“Đất rừng Phương Nam” là một thành công về mặt doanh thu khi con số thu về đã lên tới 108,4 tỷ đồng so với kinh phí sản xuất 40 tỷ đồng.
Sự thành công về doanh thu của đoàn làm phim là điểm sáng đáng tôn vinh trong tình cảnh đìu hiu của nền điện ảnh Việt Nam. Mặc dù vậy thời gian vừa qua, về mặt chuyên môn pháp lý, đã có nhiều ý kiến khoa học đặt ra, nhất là vấn đề phóng tác tác phẩm gốc. Cách truyền thông ban đầu của đoàn phim “Đất rừng phương Nam” là phim được làm theo hướng “tôn trọng lịch sử” cũng như cái tên phim hoàn toàn được lấy từ tên tác phẩm văn học đã khiến nhiều người nghĩ rằng bộ phim bám sát nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi, thay vì “lấy cảm hứng” như ghi ở cuối phim. Nếu như bộ phim lấy một cái tên khác, đơn giản như lấy tên phim truyền hình 1997 “Đất phương Nam” và ghi rõ “lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” ngay từ đầu phim thì mọi chuyện đã không “phức tạp” như vậy.
Điện ảnh Việt Nam có không ít tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn hay tiểu thuyết nổi tiếng. Lịch sử điện ảnh vẫn còn ghi dấu ấn của các tác phẩm đặc sắc như: “Vợ chồng A Phủ” (nguyên tác tiểu thuyết “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài); “Mẹ vắng nhà” (nguyên tác truyện ngắn “Người mẹ cầm súng” và “Mẹ vắng nhà” của nhà văn Nguyễn Thi); “Làng Vũ Đại ngày ấy” (nguyên tác “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao); “Chị Dậu” (nguyên tác tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố)… Nhiều tác phẩm điện ảnh đã lan tỏa các giá trị văn hóa thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả tác phẩm gốc. Điều này chỉ có thể đạt được khi tác phẩm chuyển thể, phái sinh đã bám sát và tôn trọng tinh thần của tác phẩm văn hóa gốc. Cùng với sự sáng tạo nghệ thuật và tài năng của dàn đạo diễn, biên tập và các diễn viên đã góp phần đưa tác phẩm gốc lên đỉnh cao danh vọng.
Nhưng ngược lại, nếu không đảm bảo tinh thần của tác phẩm gốc thì thường dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều của độc giả yêu thích tác phẩm văn học. Nhìn vào một số trường hợp của điện ảnh thế giới, nhiều tác phẩm có bối cảnh lịch sử đã gặp những phản ứng dữ dội. Có nhiều bộ phim chuyển thể từ những tác phẩm văn học có yếu tố lịch sử như: “Chiến tranh Hòa Bình”; “Bác sĩ Zhivago”; “Thép đã tôi thế đấy”; “Chiếc trống thiếc”… cũng đã bị phê bình kịch liệt vì nó đã làm sai đi “tinh thần” của tiểu thuyết – đã được độc giả nhiều thế hệ mặc định. Mới gần đây thôi, tại quốc gia Châu Á có quan điểm văn hóa rộng mở là Hàn Quốc, phim truyền hình “Snowdrop” (năm 2021) có sự góp mặt của Jisoo (BlackPink) – bị cộng đồng mạng nước này phản ứng đòi cấm sóng, thậm chí là kiện ra tòa vì đã “xuyên tạc lịch sử.” Khi đó, có tới hơn 300.000 khán giả ký tên vào bản kiến nghị gửi lên tới tận Nhà Xanh đòi ngừng chiếu tác phẩm (Nhà Xanh là biểu tượng chính trị, quyền lực và văn hóa, nơi ở và làm việc chính thức của các đời Tổng thống Hàn Quốc).
Theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2022 ), tác phẩm phái sinh được quy định là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác. Trong trường hợp bộ phim “Đất rừng Phương Nam” 2023 thì có thể xem xét đây là tác phẩm phái sinh dưới hình thức tác phẩm chuyển thể. Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ, tác phẩm chuyển thể có thể hiểu là tác phẩm dựa trên tác phẩm gốc nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Hiện nay, hình thức chuyển thể phổ biến là việc chuyển thể một tác phẩm văn học, câu chuyện… thành tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình… Theo khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009), tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Đặc biệt, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009) quy định tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc. Trong trường hợp không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Liên quan đến vấn đề bản quyền, theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đoàn làm phim đã gặp gia đình nhà văn Đoàn Giỏi, xin phép và ký hợp đồng bản quyền làm phim. Đồng thời, rất nhiều người trong giới làm phim cũng đã lên tiếng bảo vệ “quyền sáng tạo” của ê-kíp “Đất rừng phương Nam” 2023. Họ viện dẫn nhiều tác phẩm điện ảnh Âu Mỹ có những cải biên, thậm chí khác hẳn so với những tiểu thuyết gốc. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên còn kêu gọi khán giả “đừng xem phim bằng cái nhìn cực đoan”. Nhưng rõ ràng, việc trả tiền tác quyền cho gia đình tác giả để sử dụng tên tác phẩm và dữ liệu trong tác phẩm được sử dụng cho phim là vấn đề hoàn toàn khác với tôn trọng “bản quyền tinh thần” của một tác phẩm văn học khi được chuyển thể. Nguyên tắc đầu tiên trong thực hiện tác phẩm phái sinh, đó là người sáng tạo tác phẩm phái sinh phải tôn trọng quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả tác phẩm gốc. Cụ thể là phải đảm bảo sự truyền tải tư tưởng của tác giả thông qua “đứa con tinh thần” là tác phẩm văn học.
Cần phải khẳng định trường hợp của “Đất rừng phương Nam” 2023 không phải là bộ phim về đề tài lịch sử, cũng không phải dựa trên một bối cảnh lịch sử nào nhất định. Vấn đề mấu chốt là bộ phim đã được lấy tên y như tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi (ngay cả bộ phim truyền hình sản xuất năm 1997, vốn được khán giả vô cùng yêu thích cũng đã có cải biên thành “Đất phương Nam”) nên “Đất rừng phương Nam” 2023 được mặc định là làm từ nguyên tác của tác phẩm văn học. Đồng thời, ngay cả đoàn làm phim cũng từ nhận thấy vấn đề này nên đã có động thái liên hệ, xin phép các đồng sở hữu tác phẩm là gia đình nhà văn Đoàn Giỏi. Đây cũng chính là nguyên nhân mà bộ phim rơi vào vòng xoáy của các ý kiến tranh cãi liên quan đến các yếu tố lịch sử như là sự xuất hiện của các nhóm như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn, hay là sự vắng bóng của của lực lượng Việt Minh, điều được tô đậm trong tiểu thuyết gốc của nhà văn Đoàn Giỏi.
Rõ ràng quan điểm bộ phim chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, sự sáng tạo không nên bị ràng buộc là chưa đầy đủ. Trên tất cả, tác phẩm phái sinh phải giữ được hồn cốt, tinh thần của thời điểm lịch sử của nguyên tác, trong đó là sự lưu giữ cảm xúc, trí lực, tư tưởng của nhà văn Đoàn Giỏi.
Với “Đất rừng phương Nam” 2023, hẳn các nhà làm phim Việt Nam cũng đã rút ra được bài học về cách xử lý khéo léo giữa ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet