Đất rừng phương Nam lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ vào thập niên 1930. Phim xoay quanh An (Hạo Khang) – một cậu bé thành thị theo học trường Pháp. Nhưng thân phận làm Cách mạng của cha An bị bại lộ khiến cậu bé phải cùng mẹ (Hồng Ánh đóng) bỏ trốn về miền Tây.
Trên đường đi, mẹ An qua đời vì chiến loạn. Thấy thương cậu bé bơ vơ, tên trộm Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) quyết định dẫn An theo. Hành trình tìm cha của cả hai trải dài qua nhiều tỉnh Nam Bộ, gặp gỡ những phận đời khác nhau dưới sự cai trị của Pháp.
Đất rừng phương Nam khiến khán giả khá mãn nhãn khi tạo ra hình ảnh xứ Nam Kỳ lục tỉnh thời xưa với những bộ bà ba cùng những nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc, Campuchia kết hợp với miền Tây Nam Bộ.
Khán giả ghi nhận việc ê-kíp bỏ rất nhiều công sức để tạo ra những cánh đồng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh, rừng U Minh rậm rạp, sông ngòi chằng chịt hay bãi bùn đều đậm chất Miền Tây, người dân qua lại đông đúc … Đường xá, cửa hiệu được phục dựng rất chi tiết, công phu.
Mặc dù vậy, khán giả nhận cũng thấy rõ một số “sạn” như cảnh như cò bay dọc bờ sông, cá sấu hay những con đom đóm ghép thành hình ảnh người mẹ được dùng kỹ xảo lộ liễu.
Tuyến nhân vật bị cắt bớt, cải biên
Một điều đặc biệt khiến khán giả đang tranh cãi là bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có rất nhiều sự thay đổi về nhân vật so với tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi cũng như bản truyền hình Đất phương Nam khiến người xem không khỏi cảm thấy xa lạ.
Bộ phim giữ lại bối cảnh và một số nhân vật nhưng cũng cải biên nhiều chi tiết. Một số nhân vật không xuất hiện như: Ba Ngù (NSƯT Hồ Kiểng đóng), gia đình Tám Luông. An cũng không ở chung với dì Tư Ù (Tuyền Mập đóng).
Thay vào đó, Út Lục Lâm được đẩy lên thành tuyến nhân vật chính và đi cùng với An từ ngày mẹ An qua đời. Thay vì lăn lộn sống sót từ đồng ruộng cho đến rừng sâu thì cả hai chỉ tập trung ở thành thị để ăn trộm. Nhiều khán giả cho rằng, Út Lục Lâm mới là nhân vật chính chứ không phải An.
Thêm vào đó, các nhân vật quan trọng trong tác phẩm văn học chỉ xuất hiện một cách thoáng qua rồi biến mất một cách mờ nhạt. Nhân vật thầy giáo Bảy (Hứa Vĩ Văn đóng) vốn là người quan trọng trong cuộc đời An thì nay chỉ còn vài phút. Vai diễn của NSND Thanh Điền vốn mang lại rất nhiều cảm xúc nhưng nay trở nên nhạt nhoà. Ngay cả nhân vật An và Cò cũng không còn nhiều đất diễn khiến một số khán giả thất vọng.
Điểm trừ nữa là các nhân vật bị mất đi tính chân chất, mộc mạc của người dân miền Tây khi nói chuyện với nhau bằng các ngôn từ khá hiện đại, thậm chí còn bắt trend như Gen Z, trong khi đó nhiều từ ngữ đặc trưng của miền Tây lại không được đưa vào.
Dù là nhân vật chính nhưng An của Hạo Khang lại bị Út Lục Lâm lấn át hoàn toàn. Nhân vật cũng bị thay đổi so với bản gốc khi trở nên thông minh, lém lỉnh. Cách đây 26 năm, An của Hùng Thuận hiền lành, ngây thơ nên luôn được người dân bảo bọc trên đường lưu lạc. Song, An phiên bản mới lại chủ động trêu chọc, đấu khẩu hay “cà khịa” với Út Lục Lâm. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng muốn tạo nên sự khác biệt, cũng như tạo ra cặp bài trùng với Út Lục Lâm.
Một nhân vật khác cũng gây thất vọng là Cò. Trong truyện lẫn bản truyền hình, Cò cùng ông Ba “bắt rắn” là những người cưu mang, cùng An đi chu du qua nhiều tỉnh miền Tây để tìm cha. Nhưng, trong phim điện ảnh, vai trò của Út Lục Lâm và ông Tiều được đẩy lên. Cò chỉ còn là cái tên mờ nhạt. Cò và An cũng không có nhiều tương tác hay thân thiết được như phiên bản của Hùng Thuận và Phùng Ngọc.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Bản tiểu thuyết lấy bối cảnh khoảng năm 1945. Còn chúng tôi giữ tinh thần của bản truyền hình, lấy mốc thời gian trước năm 1930. Từ đó, hành trình của bé An đi qua nhiều môi trường, gặp gỡ nhiều cộng đồng văn hóa, tiếp xúc mâu thuẫn nhiều hội nhóm. Quan trọng là phim mang thông điệp về tình cảm con người. Đó là trong mỗi con người Việt Nam, ai cũng yêu nước, nhưng theo những cách khác nhau”.
Đất rừng phương Nam trở thành phim hành động
Không chỉ thay đổi nội dung, Đất rừng phương Nam của Nguyễn Quang Dũng còn trở thành bộ phim hành động với nhiều cảnh phe phái chiến đấu với người Pháp. Tuy chưa bàn đến chuyện đúng sai về mặt lịch sử, việc lạm dụng yếu tố hành động khiến tác phẩm thay đổi những giá trị đã có từ trước.
Trong phiên bản truyền hình và nguyên tác tiểu thuyết, An lưu lạc nhiều nơi, chứng kiến sự đau khổ của người dân qua những mảnh đời khác nhau. Người Phương Nam vốn chất phác, mộc mạc và có phần cam chịu. Chính vì thế mà sự tàn bạo của cường quyền và thực dân Pháp còn vượt quá sức chịu đựng nên đã khiến những người dân hiền lành ấy phải nổi dậy bạo động.
Đó là những đau thương của người dân như: dì Tư Ù bị đốt mất quán ăn thân thuộc. Ông Ba Ngù kể câu chuyện vợ con bị Pháp sát hại dã man trên đường về quê ngoại ăn đám giỗ để rồi bản thân trở nên điên điên, khùng khùng. Tám Luông (Chí Hiếu đóng) phải tự sát vì con gái bị địa chủ nhòm ngó. Gia đình Mười Chức bị cướp đất đến mức người vợ mang thai cũng qua đời.
Bộ phim của Nguyễn Quang Dũng không còn bóng dáng tuyến nhân vật này mà chủ yếu đi vào các màn bắn giết, đánh đấm với phong cách phim hành động khiến bộ phim càng trở nên xa lạ. Và tất nhiên không còn thể hiện được sự tàn ác của Pháp cũng như những khổ đau mà người dân phải gánh chịu.
Mặc dù có nhiều sáng tạo để làm khác lạ với bản truyền hình, đạo diễn cũng cho biết anh chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học. Nhưng bộ phim của Nguyễn Quang Dũng khá xa lạ với những gì khán giả từng được biết về hình ảnh, tính cách người dân miềnTây Nam Bộ cũng như đi rất xa khỏi tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi. Tuy nhiên, bộ phim Đất rừng phương Nam của Nguyễn Quang Dũng được khán giả ghi nhận ở việc ê-kíp chăm chút bối cảnh và âm nhạc. Nhiều khán giả cho rằng âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí là yếu tố đậm tính “phương Nam” nhất trong bộ phim.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet