Người đàn ông bị đâm chết tại nghĩa trang
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 17/1, thông tin từ lãnh đạo phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa xác nhận, địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng tại nghĩa trang của phường. Hiện, nghi phạm Lê Xuân Cường (SN 1978, ở số 2 ngõ Dũng, làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng) đã bị tạm giữ hình sự để điều tra làm rõ.
Hiện trường ông K bị đâm chết tại nghĩa trang phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Theo đó, khoảng 19 giờ ngày 16/1, ông Lương Thế K (SN 1977, ở 29A Trần Khát Chân, phường Hàm Rồng) có gặp Lê Xuân Cường để nói chuyện.
Bất ngờ Cường dùng dao đâm ông K, sau đó Cường chạy vào ngã ba gốc đa làng Đông Sơn. Hậu quả làm ông K chết tại chỗ.
Sau đó, Cường tiếp tục dùng dao đâm vào tay anh Lê Văn H (ở Đông Sơn, Hàm Rồng). Hiện anh H đang chữa trị tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa.
Xét xử vụ khủng bố ở Đắk Lắk: Các đối tượng lưu vong “vẽ” ra cuộc sống giàu sang để lôi kéo đồng bào
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 17/1, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục xét xử 100 bị cáo trong vụ tấn công vào trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) với các tội danh: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; khủng bố; tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và che giấu tội phạm.
Theo cáo trạng được công bố tại phiên toà, các đối tượng lưu vong ở nước ngoài đã lập nên tổ chức phản động để tiến hành các hoạt động xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Nhóm cầm đầu phản động ở nước ngoài đã móc nối với các đối tượng trong nước, thu thập thông tin tình hình kinh tế, xã hội… của nước ta, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên – nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Sau khi có thông tin, chúng bắt đầu xuyên tạc, bóp méo sự thật, phục vụ cho hoạt động phản động.
Chúng thông qua mạng xã hội để phát tán thông tin sai lệch hoặc tập hợp gửi đến các tổ chức phản động khác nhằm kêu gọi sự hỗ trợ về tài chính. Chúng “vẽ” ra viễn cảnh về việc sẽ được chia đất, được giao quyền, được đưa ra nước ngoài tận hưởng cuộc sống giàu sang…, nhằm lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin đi theo, lập nên cái gọi là “Nhà nước Đề ga”.
Do thiếu hiểu biết, một số người ở tỉnh Đắk Lắk đã bị các đối tượng phản động, lưu vong là Y Mút Mlô, Y Čik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban (Y Bé Êban), Y Chanh Byă, Y Sôl Niê… dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, kích động, lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức, hoạt động tích cực.
Các đối tượng cốt cán trong nước nghe theo chỉ đạo của các đối tượng lưu vong ở nước ngoài tiếp tục lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép một số người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thành lập nhóm vũ trang lấy tên gọi là “Lính Đêga” để tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại.
Những năm qua, nhiều đối tượng cầm đầu tổ chức phản động đã gửi tiền về Việt Nam để phục vụ việc lôi kéo, kích động, chuẩn bị lực lượng và vũ khí… để tấn công vào chính quyền. Đồng thời, các đối tượng trong nước cũng vận động gom tiền mua vũ khí, cất giấu để phục vụ cho mục đích tấn công, phá hoại chính quyền Việt Nam.
Các đối tượng lưu vong thường tổ chức các cuộc họp với các đối tượng trong nước để nắm bắt tình hình và phân công nhiệm vụ với nhau. Ngoài việc mua súng, đạn, hung khí nguy hiểm, tổ chức phản động này còn chỉ đạo làm lá cờ “Nhà nước Đề ga” và cờ của “Lính Đêga”.
Rạng sáng 11/6/2023, tổ chức khủng bố này đã tấn công vào trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 chiến sĩ công an và 2 cán bộ xã hy sinh, 3 người dân tử vong, 2 chiến sĩ công an khác bị thương.
Nhóm thợ lặn ở Cà Mau mất tích sau tiếng nổ lớn trên sông
Ngày 17/1, nguồn tin cho biết, Công an huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) đang xác định vị trí vụ nổ khiến 3 thợ lặn gồm ông N.N.T. (42 tuổi), T.V.N. (33 tuổi) và N.C.H. (16 tuổi, cùng ngụ huyện Năm Căn) mất tích trên sông Cửa Lớn.
Theo thông tin ban đầu, sáng 17/1, 3 thợ lặn này mang theo phương tiện hành nghề đi trên tàu đến đến khu vực sông Cửa Lớn (đoạn thuộc xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) để lặn mò phế liệu.
Tuy nhiên, đến khoảng 9h30 sáng cùng ngày, người dân sống hai bên bờ sông nghe được tiếng nổ lớn phát ra từ tàu của nhóm thợ lặn. Qua kiểm tra, cả 3 người bị mất tích.
Cũng theo nguồn tin, hiện vẫn chưa xác định được vị trí các thợ lặn mất tích, công việc tìm kiếm đang được khẩn trương tiến hành. Nguyên nhân vụ nổ cũng chưa xác định được có phải là do bình dưỡng khí ôxy của các thợ lặn gây ra hay không.
Bắt Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 17/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thế Bình, 49 tuổi, trú phường Minh Khai, TP.Hà Giang, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án Vi phạm các quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang năm 2017, Cơ quan CSĐT xác định ông Bình với cương vị giám đốc sở trong quá trình tổ chức mua sắm, trang cấp thiết bị cho các trường năm 2019 và 2020, đã có những hành vi sai phạm.
Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. Ảnh: Báo Hà Giang
Cụ thể, ông này cấp trang thiết bị không đúng nhu cầu của các trường; cấp cho các trường không thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình; mua sắm và cấp trang thiết bị không theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh gây thiệt hại và lãng phí cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Hành vi sai phạm trên có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang đang tiếp tục tổ chức điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh xử lý nhân văn với người thợ nề “quá chén”
Như Dân Việt đã thông tin: Tối 16/1, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại cảnh một người đàn ông bị chốt kiểm tra của cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Tĩnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.
Clip: Cách xử lý nhân văn của đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đối với người thợ nề “quá chén”.
Người đàn ông cho biết mình tên là Sử, ở xã Tâm Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), làm nghề thợ nề. Ông Sử trình bày, sau buổi làm việc chủ nhà đã mời ông uống rượu, do uống “quá chén” đã bị mất phương hướng, lạc đường về nhà nhiều lần.
Thời điểm đó, đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng có mặt kiểm tra đột xuất tổ công tác làm nhiệm vụ.
Sau khi hỏi han, đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã nhắc nhở ông Sử không nên uống rượu khi tham gia giao thông vì sẽ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và nguy hiểm cho người khác.
Sau đó, đại tá Nguyễn Hồng Phong đã nhờ người gọi điện cho vợ ông Sử đến đón về nhà. Sau khi clip được đăng tải lên mạng xã hội, dư luận cho rằng hành động của Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh rất nhân văn.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Sự việc trên diễn ra vào tối 16/1. Thời điểm xảy ra sự việc, trời mưa lạnh, tôi đang cùng tổ công tác của Công an TP.Hà Tĩnh xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tuyến đường Hàm Nghi. Chúng tôi đã giữ lại phương tiện để sáng hôm sau mời bác đến làm việc, kiểm điểm, nhắc nhở”.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong 45 tuổi, quê Phú Thọ. Ông từng đảm nhiệm các vị trí công tác tại Bộ Công an. Năm 2022, khi đang trên cương vị Phó Cục trưởng Cục An ninh đối nội Bộ Công an, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Tin An Ninh Hinh Su