Cuốn sách do Ban Văn học – Nghệ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV6) thực hiện nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao (1923 – 1995). Những bài viết trong sách có bài đã in từ trước, nhất là ở phần thơ, nhưng chủ yếu là các bài mới được viết cho dịp kỷ niệm này.
Mỗi dịp kỷ niệm các danh nhân, nhất là những dịp lễ trọng bách niên, là thêm một lần cho người còn sống nhìn lại người đã khuất, đọc họ, ngẫm nghĩ về họ, khám phá thêm những chiều kích của họ và định vị họ cho hôm nay và ngày sau. Trường hợp của Văn Cao càng là như thế. Dịp kỷ niệm này là một dịp “Đem chuyện trăm năm giở lại bàn”. Ông vốn đã có những bài thơ và bản nhạc, đặc biệt là nhạc, nổi tiếng từ hồi đầu của tân nhạc Việt Nam: Buồn tàn thu, Thiên Thai, Suối mơ, Trương Chi. Ông đã đi vào cách mạng và kháng chiến từ những ngày đầu và tiếp tục có những bài hát vang động lòng người: Làng tôi, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội. Và bài Tiến quân ca Văn Cao viết theo nhiệm vụ sáng tác một hành khúc cho Trường Quân chính kháng Nhật ở chiến khu Việt Bắc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà từ 16/8/1945 tại Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang). Cho đến nay đó vẫn là bản Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng sau 1954 khi từ chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội trong đoàn quân chiến thắng thực dân Pháp, Văn Cao cùng nhiều bạn hữu văn nghệ của mình đã bị lâm nạn Nhân văn – Giai phẩm phải im tiếng một thời gian dài mấy chục năm.
Bài hát duy nhất ông viết trong khoảng lặng im này là bài “Mùa xuân đầu tiên” năm 1976 mừng đất nước hoà bình, thống nhất thì cũng phải mười năm sau mới được phổ biến. Chỉ sau khi công cuộc Đổi Mới diễn ra thì Văn Cao và các bạn hữu ông mới được phục hiện và càng ngày càng được soi sáng thêm và hơn. Cho đến dịp trăm năm sinh này Văn Cao một lần nữa được tôn vinh.
“Lịch sử thường nghiêm khắc, thậm chí chứa đựng cả nghiệt ngã oan khuất, với trường hợp Văn Cao, lịch sử đã thử thách, tôi luyện nhân cách văn hoá của ông trong một cấu trúc văn hoá đối lập: vinh quang bất tử và cay đắng vô hạn. Đó cũng chính là hạn chế của lịch sử, hạn chế của thời đại mà người nghệ sĩ thiên tài Văn Cao vừa là chứng nhân của lịch sử, vừa là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử đau thương, ấu trĩ, giáo điều…” – tác giả Nguyễn Văn Sơn trong bài viết của mình đã nói rõ ra như vậy (tr. 127-128). Ông đã đi sâu phân tích bài hát Tiến quân ca về mọi phương diện để chứng minh nghệ sĩ thiên tài Văn Cao đã suốt đời “vì nhân dân chiến đấu không ngừng”.
Thiên Sơn lần theo “Những bước ngoặt trong tư duy thơ Văn Cao” để đi tới kết luận: “Từ một nhà lãng mạn, Văn Cao đã nỗ lực để trở thành một nhà thơ hiện thực, từ một nhà hiện thực, Văn Cao đã tiến thêm một bước vào lãnh địa của thơ tượng trưng. Trong thơ ông người ta tìm thấy cả dấu ấn thân phận nhà thơ, lẫn nỗi cay đắng của một lịch sử đầy gấp khúc.” (tr. 125)
Văn Giá đi sâu vào những bài thơ Văn Cao viết âm thầm trong thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm mà ông gọi là thơ “chấn thương” – “như là hệ quả trực tiếp của một trạng thái chấn thương tinh thần trong kiếp sống trần ai của nghệ sĩ“. Đó là những bài thơ có thể nói là “viết chui”, viết để tự giải toả cho mình, chụm vào hai chủ đề chính, theo Văn Giá, là: những nỗi niềm nhân thế và những tâm tình thân thế. “Nhân thế là nói về người khác, kẻ khác, về những thứ ngoài mình. Thân thế là những thứ thuộc về nội cảm, trong chiều sâu nội tâm của chính mình.” (tr. 38) Tác giả bài viết bước đầu thử tìm cách lý giải sự chữa lành chấn thương của Văn Cao có khác gì với những bạn hữu đồng hoạn nạn. Và ông nhận thấy: “Văn Cao hoá giải dính mắc, đón nhận đời sống với một tinh thần từ ái khoan dung. Nhờ vậy, thơ Văn Cao là một thứ thơ chấn thương “sáng trong và bình lặng” (đúng như cách nói của ông trong bài Khuôn mặt em được viết năm 1974)” (tr. 43). Đây là một hướng tiếp cận thơ Văn Cao có thể mở ra nhiều sự tìm tòi.
Phùng Gia Thế dõi theo đường thơ của Văn Cao đến đoạn Nhân Văn – Giai Phẩm lại thấy: “Từ đây là quãng đời u uẩn buồn bã của ông, nhưng cũng là lúc thơ ông có những nhánh rẽ đa dạng nhất. Thơ ông thời kỳ này như hạt mầm nảy ra từ cay đắng, và theo lẽ thường, sẽ là những hạt mầm quý giá và thành thực nhất.” (tr. 207) Những bài thơ đó nói lên nỗi niềm thân phận ông và cũng góp phần cách tân, hiện đại hoá cho thơ Việt. Tuy nhiên, theo Phùng Gia Thế, “thơ Văn Cao dường như nổi bật hơn bởi sự hiện diện độc đáo của một cái nhìn.” (tr. 214)
VĂN CAO MÙA CHỮ MÙA NGƯỜI
Nhiều tác giả
Chủ biên: Trần Nhật Minh – Đỗ Anh Vũ
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023
Số trang: 295 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 180.000đ
Đào Bá Đoàn thì kinh hoàng trước một kinh dị Văn Cao khi đọc bài thơ ông viết về nạn đói 1945 – “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”. Tác giả viết: “Tôi bỗng chợt rùng mình. Một cơn sợ. Một cơn hoảng hốt và cảm nhận hoang vu. Như chợt cảm thế giới không còn gì. Khó mà tồn tại. Hoặc tồn tại trong tăm tối nào khó hòng vụt chạy về đường ánh sáng. Và tôi hiểu. Sức mạnh ngôn ngữ thơ Văn Cao. Cũng chính là thần bút, không chỉ những nhịp lẩy của chiếc xe chở xác trên đường; không chỉ những ám tượng hình ảnh như của phù thuỷ gọi về bầy ra trước mắt; mà, những suy tư, bao nhiêu trĩu nặng yêu-tin, thất vọng, trong giá trị làm người, những cộng cảm thẳm sâu của một đồng loại trong sinh tồn, rồi cũng có thể một hốt hoảng về nhân sinh…” (tr. 29)
Còn nhiều những bài viết về nhạc và thơ Văn Cao trong tập sách này. Phạm Xuân Thạch gọi ông là “Người tiên tri của cách mạng”. Nguyễn Hoài Nam thấy tiếng thơ ông “vang vang cả lòng cả đáy”. Trịnh Thu Tuyết ngẫm về “nỗi buồn của lá” trong thơ ông. Trần Xuân Toàn tìm hiểu “Hệ thống tín hiệu thẩm mỹ trong ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn”. Đỗ Anh Vũ dõi theo “cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao”. Lê Anh Hoài thấy ông “giữa cái tôi và cái chúng ta” năm 1956. Văn Thao (con cả Văn Cao) kể về sự ra đời bài thơ “Ngoại ô mùa đông 1946”. Nguyễn Thuỵ Kha kể những kỷ niệm của Văn Cao với mình.
Ngoài nhạc và thơ, Văn Cao còn có hoạ. Thi ca – âm nhạc – hội hoạ là “ba con ngựa ô” của Văn Cao, theo Nguyễn Việt Chiến. Còn Lê Thiết Cương gọi đó là ba hào trong một quẻ, gọi là quẻ Văn – Văn Cao. Trong hoạ ông làm cả Hội hoạ, Đồ hoạ, Minh hoạ. Cuốn sách “Văn Cao mùa chữ mùa người” có phần phụ bản in các bìa sách và minh hoạ sách ông vẽ trong thời kỳ khó khăn kiếm sống. Và bìa sách là chân dung tự hoạ của Văn Cao.
Và một phần phụ bản nữa là một số bài thơ viết về Văn Cao.
Thanh Thảo “nhớ anh Văn Cao”:
suốt đời chạy trốn Thiên Thai
như con nhện đơn độc
hình hài giăng tơ trói buộc
râu tóc lay bay
Nguyễn Trọng Tạo nhìn Văn Cao là “Nha khí tượng”:
Người báo bão ngồi im
nhà thơ già râu tóc trắng ngồi im
những câu thơ – những dòng tin báo bão hiện lên!
Nguyễn Duy “Mừng anh Văn Cao 65 tuổi”
Anh tự nén mình
chiếc lò xo
co hết cỡ
chiếc lò xo bị nén từ nhiều phía
Nguyễn Thuỵ Kha nhìn “cây sấu cuối phố Yết Kiêu” nơi Văn Cao ở:
Cây sấu cuối phố Yết Kiêu
Giống một ăng ten cực nhạy
Thu hút trong xanh biếc ấy
Bao năm linh hồn người nào
Cuốn sách “Văn Cao mùa chữ mùa người” là cuốn duy nhất ra trong dịp kỷ niệm 100 năm sinh Văn Cao. Tên sách hay và nội dung sách có nhiều cái hay mới cho người đọc hiểu thêm về tác giả Quốc Ca. Nhân dịp này một cuộc ra mắt sách và hội thảo về Văn Cao đã diễn ra tại Đài tiếng nói Việt Nam ngày 14/11/2023.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 21/11/2023
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet