2013, thời điểm huy hoàng của dòng nhạc indie với sự xuất hiện của hai ban nhạc Ngọt và Cá Hồi Hoang. Tròn 10 năm, trong khi Cá Hồi Hoang tan rã thì Ngọt vẫn chung đường. Monsoon Festival sắp tới, Ngọt là tên tuổi được chờ đón nhất.
Ngọt là ban nhạc hay được liên tưởng tới The Beatles, nhưng Ngọt lại vượt qua được “lời nguyền” 10 năm.
Còn album cuối cùng của Cá Hồi Hoang, Chúng ta đều muốn một thứ, đã kết thúc bằng ca khúc Tình yêu, với phần lời ca câu nào cũng bắt đầu bằng chữ tình yêu: “Tình yêu bao nhiêu cách gọi.
Tình Yêu – Cá hồi hoang
Tình yêu khi không lời nói. Tình yêu nhiều khi giữ trong lòng để rồi mai ngậm ngùi” gợi nhớ tới câu hát cuối của The Beatles: “Và đến cuối cùng, tình yêu mà bạn nhận về cũng bằng với tình yêu mà bạn trao đi”.
10 năm và bản lề tuổi trưởng thành
Đã có những phân tích về việc tại sao các ban nhạc indie Việt như Cá Hồi Hoang rất khó để duy trì lâu dài, từ việc phải xoay xở tài chính đến thứ âm nhạc tương đối kén khán giả.
Nhưng còn một lý do khác: các ban nhạc là những thực thể mong manh, thành lập khi các thành viên còn trẻ và tâm hồn không vướng bận. Âm nhạc của họ cũng nói về sự “sổ lồng” ấy.
Hãy xem những ca khúc đầu tiên của Ngọt như Cho tôi đi theo – một ca khúc tha thiết với chủ nghĩa hoan lạc:
“Tôi quên đi năm tháng, yêu thương không còn, cần thêm mùi rượu vang, và đồ ăn ngon”, hay Cá Hồi Hoang với những bản nhạc đầu về nỗi chông chênh của tuổi trẻ: “Ngày qua ngày vẫn nơi này vẫn không thấy/ Rồi cũng đến thực tại thức ta dậy” (Nếu).
Hay Chillies với bản hit đầu tay Và thế là hết, xét cho cùng cũng là nhạc thất tình của những trái tim phập phồng thanh xuân.
Lộn Xộn Band, một band nhạc indie ấn tượng ngắn ngủi, từng nổi lên với Người yêu tôi không có gì để mặc – một ca khúc quá đỗi đáng yêu, đầy niềm yêu sống của người trẻ.
Khi ấy, cuộc sống của họ chỉ xoay quanh âm nhạc và những người anh em. Nhưng khi trưởng thành, có đời sống riêng, họ buộc phải hy sinh những lợi ích chung của nhóm.
Cho nên, người ta đổ lỗi cho Yoko Ono vì đã làm tan vỡ The Beatles là có lý. Sự xuất hiện của Yoko khiến John Lennon không thể toàn tâm toàn ý với Paul McCartney, rồi cứ thế mà xa.
Làm sao già đi cùng nhau?
Dù khó nhưng vẫn có nhiều ban nhạc đi với nhau một quãng rất dài. Chẳng phải Bức Tường vẫn tiếp tục hoạt động sau khi Trần Lập qua đời?
Với giới indie Việt hiện tại, có một điểm chung giữa những ban nhạc “sống lâu” như Ngọt hay Da LAB (16 năm hoạt động) đó là khả năng lột xác liên tục.
Nếu nghe những ca khúc đầu tiên trong mixtape Đi đi về về nguyên chất rap từ năm 2011 của Da LAB, đến khi đại chúng hơn với Một nhà, Thanh xuân và sau đó là giai đoạn pop hóa với Gác lại âu lo, nhiều người thậm chí có thể không nhận ra đó là cùng một ban.
Từ chủ đề sự mất liên hệ với con người trong thời đôi mươi, giờ đây Da LAB hát về nỗi âu lo và khao khát yên ấm của tuổi trung niên. Da LAB không “biến chất”. Họ đã khác xưa, thì âm nhạc đâu thể y như vậy?
Với Ngọt cũng thế, sau 10 năm, Ngọt đã đi một chặng đường dài: từ cảm thức lười nhác của chàng thanh niên trong Không làm gì đến cảm thức yêu thương của một người cha trẻ trong (bé); còn về mặt âm nhạc, là từ những bản phối đơn điệu trong album đầu tay đến một phòng “thí nghiệm” trong album Gieo mới nhất.
Tất cả những thay đổi ấy diễn ra song hành với sự thay đổi trong đời sống cá nhân của họ.
Còn nhớ Thắng, thủ lĩnh của Ngọt, khi được hỏi có bao giờ ban nhạc muốn bỏ cuộc, Thắng thành thật bảo có rất nhiều lần vì làm nhiều quá mà họ cũng thấy chán:
“Nhưng điều quan trọng là mình phải hiểu có lúc mình mê nghề, có lúc mình phải có trách nhiệm với nó, và mình cứ làm thôi, rồi mình sẽ mê lại sau”. Nếu như thời tuổi trẻ, ta làm vì tình yêu, thì ở tuổi trưởng thành, ta làm còn vì ta phải làm.
Nói vậy không có nghĩa một ban nhạc tan rã sớm là do các thành viên thiếu trách nhiệm. Đôi khi một ban nhạc đã đốt hết năng lượng trong những năm tuổi 20, và họ rời đi, để lại thứ âm nhạc đẹp đẽ như giấc mơ tuổi trẻ.
Nhưng nếu đặt ra câu hỏi làm sao để già đi cùng nhau? Có lẽ chỉ nằm ở hai chữ ấy: trách nhiệm.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed