Được coi là nhạc sĩ có công mở đường cho nền âm nhạc đương đại Việt Nam, Trần Tiến đã có 55 năm gắn bó với âm nhạc, tham gia hơn 1.000 đêm diễn, đi hát tại hơn 40 quốc gia. Ông nổi tiếng với hàng loạt ca khúc, đi sâu vào ký ức của nhiều thế hệ khán giả. Có thể kể tới Bài ca thanh niên ra tiền tuyến (1967); Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp (1968); Giai điệu Tổ quốc (1980); Chiếc vòng cầu hôn (1984); Tùy hứng ngựa ô (1987); Chị tôi (1997).
Chia sẻ tại chương trình Cassette hoài niệm, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, ông vô cùng hạnh phúc khi luôn được khán giả yêu mến và đón nhận: “Show diễn mới đây, có cậu bé sinh năm 2006 đến mua vé xem tôi hát nhưng không đủ tiền, khi được BTC tặng cho, cậu ấy sung sướng reo hò, mang khoe khắp chốn. Tôi cũng xúc động khi chứng kiến hình ảnh hai cụ già 92 tuổi dắt díu nhau đi lên cầu thang của Trung tâm Hội nghị Quốc gia xem Trần Tiến hát. Có những khán giả yêu mình, đó là niềm hạnh phúc vô cùng. Ta có thể chết bên niềm hạnh phúc đó”.
Trong chương trình, Trần Tiến cũng kể chuyện ông từng khuyên Tùng Dương không nên mang ca khúc Quê nhà của mình tham dự một cuộc thi. Trần Tiến cho rằng, ca khúc không phù hợp, nhưng nam ca sĩ khi ấy cứ nì nèo, khiến ông buộc phải đồng ý. “Lúc tôi chứng kiến Tùng Dương hát trên sân khấu, tôi thốt lên: “Ối giời ơi mình thua nó rồi. Nó hát hay quá, hay từng câu một” – Trần Tiến chia sẻ.
Trong Cassette hoài niệm, Trần Tiến chia sẻ quãng thời gian khó khăn khi ông phát hiện mắc căn bệnh ung thư giai đoạn 4: “Tôi tái mặt đi như một người sắp chết. Mỗi lần vào bệnh viện, xung quanh là đám đông chờ đợi. Có người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi luôn xếp hàng trước tôi, một ngày không thấy anh ấy đâu, tôi hỏi bác sĩ nói người đó đã không qua khỏi.
Những người bình thường xạ 14,15 tia, tôi xạ đến 30 tia. Khi điều trị tới tia thứ 30, tôi gục ngã hoàn toàn. Sức khỏe suy kiệt, trong đầu tôi bỗng có thanh âm tự nhủ: “Đừng gục ngã, dậy đi”. Bài hát “Không gục ngã” đã ra đời như vậy. Chính sản phẩm của tôi dạy tôi hãy sống như anh hát. Sau đó, tôi gửi nhờ Thanh Phương phối khí và luôn nghe ca khúc để tự động viên chính mình”.
Cả cuộc đời làm nhạc, Trần Tiến chưa bao giờ nghĩ tới danh vọng và tiền bạc. Ông bảo: “Cả đời tôi không bao giờ nghĩ về việc làm show, trời bảo viết thì viết. Trời cho tới lúc nào mình, khán giả còn yêu, mình còn viết tới lúc đó”.
Tham gia chương trình, Tùng Dương bày tỏ niềm kính trọng lớn lao dành cho nhạc sĩ Trần Tiến, anh khẳng định: “Con luôn khâm phục bố”. Trong khi đó, ca sĩ Uyên Linh cho rằng, tác giả ca khúc “Chị tôi” rất nhạy cảm trong nghệ thuật, qua đó luôn có sự sáng tạo trong âm nhạc, nhưng nhạy cảm không có nghĩa là yếu đuối. Ông mạnh mẽ đối diện với những biến cố cuộc đời.
Cassette hoài niệm số 18 phát sóng vào lúc 20 giờ ngày Chủ nhật (22/10). Đây là sân chơi có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ tài năng và cả những nghệ sĩ gạo cội, có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam những năm qua. Chương trình do Ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, lên sóng số đầu tiên vào tối 25/6 trên kênh VTV3.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet