Trần Tùng Anh là giọng Castrato chưa từng có trong lịch sử Học viện Âm nhạc
Giọng ca phi giới tính Trần Tùng Anh bước vào sự nghiệp ca hát kể từ 2017 khi tham gia The Voice. Sở hữu ngoại hình thư sinh, giọng nói trầm ấm và nam tính song Trần Tùng Anh lại có khả năng hát giọng nữ ngọt ngào, cao vút. Nhiều chuyên gia âm nhạc đánh giá Trần Tùng Anh có khả năng hát giọng nữ cao nhất so với các nam ca sĩ hát giọng nữ hiện nay ở Việt Nam. Đó chính là lý do khiến anh chàng sinh năm 1995 đến từ Bắc Giang từng làm cho các vị huấn luyện viên của sân chơi The Voice 2017 sửng sốt, dành không ít khen khi chứng kiến những màn trình diễn độc đáo của anh trên sân khấu.
Trần Tùng Anh sau đó chọn đầu quân về đội của ca sĩ Thu Minh, tuy chỉ dừng chân ở Top 13 chung cuộc nhưng vẫn được biết đến là “hiện tượng” hiếm có trong làng nhạc Việt. Một năm sau, Trần Tùng Anh quyết định Nam tiến để tìm con đường phù hợp phát triển sự nghiệp ca hát. Anh tham gia các gameshow âm nhạc Tuyệt đỉnh song ca, Gương mặt thân quen 2019… và tạo cơn sốt với giọng hát castrato hiếm hoi của mình. Năm 2021, chàng ca sĩ gốc Bắc Giang ra mắt MV đầu tay Con yêu thơ dại, một sáng tác của nhạc sĩ Giáng Sol, được đánh giá tốt về giọng hát nữ dày dặn, tình cảm, cao vút.
Nhìn lại chặng đường hoạt động của mình, Trần Tùng Anh tự hào về chính mình vì đã vượt qua bao nhiêu khó khăn mà vẫn có thể theo đuổi con đường âm nhạc đầy đam mê. Giọng ca phi giới tính đã phải tự bươn chải, kiếm tiền học, phát triển nghề nghiệp… để tìm cho mình một chỗ đứng trong làng nhạc. Quãng thời gian tham gia các gameshow, anh không dễ dàng gì vì việc giày cao gót trầy chân, diện trang phục nữ rất vất vả, lại tốn kém khi đóng giải gái. Nhưng, cuối cùng anh đã giúp mình trở thành hiện tượng được chú ý và sau đó dần chinh phục khán giả bằng những ca khúc đi cùng năm tháng, những bài dân ca, có sân khấu biểu diễn ở khắp cả nước.
Ca sĩ Phúc Tiệp, người thầy của Trần Tùng Anh khi anh học ở Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam gọi Trần Tùng Anh là “học trò đặc biệt” và chia sẻ về cậu học trò với dự án đầu tay trên trang cá nhân: “Ngày mới vào trường, khi phát hiện ra cậu ta là một giọng Castrato chính mình cũng là người bỡ ngỡ. Hàng chục năm giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng như trong lịch sử của Học viện, chưa khi nào có một sinh viên hát giọng này. Cảm giác vừa thích thú, vừa tò mò.
Hồi ấy, tôi lục tìm hầu hết các tác phẩm về chất giọng đặc biệt này để nghiên cứu và định viết một giáo trình riêng cho Tùng Anh, chuẩn bị cho một quá trình học lâu dài theo đúng sở trường của cậu ấy. Quá trình làm việc mới thấy cậu ấy hát Castrato nhưng lại đặc biệt yêu thích nhạc Việt Nam đặc biệt là các ca khúc mang âm hưởng quê hương – dân ca chứ lại không thích các tác phẩm cổ điển viết cho giọng ấy. Khi nhấc lên vị trí giọng giả thanh thì Tùng Anh có khả năng hát cực cao và rất mềm mại, còn giọng thật thì lại là một giọng Baritone thuần túy. Và các nhạc phẩm song ca nam- nữ được một mình bạn ấy thể hiện ….
Ngày ấy, thầy trò nói chuyện về các chương trình âm nhạc, tôi định găm “quả hàng hiếm” này chừng 3-4 năm rồi mới tung ra khi kỹ thuật và các phần khác được trang bị kỹ lưỡng, song sự thôi thúc và muốn chinh phục khán giả đã đưa Trần Tùng Anh đến với The Voice. Ngay lập tức khán giả rất thích thú với sự xuất hiện của Trần Tùng Anh. Tất nhiên với lịch diễn khá dầy và khán giả chính là miền Nam nên việc học tập coi như gác lại…
Sau vài năm thì ngày nay Trần Tùng Anh đã khá trưởng thành và xuất hiện với khán giả Hà Nội bằng một sự kiện được đầu tư kỹ lưỡng, hoành tráng. Đây là sự kiện đánh dấu quan trọng của Trần Tùng Anh với nghề và với những khán giả Thủ đô”.
5 năm tham gia rất nhiều cuộc thi gây dựng tên tuổi, Trần Tùng Anh được khán giả nhớ đến là một giọng hát phi giới tính nhạc âm hưởng dân gian, thính phòng. Sau này, để bù đắp những khuyết thiếu của mình khi rời bỏ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, anh đã tìm hiểu và học hỏi những ca sĩ – giáo viên hàng đầu dòng nhạc này như ca sĩ Phúc Tiệp, Khánh Ngọc, Tố Loan…
Trần Tùng Anh thực hiện album dành tặng người bố vừa khuất núi
Trong buổi ra mắt album Vol.01 Núi hát sáng nay, Trần Tùng Anh khiến cả khán phòng gai người khi khoe giọng nữ mềm mại ngọt ngào trong vắt qua ca khúc “Nàng thơ xứ Huế”. Ngay sau đó anh chuyển sang giọng nam trầm, mạnh mẽ và luân chuyển giọng một cách nhịp nhàng tinh tế, ăn ý một cách kỳ ảo. Nghe Trần Tùng Anh hát, nếu không nhìn hướng lên sân khấu, thật khó tin đó là một chàng trai, vì từ cách bỏ nhỏ đến khi lên tông cao vút đều rất đàn bà.
Theo chia sẻ của Trần Tùng Anh, cách đây 3 năm, anh đã lên một kế hoạch cho liveshow đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, ước mơ chưa kịp thực hiện thì bố Trần Tùng Anh qua đời do bạo bệnh. Chịu tang cha, nam ca sĩ quyết định chuyển hướng sang thực hiện dự án album đầu tay Núi hát với những ý nghĩa đáng trân trọng và đầy xúc động.
Cái tên album Núi hát xuất phát từ ước mơ của Trần Tùng Anh hồi nhỏ – chàng trai miền núi Bắc Giang yêu ca hát, thường hát vang trên đường đi học và ước mong sau này mình sẽ làm được điều gì thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng. Núi hát gồm 9 MV là: Tiếng đàn ta lư, Nàng thơ xứ Huế, Hồ trên núi, Còn duyên, Qua cầu gió bay, Chín bậc tình yêu, Tình ca Tây Bắc, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, và Đẹp mãi tình ta…
Theo Trần Tùng Anh, toàn bộ 9 ca khúc được lựa chọn đã gói trọn bước chân hành quân của bố Trần Tùng Anh trong cuộc đời quân ngũ của ông và chặng đường tình cảm của bố mẹ anh. Nghe album, khán giả sẽ hình dung được phần nào câu chuyện về cuộc đời của một người thanh niên đầy nhiệt huyết, đã sống hết mình để cống hiến cho đất nước, cho đời và hết mình với tình yêu, gia đình. Trần Tùng Anh đã rất khéo léo chọn lựa ca khúc để nói lên thông điệp anh gửi gắm, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đến người cha đã khuất.
Trong trái tim của nam ca sĩ, bố là người rất hiền lành. Khi anh còn nhỏ, nhà nghèo, bố mẹ anh đi hát trong quân đội bằng xe đạp thường xuyên chở theo Trần Tùng Anh sau lưng. Nghe bố mẹ hát, tình yêu với ca hát sớm có trong Trần Tùng Anh từ ngày ấy.
Tuy nhiên, Trần Tùng Anh thú nhận, anh và bố không gần nhau, cũng ít khi nói chuyện. Nhưng, anh luôn cảm nhận được tình yêu của bố khi mọi việc anh muốn làm đều được bố âm thầm ủng hộ. Những ngày bố gặp bạo bệnh, Trần Tùng Anh khi đó đang sống và làm việc ở TP.HCM đã trở về nhà, luôn túc trực bên cạnh để cùng gia đình chăm sóc cho bố.
“Khi bố sắp mất lại rất gần gũi và yêu thương tôi, mỗi khi tỉnh dậy đều hỏi Tùng Anh đâu. Bố thích nghe tôi hát lắm. Những ngày nằm điều trị bệnh, bố thường mở các bài hát tôi hát trên YouTube cạnh giường để nghe thâu đêm suốt sáng. Khi bố yếu, mọi người tới nhà thăm, bố còn bảo mọi người mang loa để Tùng Anh hát cho mọi người nghe. Nhìn tôi hát như vậy, bố vui lắm”- Trần Tùng Anh kể.
Thời điểm đó, Trần Tùng Anh cũng muốn thực hiện dự án liveshow cá nhân để tặng bố, để bố có thể ngồi ở hàng ghế đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội xem con trai hát nhưng không kịp. Bệnh tình trở nặng khiến bố anh không qua khỏi. Cũng may, trước đó, khi tham gia một số gameshow tại TP.HCM, anh cũng đã đón bố mẹ vào xem, cho nên cõi lòng cũng bớt đi những day dứt.
Và hôm nay, sau nhiều tháng ấp ủ và thực hiện, album vol 1 Núi hát đã toàn thành cho nguyện ước tặng bố một món quà âm nhạc thật chỉn chu của Trần Tùng Anh. Đặc biệt, trong dự án có ca khúc Trần Tùng Anh tự sáng tác riêng tặng cho mối tình của cha mẹ mình là ca khúc Đẹp mãi tình ta. Sáng tác được dựa trên cảm hứng về chuyện tình yêu son sắt của cha mẹ anh. Ở ca khúc này, Trần Tùng Anh hát bằng hai giọng phi giới tính và giọng thuần nam như màn đối đáp tình tứ, duyên dáng và ngọt ngào giữa người nam và người nữ. Trần Tùng Anh hy vọng, sáng tác đầu tay của mình sẽ được khán giả đón nhận.
Núi hát của Trần Tùng Anh sẽ được phát hành online trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok. Theo kế hoạch, mỗi tuần sẽ có 1 MV được phát hành kể từ thời điểm công bố phát hành là ngày 24/9.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet