Đó là phim Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh). Nhạc phim do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đảm nhiệm đã mang về giải Kim tước dành cho âm nhạc hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải – một trong 10 liên hoan phim uy tín trên thế giới.
Không đều đặn, vẫn đáng nhớ
Mới đây, Bài ca đất phương Nam – ca khúc nhạc phim Đất rừng phương Nam – có phần hợp xướng được thu trực tiếp tại hiện trường với nhóm hợp xướng Saigon Choir, Trọng Phúc, ca đoàn Mai Tâm, dàn diễn viên chủ đạo…
MV BÀI CA ĐẤT PHƯƠNG NAM I OST PHIM ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM I SUẤT CHIẾU SỚM TỪ 13,14 & 15.10
Dù nhận nhiều ý kiến khen chê, nhưng so với mặt bằng chung, khó ai phủ nhận độ “chịu chơi” của bộ phim thương mại này khi đầu tư nhạc phim bài bản như vậy.
Nhạc sĩ Trọng Đài kể trong phần nhạc phim Đào, phở và piano, ông cho đàn đáy “giao duyên” cùng dàn nhạc giao hưởng.
Ngoài ca trù (lối thơ Đoàn Thị Điểm, soạn giả Thanh Hoài), phần nhạc phim của Hồng Hà nữ sĩ còn ca khúc Hoài xuân thập vịnh do nhạc sĩ sáng tác mới trên nền dàn nhạc dân tộc với sự tham gia của khoảng 20 nghệ sĩ.
Khán giả Nguyễn Huyền Trang (TP.HCM) nhớ rằng khoảng 15 năm trở lại đây, dẫu không đều đặn, điện ảnh Việt Nam cũng có những phần nhạc phim khiến khán giả nhớ.
Nhạc phim Song lang, Vợ ba do nhạc sĩ Tôn Thất An sáng tác, được thu bởi nhiều nghệ sĩ quốc tế độc tấu với các nhạc cụ khác nhau. “Phù thủy âm thanh” Christopher Wong đứng sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu… với phần âm nhạc kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng và nhạc điện tử.
Cũng không ít cái tên nổi tiếng khác từng “ẵm” giải Cánh diều vàng hạng mục Nhạc sĩ xuất sắc nhất.
Đó là nhạc sĩ Quốc Trung (phim Cánh đồng bất tận, Sống cùng lịch sử), nhạc sĩ Đức Trí (Dạ cổ hoài lang, Sài Gòn anh yêu em, Huyền thoại bất tử, Tấm Cám, Em và Trịnh), nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh (Đường đua, Đảo của dân ngụ cư)…
Đâu rồi nhạc phim đoạt giải quốc tế?
Kể từ Thời xa vắng năm 2005, nhạc phim Việt Nam chưa có thêm giải thưởng nào tại các liên hoan phim quốc tế lớn.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chịu trách nhiệm phần âm nhạc cho nhiều phim, nhưng theo ông, Mùa ổi và Thời xa vắng là hai phim được đầu tư kỹ thuật và kinh phí nhất thời đó. Ông tiết lộ những năm 1980-1990, nhạc sĩ làm nhạc phim thường nhận được khoản nhuận bút tác giả khoảng 10 triệu đồng.
Trong phim Thời xa vắng, ông dùng chất liệu dân ca Bắc Bộ như ca trù, chèo trên nền dàn nhạc dân tộc với đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tranh, sáo, tiêu… kết hợp nhạc giao hưởng.
Về giải thưởng nhạc phim duy nhất tới nay của Việt Nam, Đặng Hữu Phúc kể ông thắng vì mang dân ca Việt Nam vào nhạc phim.
Một vị giáo sư tại Nhạc viện Bắc Kinh – trong thành phần ban giám khảo – có con mắt xanh đã nhìn ra được điểm đặc biệt này.
Còn hiện nay, nhạc phim nước ta “phập phù” theo kinh phí phim. Phim có kinh phí mạnh thì đầu tư cả dàn nhạc lớn. Những phim có kinh phí hạn hẹp thì “chắp vá” bằng ca khúc có sẵn hoặc nhạc điện tử…
Điểm lại một loạt phim trên thị trường thời gian qua, thường những phim có vốn trên 20 tỉ đồng mới có kinh phí để làm nhạc phim một cách tử tế (sử dụng cả dàn nhạc lớn hoặc vừa).
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Trọng Đài, “từ những năm đầu 2000 trở về trước, dù nghèo khó, chúng ta vẫn đầu tư hẳn cả dàn nhạc để thu nhạc phim”. Trước đây, Xưởng phim truyện Việt Nam có hẳn một dàn nhạc để chơi và thu nhạc phim, chẳng hạn với phim Thị xã trong tầm tay, Vợ chồng A Phủ…
Bao giờ Việt Nam mới có phim điện ảnh tiếp theo đoạt giải nhạc phim tại một liên hoan phim quốc tế? Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho rằng không dễ trả lời bởi lẽ vì kinh phí nên nhiều phim phải “liệu cơm gắp mắm”.
Hiện nhiều phim chưa đảm bảo được kỹ thuật để ra ngoài, chưa bàn tới khả năng sáng tác. Nhạc sĩ cũng nói thêm trong câu chuyện này có nhiều yếu tố chi phối mà trong đó có cả tài năng của người nhạc sĩ.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed