Ông Vương Đình Huệ thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội là chức danh do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, do đó, quy trình miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ sẽ do Quốc hội tiến hành.
Ông Vương Đình Huệ sinh ngày 15/3/1957, quê quán xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa liên tiếp X, XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội ba khoá XIII, XIV, XV; Ủy viên Bộ Chính trị hai khoá XII, XIII.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị bắt
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/4, Bộ Công an cho biết căn cứ kết quả điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, do Công ty CP Rạng Đông làm chủ đầu tư; ngày 23/4/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, trong đó:
Ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 trường hợp, gồm: (1) Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; (2) Xà Dương Thắng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận; (3) Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết; (4) Hồ Như Hải, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam – Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá và (5) Lê Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp thuộc Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận.
Ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 6 trường hợp: (1) Nguyễn Văn Phong, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; (2) Hồ Lâm, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; (3) Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; (4) Nguyễn Thanh Cho, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận; (5) Lê Nam Hưng, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận và (6) Phạm Duy Cường, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận; nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (hiện 6 bị can đều đang chấp hành án phạt tù trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, tỉnh Bình Thuận).
Ra quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 1 trường hợp: Nguyễn Xuân Phong, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận.
Ra lệnh khám xét chỗ ở đối với 6 bị can, gồm: (1) Lê Tiến Phương, (2) Xà Dương Thắng, (3) Đỗ Ngọc Điệp; (4) Hồ Như Hải; (5) Lê Anh Huy; (6) Nguyễn Xuân Phong.
Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 5) phê chuẩn, trong hai ngày 25, 26/4/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tổ chức thi hành lệnh, quyết định tố tụng hình sự theo đúng quy định pháp luật.
Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đ.X.
Ông Lê Tiến Phương sinh năm 1957. Ông có trình độ Cử nhân kinh tế, Cao cấp lý luận chính trị.
Tháng 12/2010, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa VIII họp kỳ thứ 15 đã bầu bổ sung ông Lê Tiến Phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2004 – 2011.
Ngày 11/12/2015, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Lê Tiến Phương do ông có đơn xin thôi giữ chức để nghỉ hưu trước tuổi.
Đến ngày 26/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận lý do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 – 2015 và nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 – 2016 và nhiệm kỳ 2016 – 2021 do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án; để một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam.
Tại Quyết định số 862/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2004 – 2011 và nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Lê Tiến Phương, do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Kỷ luật Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang
Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các quyết định của Thủ tướng thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Tại Quyết định số 346, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đối với ông Nguyễn Tử Quỳnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về đảng.
Tại Quyết định số 347, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Bà Nguyễn Hương Giang đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Trước đó, trong các ngày 24 và 25/1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 36, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Ninh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Ninh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, thực hiện một số dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các công ty trong hệ sinh thái AIC thực hiện, khiến nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Ninh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.
Trong đó, có trách nhiệm của các cá nhân gồm: ông Nguyễn Tử Quỳnh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với bà Nguyễn Hương Giang và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Tử Quỳnh.
Nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị Trung ương kỷ luật khai trừ Đảng
Xét đề nghị của Bộ Chính trị, Trung ương quyết định khai trừ Đảng cựu Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, ngày 26/4.
Theo Ban Chấp hành Trung ương, ông Lê Viết Chữ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ông cũng đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Cựu Bí thư tỉnh Quảng Ngãi được xác định đã tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì thế quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng, đồng thời giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.
Trước đó, ông Lê Viết Chữ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam về tội Nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Ông Chữ bị cáo buộc nhận tiền để tạo điều kiện giúp Phúc Sơn trúng gói thầu thi công tuyến đường chính dự án đường bờ nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.
Liên quan vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn, nhiều cán bộ đã bị bắt trong hai tháng qua.
Riêng Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo), Chủ tịch HĐQT tập đoàn Phúc Sơn, bị điều tra tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Lê Viết Chữ bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam hôm 27/3 để điều tra nghi vấn nhận tiền của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (Hậu “Pháo”), tạo điều kiện giúp doanh nghiệp này trúng gói thầu thi công tuyến đường chính dự án đường bờ nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.
Trước đó, Bộ Công an bắt ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch tỉnh và Cao Khoa, cựu chủ tịch tỉnh, cùng với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn.
Cùng ngày 27/3, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng bắt ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, với cáo buộc nhận hối lộ, tạo điều kiện cho tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố hồi cuối tháng 2.
Hôm 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Phúc Sơn, bị khởi tố, tạm giam để điều tra tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều tra mở rộng vụ án, nhà chức trách đã bắt lãnh đạo, cựu lãnh đạo nhiều địa phương của Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và những người này đều bị cáo buộc Nhận hối lộ.
Tai nạn lao động 7 người tử vong ở Yên Bái: Hé lộ nguyên nhân vụ tai nạn
Ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái nhận được tin báo về tội phạm của Nhà máy xi măng Yên Bái thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái liên quan đến vụ tai nạn lao động khiến 7 người thiệt mạng, 3 người bị thương tại nhà máy này. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã tiến hành giải quyết tin báo về tội phạm của nhà máy.
