Thế nhưng hình ảnh ngôi chợ nơi quê nhà cùng với hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm chưa bao giờ phai nhòa. Ký ức vốn dĩ là thế, bỗng nhiên ùa về. Mẹ tôi thường xuyên buôn bán ở chợ, khi thì tranh thủ bán bánh bột gạo, vài trái mít, một ít rau muống quê hay rau tập tàng hái tại vườn nhà. Thi thoảng, những rẫy bắp nhà trồng ăn không hết, mẹ tôi cũng tranh thủ luộc đem ra chợ bán để gọi là kiếm tiền chợ qua ngày.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, chợ quê là không gian nhỏ với những mái tranh thấp lè tè nằm cạnh dòng sông, giữa sự bao bọc của những lũy tre xanh mướt. Gần cuối giờ chiều, khi hoàng hôn buông xuống là thời điểm chợ bắt đầu họp. Không gian chợ vốn nhỏ, đa phần người bán là người trong làng nên các thứ bày bán trong chợ đều đơn sơ, chỉ bao gồm những thức rau quả cây nhà lá vườn, một ít tôm cá vừa đánh bắt được từ dưới sông lên. Chỉ cần vài gánh hàng giản đơn như thế cũng đủ tạo nên một phiên chợ đậm chất làng quê, phục vụ cho cuộc mưu sinh còn nhiều khó khăn ở mảnh đất nghèo quê tôi.
Có lẽ vì là chợ quê nên những người bán hàng thường là các cô chú bà con thân thuộc trong làng. Buổi sáng, họ bận rộn với biết bao công việc đồng áng, chiều về lại tranh thủ sắp hàng rồi vội vàng gánh gồng mang ra họp chợ. Một ngày trôi qua với biết bao công việc tất bật trôi qua, nhưng trên khuôn mặt ngăm đen, rám nắng của họ chẳng bao giờ thiếu vắng những nụ cười chân thành, hiếu khách. Dưới những mái lều tranh che tạm nắng mưa, những mẹt hàng cứ thế dần được bày ra, níu kéo biết bao lượt người qua kẻ lại.
Mẹ tôi cũng là một trong những tiểu thương bán ở chợ khi đó. Chợ quê tôi thông thường họp vào buổi chiều nhưng từ khi bình minh vừa hé, mẹ tôi đã thức giấc, tranh thủ nhóm lửa luộc nồi bắp. Mỗi khi phải dậy sớm ôn bài, tôi thường chăm chú ngồi nhìn dáng mẹ lom khom, tần tảo ngồi chẻ từng thanh củi nhỏ cho vào bếp lửa, thấy lòng mình nao nao biết bao nỗi niềm thương cảm. Chắc cũng bởi kinh tế nhà tôi còn thiếu trước hụt sau nên mẹ vẫn luôn cố gắng tranh thủ kiếm thêm từng chút một để trang trải kinh phí cho gia đình.
Tôi và chị gái thường tranh thủ khoảng thời gian vào mùa hè, được nghỉ học để ra chợ, cùng phụ mẹ canh lửa chờ bắp chín. Những thời điểm được theo chân mẹ đến chợ như thế, chị em tôi mới cảm nhận được biết bao khó nhọc và hi sinh thầm lặng mẹ dành cho chúng tôi. Chị em chúng tôi dẫu là “con nhà nghèo”, sống trong những năm tháng khó khăn của đất nước, vẫn được ăn học và nuôi dưỡng tử tế, phần lớn đều nhờ vào tình yêu thương và sự chắt chiu, dành dụm của ba mẹ.
Thông thường, vào giữa trưa, mẹ tôi sẽ tỉ mỉ vớt từng trái bắp luộc từ tối hôm qua chuẩn bị đem ra chợ bán. Khi ra đến chợ, mẹ tôi thường mang theo chiếc giỏ xách để đựng những thứ lặt vặt như nón lá, bọc nilon và một ít tiền lẻ để thối cho người mua. Sau khi chuẩn bị đồ đạc đâu vào đấy, hai mẹ con tôi lại bơi xuồng ra chợ.
Ngôi chợ nằm cách nhà một khúc sông, chỉ mất gần 20 phút bơi xuồng là có thể đến. Sau khi bơi được một đoạn, đã có một vài cô chú bạn hàng hỏi mua ít bắp luộc. Mẹ tôi thấy thế, liền mỉm cười đùa rằng: “Chắc là hôm nay bán đắt lắm đây, vì chưa đến chợ đã có người mở hàng rồi”.
Mẹ nói ra chợ bán rồi về ngủ sớm, để sáng hôm sau còn còn tranh thủ ra thăm ruộng lúa, ruộng khoai. Hai mẹ con cứ thế nhẹ nhàng bơi xuồng tới chợ thì trời cũng dần về chiều, thời tiết dần trở nên mát mẻ hơn. Bao giờ cũng thế, mẹ con tôi sẽ tìm một chỗ trống nhỏ dưới gốc những hàng dừa nước xanh rợp bóng rồi tranh thủ dọn hàng.
Người dân quê thường có thói quen nhóm họp chợ gần kênh rạch và di chuyển qua lại bằng ghe xuồng. Ngẫm lại thì đó cũng là một nét văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây. Mẹ tôi và nhiều cô chú tiểu thương đã bao năm gắn bó với khu chợ quê đơn sơ nhưng ấm cúng nghĩa tình này. Chợ đâu chỉ để buôn bán mà còn là nơi quen thuộc để bà con láng giềng gặp nhau. Quán cà phê ở góc chợ là nơi để các cụ già ngồi uống trà, đánh cờ, tâm tình biết bao câu chuyện vườn tược, làng xã.
Chợ quê tuy nhỏ nhưng đồ ăn, thức uống, các vật dụng tiêu dùng hàng ngày không thiếu bất kỳ thứ gì. Rau củ, cây trái trồng trong vườn hay cá tôm tát ngoài mương, ngoài đìa, đóng đáy trên sông đều tươi ngon. Bọn trẻ con mê ăn như chúng tôi đặc biệt thích các loại bánh quê đặc trưng cho ẩm thực của miền Tây như bánh bò, bánh da lợn, bánh cam, bánh bột gạo, bánh khoai mì… Đồ ăn vặt buổi trưa thì sẵn có bắp hầm, xôi hay bún riêu nóng hổi ngon lành. Hoặc nếu thích vị mát lạnh, có thể chờ đến độ chừng 7 giờ hơn sẽ có chiếc xe đạp với tiếng chuông leng keng bán cà rem, kem bịch của ông Sáu chạy vào chợ. Chỉ cần nghe âm thanh quen thuộc, bọn nhóc ùa chạy theo mua những que kem mát lạnh, nhấm nháp để xua tan cái oi ả của ngày hè.
Gánh bắp luộc nhà tôi vốn đơn sơ nhưng vẫn được bà con thương quý và ủng hộ rất nhiều. Chắc cũng vì bắp tự do nhà trồng, mẹ lại luộc rất khéo nên đặc biệt thơm ngon. Tính tình mẹ lại đặc biệt xởi lởi, thật thà nên được nhiều người quý mến. Đến buổi tối, khi chợ vãn người thưa dần hai mẹ con lại gom đồ đạc rồi dong xuồng ra về. Những ngày tháng ấy giản dị mà bình yên đến kỳ lạ.
Nhiều năm trôi qua, khi sức khỏe mẹ không được như xưa nên cũng chẳng bán hàng ngoài chợ được nữa, chỉ thi thoảng luộc ít bắp nhà trồng để dành bỏ mối cho người quen. Khu chợ quê ngày nào đã trở thành dĩ vãng xa xôi. Mẹ tôi, mỗi khi có dịp hoài niệm lại khoảng thời gian khó khăn trước đây, thường tần ngần đôi chút. Tôi và mẹ dù đã không còn những chuyến xuôi xuồng ra chợ, những chuyến bán buôn nhộn nhịp ở chợ quê thế nhưng khó mà lãng quên được khoảng thời gian êm đềm ấy.
Theo thời gian những ngôi chợ huyện,chợ thị trấn mọc lên rất nhiều thế nhưng chợ quê vẫn không biến mất. Nó vẫn là nơi để bà con miền quê gặp nhau trao đổi,buôn bán hàng hóa và sẻ chia tình cảm chòm xóm, láng giềng…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet