Với tài năng nghệ thuật cùng phong cách làm phim độc đáo, ông được biết tới như một trong những đại diện tiêu biểu nhất của trào lưu điện ảnh Làn sóng mới ở Đài Loan từ thập niên 1980.
Mới đây báo chí loan tin Hầu Hiếu Hiền đang chiến đấu với chứng bệnh mất trí nhớ và đã nghỉ làm phim. Ông từng ấp ủ bộ phim dài Shulan River và từng bắt đầu tìm kiếm địa điểm quay.
Tuy nhiên sức khỏe đã ngăn ông lại. The Assassin (Nhiếp ẩn nương – 2015) trở thành tác phẩm cuối cùng của nhà làm phim 76 tuổi.
Sự nghiệp vĩ đại của Hầu Hiếu Hiền khép lại mang đến nhiều nuối tiếc cho khán giả vốn đã từng say mê ông qua Đồng niên vãn sự (A time to live and a time to die, 1985), Bi tình thành thị (City of sadness, 1989), Thiên hi mạn ba (Millenium Mambo, 2001), Tối hảo đích thời quang (Three times, 2005), Nhiếp ẩn nương…
Giao tiếp biểu đạt bằng nhiều cách
Nói về phong cách của Hầu Hiếu Hiền là phải nói về các nhân vật nữ, phong cách hiện thực và tối giản đậm nét. Không phải tự nhiên Thư Kỳ là “nàng thơ” trong các phim của ông.
Với Millenium Mambo, Hầu Hiếu Hiền để máy quay theo chân Vicky (Thư Kỳ). Qua ánh mắt lúc nào cũng như hờn dỗi của Thư Kỳ, Hầu Hiếu Hiền đem đến cho người xem cảm giác tiếc nuối, hoài niệm về tuổi trẻ, tình yêu, nơi chứa đầy những khoảnh khắc bồng bột, những mối quan hệ dở dang, những lưng chừng, chơi vơi và cô đơn.
Three Times lại đưa người xem xuyên qua 3 không gian, 3 khoảng thời gian khác nhau, với trọng tâm là câu chuyện tình yêu xoay quanh nhân vật nữ chính duy nhất – Thư Kỳ.
Từ cảm giác dễ chịu ban đầu, càng về sau, những câu chuyện tình của Hầu Hiếu Hiền càng đen tối, ngột ngạt và day dứt.
Dù không phải là một nhà làm phim chuyên về nữ quyền, nhưng đạo diễn bộc bạch ông cảm thấy nữ giới diễn xuất trực quan và chăm chút cảm xúc hơn nam giới. Và cảm xúc chính là điều quan trọng nhất đối với một đạo diễn thích sự kiệm lời, tối giản như Hầu Hiếu Hiền.
Với Three Times, Hầu Hiếu Hiền không dùng quá nhiều thoại. Phần đầu – A time for Love, tình yêu của hai nhân vật chính không cuồng nhiệt, vội vã, mà đơn giản, nhẹ nhàng như những cơn mưa.
Khi ở gần nhau, họ cùng tận hưởng sự im lặng dễ chịu. Khi chia xa, họ giao tiếp qua những lá thư, qua những bản nhạc đang nghe và lời nhạc chép lại.
Họ bộc lộ tình yêu với nhau qua ánh mắt, nụ cười ngại ngùng và cái chạm thật khẽ. A time for Freedom thì hai nhân vật giao tiếp với nhau chỉ qua ngôn ngữ hình thể nhưng người xem vẫn cảm nhận được tình cảm chân thành mà cô gái lầu xanh dành cho tình nhân đã có gia đình.
Khi quay phim, Hầu Hiếu Hiền thường ưu tiên bối cảnh thật, lên phim ít phải thay đổi gì, đoàn phim chỉ cần đến và quay.
Từng chuyển động nhỏ như gió, ánh sáng, chiếc lá rơi… đều không có sự can thiệp máy móc hay bàn tay con người. Hầu Hiếu Hiền muốn nắm bắt trọn vẹn vẻ đẹp của tự nhiên và đem nó vào tác phẩm một cách sống động nhất.
Những tranh cãi xuyên suốt sự nghiệp
Trong sự nghiệp Hầu Hiếu Hiền luôn gặp những tranh cãi trái chiều. Nhiều khán giả cho rằng phim ông quá chậm, khó kiên nhẫn để xem.
Một bộ phận khác thừa nhận các tác phẩm ông làm luôn đẹp như những bài thơ và đầy chất mê hoặc.
Trên tạp chí Rouge, Hầu Hiếu Hiền chia sẻ: “Phải tìm đúng cách để tiếp cận đúng chủ đề của riêng mình.
Cũng không cần phải làm những bộ phim mà người ta cho là hợp lý, hoặc tự ép buộc làm những thể loại phim nhất định chỉ vì chúng được ca ngợi và công nhận.
Đừng bao giờ bị trói buộc bởi những suy nghĩ đó. Hãy sáng tạo và không thể đoán trước trong mọi bộ phim bạn làm. Đó là điều tốt nhất mà tôi muốn nói”.
Cũng chính bởi triết lý trên, Hầu Hiếu Hiền luôn tạo ra những kiệt tác đậm đặc bản sắc cá nhân, dù ông từng thừa nhận bị ảnh hưởng mạnh mẽ phong cách của bậc thầy điện ảnh Nhật Bản Ozu Yasujiro.
Khi thực hiện The Assassin, nhà sản xuất cho biết Hầu Hiếu Hiền chỉ muốn quay mỗi ngày một cảnh, thậm chí cả tuần quay đi quay lại chỉ một cảnh.
Ông cũng gây bất ngờ khi chọn nhạc Pháp và Nam Phi, bên cạnh một, hai ca khúc thuộc thể loại nhạc đương đại thịnh hành vài năm trước để làm nổi bật câu chuyện tối giản của mình.
Đạo diễn Guillermo del Toro – giám khảo Liên hoan phim Cannes 2015 – nhận xét Hầu Hiếu Hiền đã mang những điều rất khó hòa nhập với nhau vào bộ phim một cách hoàn chỉnh.
Phim ông không dễ xem đối với phần đông đại chúng, nhưng những thông điệp trong mỗi tác phẩm của ông đều có tính phổ quát lớn.
Ông luôn truyền tải bài học về nhân sinh, khuyên con người nên sống vì hạnh phúc của bản thân thay vì chạy theo vật chất để mãi chìm đắm trong đau khổ.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed