Dự lễ có ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cùng lãnh đạo UBND tỉnh, đại biểu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hải Dương, TP.Chí Linh cùng nhân dân và du khách thập phương.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023 diễn văn tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi.
Theo đó, Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh, nguyên quán ở làng Chi Ngại (nay thuộc phường Cộng Hoà, TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội); Thân mẫu là Trần Thị Thái, con gái của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Tuổi thơ Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, ông về ở với cha tại Nhị Khê. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi sớm nổi tiếng tài đức và chí lớn, năm 1400 đỗ Thái học sinh, năm sau ra nhận chức Ngự sử đài chánh trưởng dưới triều Hồ.
Từ năm 1407, đất nước ta dưới ách đô hộ của giặc Minh, ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, 10 năm ở màn trướng, 5 phen miệng hổ lăn mình, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Bình Định Vương Lê Lợi. Ông trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ 15.
Đất nước hòa bình, với ước vọng tham gia “Duy tân đất nước, xây dựng nền thái bình muôn thuở…” và tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, ông tiếp tục hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội dưới triều Lê và đã có công lớn trong việc tạo ra nền tảng kinh tế xã hội, sự hoà hợp giữa “Nước và Dân” – nguồn lực xây dựng đất nước Đại Việt vững mạnh đương thời.
Với Côn Sơn – mảnh đất đã gắn bó với ông những năm tháng tuổi thơ và cũng là nơi ông náu mình “ngẫm nay, suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong” để sau này viết lên Bình Ngô sách, vạch ra đường lối đánh giặc cứu nước giải phóng dân tộc. Dưới thời vua Lê Thái Tông, ông đã được vua giao trông coi đạo Đông – Bắc.
Côn Sơn cũng là nơi ông dựng nhà, mài mực viết lên nhiều tác phẩm có giá trị sử học, văn học, triết học, quân sự, ngoại giao và trở thành những di sản quý báu cho hậu thế. Tiêu biểu trong đó là “Côn Sơn ca”, cho đến bây giờ vẫn chưa có tao nhân, mặc khách nào viết về Côn Sơn hay hơn thế.
Vào dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông (1380 – 1980), tên tuổi ông đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ghi nhận và suy tôn Ông là Danh nhân văn hoá thế giới. Ông là kết tinh tâm hồn và trí tuệ của dân tộc được nhân loại trân trọng.
Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành Anh hùng vĩ đại của dân tộc, một Danh nhân văn hoá kiệt xuất. Dù trên cõi trần thế, cuộc đời ông kết thúc bằng một bi kịch đau xót, song ông đã được lịch sử ghi nhận và in đậm nhiều trang về sự nghiệp vẻ vang, có tầm ảnh hưởng to lớn tới công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước
Đền Nguyễn Trãi – Ức Trai linh từ từ lâu đã trở thành điểm hẹn của những lớp người khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tôn vinh thành kính Ức Trai. Nơi đây, mỗi độ xuân về, thu đến, lại có hàng chục vạn lượt du khách về tham quan, chiêm bái, để được đắm mình trong không gian linh thiêng, thanh khiết, để được tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân lỗi lạc đã góp phần làm nên một dáng hình đất nước Việt Nam như ngày hôm nay.
Thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục phát huy các giá trị di sản văn hoá đặc sắc, nổi bật toàn cầu của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, tư tưởng và những giá trị trường tồn của Anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi là thành phần quan trọng của hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc mà ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đang trình UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.
Sau phần cung tuyên văn tế, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các đại biểu, nhân dân và du khách đã dâng hương, tưởng niệm Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi.
Sau lễ dâng hương, con cháu dòng họ của cụ Nguyễn Trãi tổ chức lễ tế bậc tiền nhân có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc của dòng họ.
Trước đó, tại di tích Côn Sơn đã diễn ra lễ dâng hương chùa Côn Sơn và lễ rước văn đền Nguyễn Trãi.
Còn tại di tích đền Kiếp Bạc diễn ra nhiều hoạt động lễ hội như: Trình diễn nghệ thuật múa rối nước; khai mạc tuần văn hoá du lịch xúc tiến thương mại. Đặc biệt vào lúc 20h tối nay, Ban Tổ Chức Lễ hội Mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương năm 2023 tổ chức lễ tưởng niệm 723 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Khai hội Mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2023. Vào lúc 22 giờ diễn ra Lễ Khai ấn và Ban ấn.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet