Liên hoan phim quốc tế TP.HCM dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 13-4-2024.
Đây là sự kiện tôn vinh điện ảnh Việt Nam và thế giới, thúc đẩy trao đổi và đối thoại văn hóa, hỗ trợ những tài năng điện ảnh. Liên hoan phim sẽ được tổ chức như một lễ hội tại nhiều địa điểm trong thành phố.
Mong đợi từ lâu
Theo thống kê nhiều năm qua, TP.HCM là thị trường điện ảnh lớn và năng động nhất Việt Nam. Doanh thu phim ảnh tại TP.HCM luôn chiếm tỉ lệ áp đảo, có thời điểm chiếm 60% toàn thị trường.
Trong bối cảnh đó, việc chưa từng có liên hoan phim riêng gắn với tên tuổi và vị thế của TP.HCM là điều đáng tiếc. Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đạo diễn Phan Đăng Di, Trịnh Đình Lê Minh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết từ lâu họ đã mong đợi sự kiện này.
Đạo diễn Phan Đăng Di nhận định: “TP.HCM có lịch sử phát triển công nghiệp điện ảnh.
Trước năm 1975, Sài Gòn đã có nền điện ảnh vận hành theo hướng thị trường. Các nhà sản xuất phim cũng rất chủ động kết nối quốc tế.
Diễn viên Việt tham gia các liên hoan phim quốc tế, sang nước ngoài đóng phim… Sau này, đến tận năm 2022, Luật Điện ảnh sửa đổi mới cho phép các địa phương tổ chức liên hoan phim riêng.
Nên Liên hoan phim quốc tế TP.HCM được tổ chức khá muộn màng là vì những điều kiện như thế”.
Là nhà làm phim Việt Nam từng tham dự nhiều liên hoan phim nổi tiếng như Cannes, Berlin, Venice, đạo diễn Phan Đăng Di đặt hy vọng lớn vào Liên hoan phim quốc tế TP.HCM.
Anh nói: “Liên hoan phim cần mở rộng khả năng hội nhập quốc tế của nền điện ảnh TP, thông qua giao lưu nghề nghiệp, xúc tiến điện ảnh, những chính sách cụ thể về hợp tác sản xuất với nước ngoài.
Thứ nữa, liên hoan phim nào cũng có mục đích quan trọng là mở rộng phạm vi thưởng lãm của khán giả. Đó là điều mà những liên hoan phim lớn rất chú trọng.
Tiếp theo, việc khán giả được gặp gỡ trực tiếp diễn viên và nhà làm phim cũng rất quan trọng về mặt giao lưu văn hóa.
Và cuối cùng, một liên hoan phim lớn sẽ coi trọng việc tạo ra không gian riêng, tổ chức những gala Screening để ra mắt bài bản, tôn vinh xứng đáng các tác phẩm nội địa”.
Cần giọng nói, hệ sinh thái riêng
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho rằng một liên hoan phim là sự kiện có giá trị lớn về thương mại lẫn nghệ thuật, giúp giới làm phim lẫn khán giả được sống trong bầu không khí điện ảnh.
Trịnh Đình Lê Minh cũng nói, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM cần tìm kiếm bản sắc riêng ngay từ thời điểm tổ chức trong năm.
Thời điểm sẽ quyết định các phim nào tham dự, nếu không có những buổi “world premiere” (ra mắt lần đầu trên toàn thế giới) thì cũng là trình chiếu lần đầu trong châu lục hoặc khu vực.
Liên hoan phim nên có những định hướng riêng làm nên bản sắc.
Chẳng hạn, Liên hoan phim Busan tập trung vào tôn vinh các dòng chảy mới của châu Á ở hạng mục quan trọng New Current.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc gợi ý Liên hoan phim quốc tế TP.HCM cần có “giọng nói riêng”:
“Tôi kỳ vọng hệ sinh thái riêng của liên hoan phim, mang đến lợi thế riêng cho địa phương, thuộc về Việt Nam, có giọng nói riêng.
Tôi cũng vui mừng nếu được ở trong mạng lưới của các nhà làm phim quốc tế, được tiếp xúc và nói chuyện với họ ngay tại Việt Nam, mang cộng đồng làm phim thế giới đến với Việt Nam”.
Tại mỗi liên hoan phim, phần “hội hè” bao gồm gặp gỡ, giao lưu và vui chơi quan trọng không kém phần lễ nghi và chuyên môn chính.
Trịnh Đình Lê Minh cho biết anh đã gặp gỡ nhiều nhà quay phim, soạn nhạc, hợp tác sản xuất, diễn viên… tại các liên hoan phim như vậy. Nếu không hợp tác, đó cũng là những tình bạn đáng quý.
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM là cơ hội lớn
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (đơn vị chủ trì LHP quốc tế TP.HCM) – nhận định TP.HCM có thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa nhờ lợi thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đối ngoại… của cả nước.
Bà chia sẻ với Tuổi Trẻ: “TP.HCM được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước.
Nền điện ảnh thành phố kế thừa từ thành tựu hơn 70 năm qua của điện ảnh nước nhà, đến nay đã lớn mạnh và trưởng thành trên các lĩnh vực như sáng tác, biểu diễn, kỹ thuật, quản lý, kinh doanh…
Tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP.HCM là cơ hội nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường điện ảnh thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế; góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh TP an toàn, thân thiện, năng động, hội nhập và phát triển; từ đó định vị thương hiệu, là cơ sở quan trọng để tham gia Mạng lưới sáng tạo của UNESCO; góp phần quảng bá hình ảnh TP.HCM trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật gắn với tầm nhìn phát triển văn hóa xã hội bền vững”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed