Ngày 10/10, cô gái H.Y.N. (17 tuổi, trú quận Ba Đình, TP. Hà Nội) bị đối tượng Tạ Duy Khanh (SN 1985, quê gốc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; hiện đang sinh sống tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) giết hại tại nhà riêng rồi phân xác, phi tang xuống sông Hồng.
Theo Công an TP. Hà Nội, nguyên nhân ban đầu xác định xuất phát từ món nợ 50 triệu đồng mà nạn nhân nợ nghi phạm. Sau đó, hai bên xảy ra cãi vã dẫn đến nghi phạm sát hại nạn nhân.
Có thể thấy, ngay sau khi thông tin việc người dân phát hiện một số bộ phận thi thể người tại mép bờ sông Hồng, thuộc khu vực miếu Bản, địa phận thôn 2 Giang Cao, xã Bát Tràng, dư luận đã không khỏi hoang mang, lo lắng trước dấu hiệu của vụ án mạng có tính chất man rợ.
Hành vi phạm tội nào cũng bắt nguồn từ 2 yếu tố chính: Nguyên nhân và điều kiện
Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS, Đại tá, Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân) phân tích: Trước hết phải khẳng định đây là vụ trọng án gây rúng động dư luận xã hội bởi tính chất tàn độc, máu lạnh của đối tượng gây án.
Theo ông Thìn, dưới góc độ tội phạm học, bất cứ hành vi tội ác nào đều phải bắt nguồn từ 2 yếu tố chính gồm: Nguyên nhân và điều kiện.
Trước hết về yếu tố nguyên nhân hình thành tội ác: Đây không phải là câu chuyện một ngày, một giờ, mà nó phải manh nha, khởi điểm và cộng sinh từ nhiều yếu tố (môi trường xã hội, nền tảng giáo dục, nhận thức hành vi…) theo thời gian hình thành nhân cách tiêu cực của kẻ phạm tội. Đây là mặt thường bị giấu kín ở mỗi con người, không dễ dàng bộc lộ. Có thể nói, hành vi tội ác không phải là khoảnh khắc, mà nó là hệ quả của sự tích tụ, tác động từ nhiều yếu tố khác nhau.
Khi sự tích tụ về mặt nguyên nhân đủ lớn, chỉ cần có điều kiện thì hành vi tội ác sẽ phát sinh. Như vụ án trên, điều kiện dẫn tới tội ác bước đầu được cơ quan điều tra làm rõ là do xung đột, mâu thuẫn về lợi ích (nghi phạm khai nạn nhân nợ 50 triệu đồng từ lâu chưa chịu trả).
Về mặt diễn biến hành vi, khi đối tượng đã xuống tay gây án, sau đó sẽ lập tức nảy sinh tâm lý che giấu tội ác. Hành vi tội ác càng nghiêm trọng, thì việc che giấu càng trở nên quyết liệt hơn.
“Làm mọi cách để che giấu tội ác”
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho biết, khi đối tượng đã ra tay hành động và gây án đặc biệt nghiêm trọng thì đối tượng thường có phản xạ tự nhiên là biết mình sẽ phải đối diện với hình phạt rất nghiêm khắc. Vậy nên, tâm lý chung của các đối tượng sẽ tìm mọi cách để bịt kín mọi sơ hở, che giấu tội, tránh sự phát hiện và điều tra của cơ quan chức năng. Đối tượng càng lo sợ bị phát hiện thì việc che giấu tội ác càng được tính toán nhiều.
Một trong những yếu tố để điều tra án giết người đó là xác định được tung tích nạn nhân. Nếu không xác định tung tích nạn nhân thì không thể xác định được có án hay không có án. Vụ án trên không ngoại lệ.
Trong vụ án cô gái 17 tuổi bị sát hại, nghi phạm đủ tỉnh táo để nhận thức rằng cơ quan chức năng sẽ phát hiện được tung tích của nạn nhân, từ đó có căn cứ để tìm ra tung tích của thủ phạm. Vì vậy, đối tượng đã không từ thủ đoạn nào để thực hiện việc che giấu.
“Tuy nhiên, trong quá trình phạm tội, đối tượng gây án thường để lộ sơ hở, thậm chí để lộ chân tướng sự việc”, PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn nói.
Các gia đình cần giáo dục con em từ nhỏ đến lớn
Ông Thìn chia sẻ hiện tượng tội phạm như trên xảy ra ở nhiều quốc gia, không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trật tự xã hội hiện nay cơ bản ổn định, tốt hơn so với trước đây, các băng nhóm tội phạm, côn đồ ít đi.
Hành vi phạm tội như trong vụ án cô gái 17 tuổi bị sát hại, phi tang xác thi thoảng vẫn xảy ra trong cuộc sống, là điều không thể tránh khỏi, cho nên việc này cũng được coi là hiện tượng xã hội.
Từ vụ án trên, một trong những nguyên nhân hình thành nên đối tượng là từ phẩm chất cá nhân tiêu cực trong đời sống, được tác động từ quá trình giáo dục, môi trường sống gia đình, thói nuông chiều và ích kỷ, có thể quá nuông chiều sẽ dẫn đến tham lam.
Một lý do khác cũng có thể do hàng ngày tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, những hành vi bạo lực, phương thức, thủ đoạn tội phạm. Bản thân đối tượng không được rèn luyện, giáo dục tốt dẫn đến ăn sâu vào nhận thức của đối tượng, khi có điều kiện phù hợp thì các biểu hiện phẩm chất cá nhân tiêu cực sẽ bộc lộ ra thành các hành động rất dã man, tàn bạo.
“Tôi cho rằng trong quản lý, giáo dục con em của các gia đình từ nhỏ đến lớn, cách thức tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, mạng internet, truyền thông, cần phải được quan tâm đúng mức nếu không sẽ có xu hướng họ tiếp cận nhiều, ảnh hưởng nhiều từ những vấn đề tiêu cực, khi có điều kiện thuận lợi sẽ bộc lộ thành các hành vi tội ác”, PGS.TS, Đại tá, Đỗ Cảnh Thìn nêu quan điểm.
Tin An Ninh Hinh Su