Hé lộ nguyên nhân vụ tai nạn lao động 7 người tử vong ở Yên Bái. Ảnh: PV
Ngày 26/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã thông tin về kết quả giải quyết tin báo về tội phạm nêu trên.
Theo đó, anh Lê Mạnh Cường (SN 1979, trú tại thôn Bỗng, xã Yên Bình, huyện Yên Bình) – Trưởng ca sản xuất Phân xưởng Thành phẩm cùng anh Nông Văn Tuân (SN 1995, trú tại thôn Tiến Minh, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình) và 8 người khác đều là công nhân đang làm việc tại Nhà máy xi măng Yên Bái.
Khoảng hơn 12 giờ ngày 22/4, sau giờ nghỉ trưa, nhóm 10 người tiến hành vận chuyển vật liệu vào bên trong máy nghiền xi măng số 3 (máy nghiền bi) để sửa chữa, thay tấm lót. Nhưng anh Lê Mạnh Cường không cắt động lực (cắt điện) theo quy trình sửa chữa.
Đến hồi 12 giờ 49 phút cùng ngày, chị Nguyễn Thị Tính (SN 1984, trú tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) – nhân viên Phòng Điều khiển trung tâm, quan sát qua màn hình camera phát hiện anh anh Nông Văn Tuân cùng một số người đang ngồi trên máy nghiền số 3 nên biết là số công nhân này đang sửa chữa máy nghiền.
Chị Tính quan sát màn hình máy tính thấy vẫn có nguồn điện vào máy nghiền số 3. Do đó, chị Tính gọi điện cho anh Tuân và thông báo là máy vẫn có điện, đề nghị cắt điện.
Một lúc sau, thấy máy nghiền số 3 vẫn có điện, chị Tính liên lạc qua bộ đàm, nhắc nhở anh Lê Mạnh Cường về việc này. Lúc này anh Cường bảo đã cắt điện biến trở rồi và sẽ kiểm tra lại.
Hồi 13 giờ 01 phút, anh Lê Mạnh Cường gọi điện cho anh Vũ Xuân Toán (SN 1979, trú tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) – Trưởng ca sản xuất phân xưởng lò liệu, nhờ báo người trực buồng Gió nóng, Trạm phân phối điện 6KV cắt nguồn điện của máy nghiền số 3.
Anh Vũ Xuân Toán báo qua bộ đàm cho anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1982, trú tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) – công nhân trực buồng Gió nóng. Nhận được liên lạc qua bộ đàm, anh Tuấn đi đến máy cắt điện của máy nghiền số 3, dùng tay quay để kéo máy cắt điện nhưng không kéo được.
Anh Tuấn đã gọi qua bộ đàm thông báo cho anh Toán biết việc máy cắt điện bị kẹt, không kéo được và bảo đi tìm thợ điện sửa. Lúc này, anh Trần Mạnh Hùng (SN 1980, trú tại phường Yên Thịnh, TP.Yên Bái) – nhân viên cân băng liệu đang làm việc ở đó cũng nghe thấy.
Thấy anh Toán đi vào buồng Gió nóng nên anh Hùng đi theo. Anh Toán đi đến chỗ anh Tuấn đang đứng trước máy cắt điện của máy nghiền số 3 và dùng tay quay để kéo máy cắt điện nhưng không được. Anh Toán đã ngắt aptomat nối với trung tâm điều khiển rồi đi tìm thợ điện.
Lúc này chỉ còn Hùng và anh Tuấn ở lại. Anh Hùng dùng tay quay để kéo máy cắt điện nhưng không được, nên đã lấy một đoạn cán chổi bằng lõi gỗ bóc dài khoảng 80cm có sẵn ở đó, chọc vào rơ le đóng điện trên máy cắt, khởi động máy nghiền số 3, dẫn đến máy nghiền số 3 quay.
Lúc này, anh Tuấn nghe thấy tiếng đóng rơle, đồng thời nghe có người nói qua bộ đàm bảo cắt điện máy nghiền số 3 nên anh Tuấn dùng luôn cán chổi mà Hùng vừa cầm để đóng rơle ngắt điện máy nghiền số 3.
Hậu quả 7 người đang ở bên trong máy nghiền bị tử vong. 3 người ngồi ở trên máy nghiền bị hất văng xuống đất và bị thương, được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố 1 nhân viên trong vụ tai nạn lao động 7 người tử vong ở Yên Bái. Ảnh: Công an tỉnh Yên Bái
Trước đó, Dân Việt đã thông tin, khoảng 13 giờ ngày 22/4, trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng Yên Bái thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã xảy ra sự cố xảy ra khiến 7 người tử vong và 3 người khác bị thương.
Đến ngày 23/4, căn cứ tài liệu, chứng cứ điều tra thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn lao động”, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Mạnh Hùng (SN 1980, trú tại phường Yên Thịnh, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) – nhân viên cân băng liệu về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”, quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tin An Ninh Hinh Su