Mới đây, rạp Việt đón nhận một phim kinh dị đến từ Hong Kong đúng dịp Halloween là Quỷ môn quan: Gọi hồn. Phim xoay quanh nhân vật chính Hướng Vinh (Giang Diệp Sinh) từ Canada về Hong Kong để chăm sóc người mẹ đang hôn mê.
Điều tình cờ là anh trở về đúng ngày rằm tháng 7, thời điểm có nhiều “cô hồn” trở lại trần thế trong tín ngưỡng của người phương Đông.
Do từ nhỏ đã có khả năng nhìn thấy ma, sự kiện này khiến Hướng Vinh một lần nữa đặt chân vào ranh giới âm dương, dẫn anh đến những tình huống đen tối, đáng sợ.
Phim kinh dị Hong Kong pha trộn nhiều thể loại
Quỷ môn quan: Gọi hồn là tác phẩm thống trị phòng vé Hong Kong vào thời điểm khởi chiếu trong tháng 7 âm lịch. Tác phẩm có nhiều điểm mạnh về nội dung, diễn xuất cũng như cách thể hiện của đạo diễn.
Phim gợi lại ký ức một thời về những năm 1990, khi văn hóa Hong Kong ngập tràn mọi ngõ ngách. Điện ảnh xứ Cảng Thơm cũng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới khán giả Việt Nam.
Trailer Quỷ môn quan: Gọi hồn
Ngoài dòng xã hội đen, thể loại phim nổi tiếng nhất của Hong Kong lúc bấy giờ là kinh dị, với đa dạng phong cách từ cổ trang đến hiện đại.
Một trong những phim kinh dị được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Hong Kong là Thiến nữ u hồn (1987), do Trương Quốc Vinh và Vương Tổ Hiền đóng chính.
Dựa theo một truyện ngắn đời nhà Thanh trong bộ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, Thiến nữ u hồn không chỉ “oanh tạc” phòng chiếu với tổng doanh thu gần 20 triệu đô la Hong Kong mà còn nhận được vô số đánh giá tích cực từ khán giả và giới chuyên môn.
Thiện nữ u hồn được xếp vào danh sách 10 phim hay nhất Hong Kong năm 1987 và lọt top 50 trong 100 phim xuất sắc nhất của điện ảnh Hoa ngữ nhiều năm qua.
Ngoài chất kinh dị, tác phẩm còn pha trộn nhiều yếu tố như kỳ ảo, cổ trang, lãng mạn, hài hước để khiến câu chuyện tình giữa người và ma trở nên bất tử.
Thiện nữ u hồn cho thấy tay nghề của đạo diễn Trình Tiểu Đông khi đan xen nhiều thể loại khác nhau mà vẫn đem đến hiệu quả nghệ thuật.
Hay bộ phim Quỷ môn quan: Gọi hồn có sự pha trộn giữa kinh dị và tâm lý, giật gân. Ở bề mặt, phim là câu chuyện về một chàng trai đối mặt nhiều tình huống tâm linh trên đường về thăm mẹ mình. Nhưng đằng sau đó là quá trình anh vượt qua những ám ảnh của bản thân trong quá khứ.
Quỷ môn quan: Gọi hồn không chỉ dừng lại ở những pha hù doạ, máu me đơn thuần, mà còn đem đến cho khán giả cảm giác sợ hãi âm ỉ từ bên trong.
Khu chung cư và những cư dân trong phim gợi nhớ mô hình thu nhỏ của xã hội Hong Kong thời kỳ ảm đạm, khi những cái chết bí ẩn diễn ra liên tục và những mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn thế hệ bủa vây khiến cuộc sống người dân bí bách.
Truyền tải văn hóa Hong Kong
Xem phim kinh dị Hong Kong, khán giả sẽ dễ dàng nhớ tới những nét văn hóa đặc sắc của xứ Cảng Thơm.
Trong Quỷ môn quan: Gọi hồn, nhà làm phim tận dụng tối đa thế mạnh văn hóa, với nguồn cảm hứng từ kinh kịch Trung Quốc, quà tang lễ bằng giấy, ma thuật đen… Tất cả tạo nên một không khí bí ẩn, huyền ảo, đậm chất tâm linh Á Đông.
Ngoài ra, nét văn hóa văn hoá Á Đông còn thể hiện ở các mối quan hệ gắn bó trong gia đình, việc nhân vật chính rất coi trọng lời nói của mẹ và hành động luôn đặt lợi ích tập thể lên trên cá nhân.
Ví dụ khác là bộ phim Cương thi tiên sinh (1985) – từng tạo nên cơn sốt lớn tại thời điểm ra mắt, kéo theo việc sản xuất 4 phần tiếp theo, một vở kịch sân khấu, một loạt phim remake cùng một trò chơi điện tử.
Phim kể về những cuộc phiêu lưu đáng nhớ của Cửu Thúc, một vị linh mục chuyên trừ tà, cùng hai đệ tử Thu Sinh và Văn Tài. Trong lần nhận nhiệm vụ mai táng cho một đại gia, anh tình cờ phát hiện ra ông ta là ma cà rồng. Từ đây, những tình huống dở khóc dở cười xảy ra liên tục với Cửu Thúc và đồ đệ.
Ma cà rồng của bộ phim dựa trên hình ảnh cương thi – xác chết nhảy trong văn hóa dân gian Trung Quốc. Và vì thế, nó trở nên gần gũi, hài hước hơn với khán giả châu Á.
Chính nhờ những yếu tố bản địa rất đậm nét mà phim ảnh lẫn văn hóa Hong Kong được thế giới biết tới, đặc biệt trong thời kỳ hoàng kim của điện ảnh nước này.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed