Xuất phát từ người lính đặc công, khi còn trong quân ngũ, Phạm Văn Động nổi trội hơn hẳn với khá năng bơi lội vượt trội cùng sức khỏe cường tráng. Thế nhưng, với bản tính côn đồ, Động “dùng nắm đấm để nói chuyện” với đồng đội.
Khi bị đuổi ra quân ngũ, Động đi khoe “thành tích” khắp nơi và bắt đầu giao du, kết bạn với những đám thanh niên hư hỏng, nghịch ngợm ở Hải Phòng và thành lập băng cướp khét tiếng ở đất Hải Phòng.
Ôm giấc mộng vượt biên đổi đời
Vào những năm 80 của thế kỷ 20, tại đất Cảng Hải Phòng, mỗi khi nhắc tới những băng, ổ nhóm cướp của khét tiếng, nhiều người vẫn còn rùng mình khi nhớ lại băng cướp của 4 anh em họ Phạm ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên do Phạm Văn Động, sinh 1965 cầm đầu.
Ngày ấy, mỗi khi nhóm cướp này đi đến đâu, đều để lại nỗi ám ảnh tột độ cho những người dân nơi đó bởi sự lạnh lùng tàn ác đến khiếp sợ. Các đối tượng đều tự trang bị súng, đạn, gặp đâu cướp đó và sẵn sàng nổ súng dằn mặt những ai có ý định cản đường.
Sinh ra trong 1 gia đình nghèo khó ở xã Thủy Triều huyện Thủy Nguyên, ngay từ nhỏ Động đã tỏ ra bướng bỉnh, ngang tàn hơn các bạn đồng trang lứa. Khi trưởng thành, bố mẹ Động quyết định cho Động lên đường nhập ngũ với mong muốn con sẽ chín chắn, rèn luyện thành niềm hi vọng của gia đình. Tại quân ngũ, với tài năng bơi lội vượt trội cùng sức khỏe cường tráng, Động nhanh chóng được sắp xếp vào khóa đào tạo thành lính đặc công.
Bằng những khóa huấn luyện khắt khe, đáng lẽ Động đã trở thành người chiến sĩ tinh nhuệ, cống hiến hết mình cho Tổ quốc nhưng với bản tính côn đồ, thích gây sự, Động lại dùng những gì được quân đội trang bị để gây sự với đồng đội. Mỗi khi không vừa ý, Động sẵn sàng “dùng nắm đấm để nói chuyện” khiến tất cả mọi người đều lắc đầu ngao ngán.
Cuối cùng, Động bị loại khỏi quân ngũ, trả về địa phương trong sự thất vọng của cha mẹ. Trái ngược với đấng sinh thành, lúc này Động lại tỏ vẻ hãnh diện khi “trong tay” đã có chút võ nghệ đã học thời trong quân ngũ. Động đi khoe “thành tích” khắp nơi và bắt đầu giao du, kết bạn với những đám thanh niên hư hỏng, nghịch ngợm ở Hải Phòng. Dần dần, Động bắt đầu thu nạp đàn em, thể hiện bản chất côn đồ với mong muốn trở thành thủ lĩnh.
Chỉ trong 1 thời gian ngắn, cái tên Phạm Văn Động bắt đầu nổi lên như 1 “hiện tượng” trong giới giang hồ đất Cảng. Những đám du côn, bất cần sùng bái Động bao nhiêu thì người dân lại ám ảnh, coi Động là cơn ác mộng bấy nhiêu.
Ngày đó, ở Hải Phòng, nhất là huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy nổi lên phong trào vượt biên trái phép sang Hồng Kông, các nước châu Âu. Và anh em nhà Phạm Văn Động cũng chung 1 ước muốn được đổi đời bên nước ngoài. Nhưng với gia cảnh nghèo khó, nhà đông anh em, để lo đủ cơm ăn áo mặc qua ngày đã là khó thì số tiền đi nước ngoài là 1 con số xa vời với anh em họ Phạm.
