơn 3,1 tỷ đồng, VKSND dân tỉnh Long An bồi thường 2,7 tỷ đồng. Đồng thời, đăng báo xin lỗi 3 kỳ liên tục trên báo Trung ương và báo địa phương.
Liên quan đến trách nhiệm này, chúng tôi trao đổi cùng Luật sư Lê Văn Lâm, Trưởng văn phòng Luật sư Mê Kông, trụ sở tại TP. Tân An (Long An) để tìm hiểu thêm quá trình điều tra, đình chỉ vụ án khi đang thụ lý, trách nhiệm bồi thường.
Theo luật sư Lâm, công dân bị khởi tố, tạm giam, tạm giữ, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do vì hết thời hạn tạm giam, tạm giữ mà không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, hoặc chứng minh được hành vi của người đó không cấu thành tội phạm (CTTP).
Công dân đã bị truy tố ra tòa án để xét xử nhưng tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc bản án kết tội của tòa án cấp dưới bị tòa án cấp trên hủy, tuyên bị cáo không có tội…
Căn cứ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, tại điều 70 về Trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ chuyển sang cơ quan, tổ chức khác, cụ thể: Cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả.
Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm yêu cầu cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho người thi hành công vụ gây thiệt hại thu tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trong điều 71 về Trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc quy định: Cơ quan Bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật. Điều 72 trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết, trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết thì quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết.
“Trong Luật đã quy định chi tiết, vì vậy cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm thực hiện, đồng thời nhanh chóng bồi thường theo yêu cầu của người bị bắt oan” Luật sư Lâm chia sẻ.
Tại buổi xin lỗi sáng 28/5, yêu cầu bồi thường oan sai, ông Sơn cho biết, tiếp tục khởi kiện Công an tỉnh An Giang về việc bồi thường các thiệt hại tài sản, như vốn đầu tư, hàng hóa do việc bắt giam oan gây ra. Vụ kiện vốn đã kéo từ năm 1991, vụ án trải qua nhiều giai đoạn tố tụng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả từ tòa án.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày