Trong nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20, nhạc sĩ Văn Cao là tên tuổi nổi bật, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, chinh phục người nghe nhạc bằng những ca khúc có sức sống vượt thời gian.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt và hoà trộn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Một tài năng thiên bẩm, nhạc sĩ của nhiều bài hát rung động lòng người, các ca khúc trở thành một phần trong tài sản tinh thần của các thế hệ người Việt, cả tình khúc lẫn ca khúc.
Dù là nhạc sĩ có số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng ông lại là người có tác phẩm nổi tiếng rất sớm như: Buồn tàn thu, Suối mơ, Thiên Thai, Cung đàn xưa, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội, Bến Xuân, Thu cô liêu…
Đặc biệt, nhắc đến Văn Cao, mọi công dân Việt Nam, dù có thể không thuộc hết các ca khúc, biết hết các bài thơ và được chiêm ngưỡng đủ các tác phẩm hội hoạ của ông, nhưng chắc chắn đều có thể cất lên tiếng hát Tiến quân ca của Văn Cao để thể hiện lòng yêu Tổ quốc của mình. Nhạc sĩ An Hiếu, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ trẻ Hà Nội nói ca khúc đã trở thành biểu tượng cho sức sống của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam.
“Lời ca mộc mạc nhưng sâu sắc, khẳng định tinh thần yêu nước. Giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc và gần gũi với quần chúng. Cấu trúc bài hát chặt chẽ. Tôi luôn có nhiều cảm xúc khi nghe bài hát này”, nhạc sĩ An Hiếu bày tỏ.
Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ – chiến sĩ cách mạng, ông còn được biết đến là một nhà thơ với những vần thơ đầy triết lý sâu sắc và nhân văn; một họa sĩ đa tài với những mảng màu độc đáo. Ở nhạc sĩ Văn cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là một sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ…
Theo lời tâm sự của Văn Cao, nếu như Tiến quân ca là bản nhạc đưa những người lính ra trận. Cao hơn nữa, ca khúc còn gửi gắm một tình cảm lớn, tôn vinh một hạnh phúc giản dị và đời thường của hòa bình.
Văn Cao đã vẽ lên bức chân dung nghệ sĩ của đời mình bằng một tài năng “không giới hạn”. Dường như cả cuộc đời ông dành để tận hiến cho nghệ thuật, ông gửi gắm tất cả tâm sự, chia sẻ câu chuyện đời ông vào từng tác phẩm. Các tác phẩm âm nhạc của ông được đánh giá là những tác phẩm sang trọng và diễm lệ. Ông đã cống hiến trọn đời cho nền nghệ thuật với các tác phẩm được coi là một phần trong tài sản tinh thần của các thế hệ người Việt Nam. Tinh thần của ông, âm nhạc của ông vẫn theo suốt dọc dài đất nước và mãi ngân vang qua năm tháng, được nâng niu, yêu thương
Nhân dịp tròn 100 năm ngày sinh của ông, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam 15/11/1923-15/11/2023 Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện đêm nhạc “Bến Xuân”, tưởng nhớ tới nhạc sỹ tài danh của thế kỷ. Đón ông về bằng âm nhạc giữa lòng người hâm mộ vào 20h ngày 13/11/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Anh Tuyết, Phạm Thu Hà, Đức Tuấn biểu diễn trong đêm nhạc Văn Cao
Chương trình được chia làm 2 chương, gồm:
Chương I: “Bến Xuân” là những sáng tác đầu tiên với các nhạc phẩm chữ tình, mang nặng âm hưởng phương Đông nhưng vô cùng lãng mạn như: Buồn tàn thu, Suối mơ, Cung đàn xưa, Thiên thai….
Chương II: “Đàn Chim Việt” khán giả sẽ thấy một Văn Cao hiện lên hào hùng trong Trường ca Sông Lô, khi thì nhẹ nhàng, sâu lắng trong Mùa Xuân đầu tiên để thấu hiểu, rồi yêu người và yêu đời trong lặng lẽ.
Đêm nhạc với sự tham gia của: NSND Quốc Hưng, NSUT Việt Hoàn, NSUT Mai Hoa, ca sĩ Ánh Tuyết, Đức Tuấn, Phạm Thu Hà, Viết Danh, Thanh Thảo….
Ca sĩ Ánh Tuyết – một trong những giọng ca từng thể hiện nhiều ca khúc trữ tình của ông nói âm nhạc Văn Cao chứa đựng những câu chuyện đời, tâm tư, cảm xúc rất thật từ con người ông. Các sáng tác của ông vừa mang tình yêu nước vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa Đông Tây.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet