Ngày 21/11, đơn vị tổ chức Hiệp hội Người Hàn tại Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về sự kiện Lễ hội Con đường văn hóa hữu nghị Việt – Hàn. Với chủ đề “Con đường đồng hành,” lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 2/12 đến ngày 3/12 tại phố Trần Văn Lai, Khu đô thị Mỹ Đình – Sông Đà, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Con đường văn hóa hữu nghị Việt – Hàn 2023 mang ý nghĩa về sự kết nối giao lưu Việt Nam – Hàn Quốc, nhân dân hai nước cùng nhau đồng hành trên con đường hợp tác hữu nghị, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hai quốc gia ngày càng bền chặt.
Dự kiến sự kiện năm nay có khoảng 100 gian hàng, mang đến nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, trưng bày sản phẩm đặc sắc, quảng bá hình ảnh cơ quan, doanh nghiệp Việ t- Hàn. Một số gian hàng lớn có thể kể đến là: Đại sứ quán Hàn Quốc, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc,…
Vào ngày 2/12, sẽ diễn ra lễ khai mạc với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật V-pop (âm nhạc trẻ Việt) và K-pop (âm nhạc trẻ Hàn). Đến từ Việt Nam là các ca sĩ trẻ đang được yêu thích như: Hoàng Tôn, Liz Kim Cương,…
Hàn Quốc sẽ mang tới các tiết mục âm nhạc dân gian truyền thống từ các nhóm biểu diễn Chuncheon Nongak, Hanaesori, nhóm nhạc cổ điển Pilgrim và Lieblings …
Ngày thứ hai của sự kiện sẽ có màn trình diễn của nhóm nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc, màn trình diễn b-boy từ nhóm nhảy đình đám Hàn Quốc và sự góp mặt của “ca sĩ huyền thoại” Wax. Nữ ca sĩ sinh năm 1971 từng nhiều lần giành Giải thưởng Âm nhạc Châu Á Mnet. Các ca khúc của cô rất thịnh hành tại Hàn Quốc.
Theo bà Chang Eun Sook, Chủ tịch Hiệp hội Người Hàn tại Hà Nội, nhiều năm qua, giọng ca mộc mạc của cô đã khiến biết bao con tim thổn thức. Nữ ca sĩ huyền thoại của Hàn Quốc sẽ mang đến những bản nhạc khơi dậy hoài niệm và ký ức đẹp.
Đây là món quà Ban Tổ chức dành tặng cho cộng đồng người Hàn đang sinh sống tại Hà Nội. Đặc biệt, điệu múa Nongak (nông nhạc) truyền thống của “xứ sở kim chi” sẽ là một trong những điểm nhấn của Lễ hội Con đường văn hóa hữu nghị Việt – Hàn năm nay.
Ngoài điệu múa Nongak, công chúng sẽ được thưởng thức nghệ thuật múa trống độc đáo của Hàn Quốc, Samulnori hay còn được gọi là “trò chơi tứ vật.” Chỉ với 4 loại nhạc cụ thô sơ, Samulnori đã tạo nên nhiều nhịp điệu mang âm hưởng dân gian, miêu tả trọn vẹn đời sống nông nghiệp thời Joseon (1392-1910) của người dân Hàn Quốc.
Bên cạnh các hoạt động lễ hội ca múa nhạc, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, mặc trang phục truyền thống Hanbok chụp ảnh, một nét mới thu hút khán giả năm nay là 500 chiếc đèn lồng Hội An và Hàn Quốc cùng tạo nên “con đường hẹn hò” lung linh trong đêm.
Văn hóa | Báo Dân trí