Năm 2023, liên ngành tố tụng của Việt Nam đã phát hiện, truy tố hoặc xét xử nhiều đại án tham nhũng, kinh tế gây chấn động dư luận. Điều khiến dư luận xã hội trong và ngoài nước rất quan tâm ở các đại án đó là những con số, những số liệu thể hiện ở nội dung các đại án.
Có vụ án 1 quan chức nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD để bao che cho sai phạm của đối tượng; có vụ án một cán bộ Bộ Y tế nhận hối lộ đến 253 lần hoặc có vụ án khiến hàng loạt Giám đốc CDC vướng lao lý.
Có vụ án xuất hiện tình tiết chỉ 4 chai rượu vang, mặc dù không lên tới các con số khủng khiếp hàng triệu USD, hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại khiến truyền thông và dư luận xã hội tốn nhiều lời.
Cựu cán bộ Bộ Y tế nhận hối lộ đến 253 lần
Đại án “chuyến bay giải cứu” là một trong những vụ án tham nhũng nghiêm trọng tại Việt Nam được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm năm 2023.
Phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 11/7 đến ngày 28/7/2023, với 54 bị cáo, hơn 200 người được triệu tập trong phiên tòa kéo dài gần một tháng, các bị cáo bị truy tố 5 tội danh. Vụ án “chuyến bay giải cứu” kỷ lục về số tiền đưa, nhận, môi giới hối lộ, chưa nói đến hàng triệu USD lừa đảo, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Những người nhận hối lộ trong vụ án ở rất nhiều vị trí, từ cựu Thứ trưởng, cựu Cục trưởng, cựu Phó Cục trưởng, cựu Thư ký Thứ trưởng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đến các Đại sứ, nhân viên đại sứ quán.
Các cán bộ nhận hối lộ cũng ở rất nhiều Bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ, thậm chí còn có nguyên trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ
25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng, đó là những con số được nhà chức trách xác định.
Trong vụ án này, có một số số liệu khiến dư luận vô cùng choáng váng khi tiếp nhận, đó là việc cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nhận hối lộ của doanh nghiệp đến 253 lần. Cơ quan truy tố đã phải giành đến 8 trang A4 để diễn giải hành vi phạm tội của người này khi ban hành cáo trạng.
Dư luận thì ngỡ ngàng bởi số lần nhận tiền hối lộ của Kiên, tòa án thì nhận định Kiên nhận hối lộ “đặc biệt lớn” và án tử hình là mức án được Viện Kiểm sát đề nghị với Kiên. Bị cáo này sau đó được tòa tuyên án chung thân khi khắc phục gần hết số tiền nhận hối lộ.
Tình tiết đáng chú ý thứ hai trong vụ án là việc “chạy án” cho doanh nghiệp, 1 điều tra viên Bộ Công an đã trở thành bị cáo khi dính líu việc này. 2 lãnh đạo doanh nghiệp bị phát hiện đưa hối lộ đã nhờ cựu Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội giúp đỡ. Người này đã nhờ Hoàng Văn Hưng – ban đầu là điều tra viên thụ lý chính vụ án. Hưng được xác định đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp 800 nghìn USD nhưng ở cấp sơ thẩm không nhận.
Trong lần nhận tiền cuối cùng, cựu Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội khai đã bỏ 450 nghìn đô vào chiếc cặp và đưa đến cho Hưng. Hưng bác bỏ, khai đó chỉ là 4 chai rượu vang là quà tặng.
Dư luận xã hội, truyền thông đã đã dành nhiều lời trước các thông tin này. Các chuyên gia pháp luật, các luật sư theo dõi vụ việc cũng bàn luận dưới góc độ pháp lý.
Ở các trang mạng xã hội, kênh thông tin, diễn biến xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” nóng hơn bao giờ hết. Cuối cùng, dù Hưng chối tội nhưng căn cứ chứng cứ, tài liệu, diễn biến xét xử, tòa sơ thẩm xác định Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 800 nghìn USD của bị hại, bị phạt tù chung thân. Hưng kháng cáo kêu oan, nhưng trước khi phiên phúc thẩm diễn ra lại bất ngờ nhận tội, nộp toàn bộ tiền lừa đảo và vì thế Hưng được tòa phúc thẩm giảm án xuống còn 20 năm tù.
Vụ Vạn Thịnh Phát và những con số “xưa nay chưa từng có”
Vụ án Vạn Thịnh Phát là một đại án gây chấn động trong dư luận xã hội bởi những số liệu được nêu. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố Trương Mỹ Lan (còn gọi Trương Muội) – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thinh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.
Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố cùng lúc 3 tội danh “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”.
Số liệu đầu tiên đáng chú ý ở vụ án này là “đế chế” Vạn Thịnh Phát được xây dựng gồm hơn 1.000 doanh nghiệp dưới dạng công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước (trong đó có nhóm công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn vào dự án, vay vốn ngân hàng, đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác).
Số liệu thứ hai là việc bằng các cách, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 91,5% cổ phần tại SCB dù không có tên trong ban lãnh đạo SCB. Bà Lan đã nhờ 26 cá nhân, pháp nhân đứng tên giúp, còn bản thân thì đứng tên gần 5% theo quy định.
Số liệu thứ ba là SCB đã cho các công ty liên quan Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay hơn 1 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ không có khả năng thu hồi đến lúc vụ án được khởi tố là hơn 677 nghìn tỷ đồng.
Số liệu thứ tư là Trương Mỹ Lan bị quy kết tham ô hơn 304 nghìn tỷ đồng của SCB.
Một số liệu đáng chú ý trong vụ án đó là việc một quan chức nhận hối lộ “lớn nhất từ trước tới nay” như lời của một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nói.
Trường hợp này là bà Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra SCB.
Để bưng bít các sai phạm liên quan đến ngân hàng SCB, sếp SCB đã hối lộ cho đoàn thanh tra, trong đó hối lộ 5,2 triệu USD (118 tỷ đồng) cho bà Nhàn.
Cùng với đó, tất cả các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB dù ít dù nhiều đều nhận tiền, nhận quà.
Trước bà Nhàn, lịch sử tố tụng ghi nhận một trường hợp khác nhận hối lộ ít hơn bà Nhàn, tuy nhiên cũng được xác định là “xưa nay chưa từng có” ở thời điểm đó.
Người được nhắc đến là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ông Son nhận hối lộ 3 triệu USD của sếp doanh nghiệp trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG.
Trở lại vụ Vạn Thịnh Phát, bà Nhàn bao che cho sai phạm của SCB và Trương Mỹ Lan, chỉ đạo bỏ ra ngoài số liệu phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro; báo cáo không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm cho SCB…
Vụ án khiến 3 cựu Uỷ viên Trung ương và hàng loạt Giám đốc CDC “xộ khám”
Đại án Việt Á, đây chắc chắn là một trong số vụ được dư luận nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 3/1/2024, với 38 bị cáo bị truy tố.
3 cựu Uỷ viên Trung ương Đảng đã vướng vòng lao lý ở vụ án (ông Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long – cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Phạm Xuân Thăng cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); hàng loạt Giám đốc CDC trên cả nước và nhân viên cũng lần lượt “nối gót” bị bắt vì những sai phạm trong quá trình mua sắm sinh phẩm của Công ty Việt Á.
Trong vụ án, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu đô; thư ký của ông này cũng nhận hối lộ 4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm Covid-19; hiệp thương giá và kiểm tra hiệp thương sai quy định. Việt Á do vậy được tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm, thu lời bất chính.
Còn với ông Chu Ngọc Anh, cáo trạng xác định vị cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN này không thực hiện đúng quy định về quản lý, khai thác kết quả nghiên cứu test Covid, vốn do Học viện Quân y chủ trì.
Kết quả này do vậy dù là của Nhà nước nhưng bị Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á mang ra thương mại, thu lời bất chính. Ông Chu Ngọc Anh cũng nhận 200.000 USD từ Phan Quốc Việt.
Cơ quan truy tố kết luận, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Việt đã thông đồng, cấu kết với các bị can là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ để Công ty Việt á được phối hợp tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia về test xét nghiệm do Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện chủ sở hữu.
Sau đó bằng nhiều thủ đoạn, các bị can thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của đề tài thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, bán thương mại trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.
Ngoài các đại án trên, trong năm 2023, tòa án các cấp đã xét xử các vụ án như vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, vụ án xảy ra tại công ty AIC và bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, vụ án thứ tư liên quan cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tin An Ninh Hinh Su