Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo, cử tri tỉnh Quảng Trị đánh giá công tác phòng, chống tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, việc “bẻ cong” kết quả thanh tra nhằm có lợi cho ngân hàng này và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của các đối tượng nguyên là cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã làm thiệt hại cho tài sản quốc gia, để lại những hậu quả nặng nề.
Việc xử lý, thu hồi tài sản sau khi xét xử các vụ án tham nhũng còn hạn chế. Do vậy, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tại các ngành, các cấp đồng thời có giải pháp quyết liệt, chế tài xử lý mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn có hiệu quả các vụ án gây thất thoát lớn như vụ Vạn Thịnh Phát.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quốc hội.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Sự phối hợp đồng bộ giữa kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả.
Đặc biệt, theo tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số văn bản mới, quan trọng trong phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng.
Tổng thanh tra đánh giá kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm. Công tác này giúp siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung thanh tra lĩnh vực dễ tham phát sinh tham nhũng
Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn.
Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn nhất định.
Thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, khó khăn, Tổng thanh tra nêu rõ Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cơ quan chức năng kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; Tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.
Tăng cường, tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín.
Các vụ việc có dấu hiệu rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ, kim khí quý, đá quý qua biên giới… kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo…
Tin An Ninh Hinh Su