Tuy nhiên, khi có bắt đầu chút “danh tiếng”, anh em Động càng khao khát trốn đi nước ngoài với giấc mơ đổi đời. Động nghĩ, với bản lĩnh của mình, đối tượng không thể chấp nhận chôn vùi mình tại vùng quê nghèo nên đã bàn bạc với anh em trong gia đình để thành lập 1 băng cướp.
Sau khi bàn thảo, lên kế hoạch, băng của Động quyết định có 5 thành viên chủ chốt là 4 anh em ruột: Phạm Văn Động, Phạm Văn Đông, Phạm Văn Hoạt, Phạm Văn Bi và người em họ Phạm Văn Tú. Điểm chung của 5 đối tượng đều có bản tính côn đồ, sẵn sàng rút hung khí “xử” những người làm trái ý.
5 anh em họ Phạm và băng cướp mang tên “Ngũ hổ rặng ổi”
Theo tài liệu, trong số 5 thành viên, ngoài Động còn 1 thành viên vô cùng hung hãn, táo tợn là Phạm Văn Hoạt (tức anh trai của Động). Hoạt là con thứ 6 trong gia đình, từng bị đi tù về tội cướp tài sản. Trong kí ức của người dân thời đó, Hoạt có dáng người mảnh khảnh, thư sinh hiền lành. Tuy nhiên, trái lại với ngoại hình, Hoạt lạnh lùng và tàn bạo không kém người em trai.
Thành viên thứ 2 của nhóm là Phạm Văn Bi, là anh thứ hai trong gia đình. Trước khi gia nhập băng nhóm, Bi từng làm công nhân bốc xếp ở Cảng Hải Phòng. Cùng bản tính côn đồ như các anh em còn lại, Bi đến làm thì ít nhưng gây sự thì nhiều. Chẳng mấy chốc, Bi bị đuổi việc. Chán cảnh thất nghiệp lại không có tiền tiêu, Phạm Văn Bi sinh tật trộm cắp vặt. Đến khi biết em trai lên kế hoạch lập băng cướp, Phạm Văn Bi vội vàng xin tham gia.
Thành viên tiếp đó, là Phạm Văn Đông là con thứ 8 trong gia đình. Ban đầu, khi biết anh trai Động lập băng nhóm, Đông liền phản đối và không muốn tham gia. Nhưng do ngoại hình giữa Đông và Động khá giống nhau nên nhiều lần Đông bất đắc dĩ phải làm “nhân vật đóng thế” cho Động thoát khỏi sự truy quét chức năng. Lâu dần, Đông bắt đầu tỏ vẻ quan tâm đến những hoạt động của nhóm. Được các anh trai động viên, cuối cùng Đông đồng ý tham gia băng đảng.
Thành viên cuối cùng là Phạm Văn Tú (em họ của Phạm Văn Động). Từ nhỏ Tú rất thân với anh em nhà Động. Mỗi khi đi đâu, làm gì, Phạm Văn Tú đều đi theo và tỏ ra rất ăn ý với các anh em nhà Động. Chính vì vậy, khi nảy ra “ý tưởng” lập băng cướp, Động nghĩ ngay đến việc kêu gọi Tú gia nhập. Bởi Động biết rõ, với nhiều năm làm nghề thuyền chài, Tú rất sành sỏi địa bàn khu vực Thủy Nguyên và vùng xung quanh. Mỗi khi phi vụ được thiết lập, Tú sẽ tính toán đường đi, điểm rút để dễ dàng cho cả nhóm tẩu thoát.
Lúc đó, ở đầu làng Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên có rất nhiều rặng ổi hoang. Từ nhỏ, anh em nhà Động đã thường ra đây chơi, leo trèo, nghịch ngợm. Sau nhiều lần bàn bạc, 5 đối tượng quyết định thành lập băng nhóm với tên “Ngũ hổ rặng ổi”. Và cũng bắt đầu từ đây, cái tên “Ngũ hổ rặng ổi” đã trở thành nỗi ám ảnh đến khiếp sợ cho những người dân đất Cảng.
(Còn tiếp)
Tin An Ninh Hinh Su