Các doanh nghiệp và nghệ nhân kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần chính sách cụ thể để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống Bình Dương.
Nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống Bình Dương
Ngày nay, nhiều cơ sở gốm sứ đầu tư máy móc hiện đại để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nghề gốm thủ công vì thế, dần mai một. Các sản phẩm truyền thống cũng vắng bóng trên thị trường.
Trăn trở trước sự mai một của nghề gốm thủ công truyền thống, chủ nhân của Vườn Nhà Gốm đã quyết định lập xưởng sản xuất gốm thủ công ngay tại mảnh vườn của mình ở phường Lái Thiêu, TP. Thuận An.
Sau hơn 7 năm hoạt động, Vườn Nhà Gốm đã dần định hình được phong cách, hướng đi. Vườn không chỉ dừng lại là xưởng sản xuất mà đã trở thành một địa chỉ tham quan, trải nghiệm thú vị của nhiều người, nhất là đối với những tín đồ của sản dòng gốm Nam Bộ xưa.
Chị Bùi Ngọc Ánh, phụ trách marketing Vườn Nhà Gốm cho biết, để hồi sinh những dòng gốm đã đi vào quên lãng qua nhiều thập kỷ quả là điều chẳng dễ dàng. Điều tiên quyết những người thợ phải có sự thay đổi, tự làm với mình nhưng vẫn dựa trên hồn cốt đã được định hình của các sản phẩm gốm xưa.
Các sản phẩm ở Vườn Nhà Gốm vẫn trung thành với kiểu dáng, màu men, những hoa văn, họa tiết của gốm truyền thống. Tuy nhiên, sản phẩm sẽ được chăm chút tỉ mỉ, tinh xảo, màu sắc tươi tắn, bắt mắt hơn.
“Đến nay đã có nhiều khách hàng biết đến Vườn, biết đến và yêu thích dòng vốn mà Vườn đang phát triển. Đó là thành quả nho nhỏ mà Vườn đã tạo lập được”, chị Ánh nói.
Anh Trương Hoàn Nguyên, chủ doanh nghiệp Sơn mài Định Hòa sinh ra, lớn lên và sớm gắn bó với nghề sơn mài truyền thống ở phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một.
Sản phẩm sơn mài có thể chia thành nhiều thể loại khác nhau như: sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng… Để làm thành một tác phẩm sơn mài đẹp đòi hỏi người thợ phải có vốn kiến thức và nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, kinh tế xã hội phát triển theo xu hướng mới, sản phẩm của làng nghề chịu những ảnh hưởng nhất định. Anh Nguyên trăn trở tìm cách để nghề truyền thống địa phương không bị mai một. Bước đầu, anh chuyển đổi công nghệ, tạo ra những sản phẩm quà tặng bằng sơn mài với kiểu dáng, hình thức mới lạ để hấp dẫn khách hàng.
Anh còn mạnh dạn kết hợp với các công ty du lịch, các trường học trên địa bàn tổ chức những chương trình tham quan, trải nghiệm. Tham quan cơ sở sản xuất, du khách thích thú với các tác phẩm sơn mài do chính mình làm ra.
Anh Nguyên chia sẻ, mô hình kinh doanh mới này góp phần mở thêm hướng phát triển cho doanh nghiệp, và góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị của làng nghề.
Nghề truyền thống Bình Dương đối diện nhiều khó khăn
Bình Dương hiện có 2 nghề truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp và Nghề gốm Bình Dương.
Trong định hướng phát triển du lịch đến năm 2025, tỉnh Bình Dương đã chọn tham quan làng nghề truyền thống gắn với Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm Tân Phước Khánh và Bảo tàng gốm sứ Minh Long là những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Dù đã có định hướng, song thực tế phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề, và làng nghề truyền thống ở Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn. Chính sách riêng cho việc phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống vẫn chưa cụ thể; công tác quản lý nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống vẫn còn chồng chéo giữa các ngành liên quan.
Theo Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, 9 tháng năm 2023, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên đạt khoảng 60% kế hoạch năm. Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành cũng chịu ảnh hưởng do biến chung của kinh tế toàn cầu, doanh thu không đạt như những năm trước. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp đang lo lắng là chính sách di dời công nghiệp lên phía Bắc Bình Dương.
Theo ông Vương Siêu Tín – Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long, có những ngành nghề chỉ có thể phát triển khi gắn liền với mảnh đất và con người ở một nơi nào đó. Di chuyển sang mảnh đất khác, cùng con người ở nơi khác, chưa chắc nghề truyền thống còn tồn tại.
Nghề gốm sứ là một dạng đặc thù như thế vì gắn liền trực tiếp với vùng nguyên liệu và lao động có tay nghề. Tình hình kinh doanh sụt giảm, kéo theo số lượng lao động trong ngành gốm sứ giảm khoảng 30%, trong đó có nhiều lao động có tay nghề.
“Trong chính sách di dời, tỉnh cần hỗ trợ bố trí địa điểm sản xuất mới gần các khu vực làng nghề để thuận tiện cho sản xuất kinh doanh và giữ chân lao động có tay nghề”, ông Tín đề nghị.
Ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp gia đình, dễ chịu tác động bởi thị trường.
Theo Hiệp hội Gốm sứ, việc di dời các doanh nghiệp gốm sứ vào khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn do lao động lành nghề sinh sống, gắn bó lâu năm tại nơi sản xuất cũ. Cùng với đó doanh nghiệp thiếu nguồn vốn để di dời, xây dựng nhà máy mới.
Hiệp hội gốm sứ kiến nghị tỉnh gia hạn thời gian thuê đất đối với các doanh nghiệp thuộc diện di dời, trong thời gian chờ tìm được địa điểm để di dời vào cụm công nghiệp.
Nghiên cứu Con đường gốm sứ, sơn mài trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương cũng cho biết, nghề truyền thống có nghệ nhân thì mới có một sản phẩm đẹp, chất lượng. Thực tế, hầu hết các làng nghề truyền thống đều hoạt động với quy mô nhỏ, gặp nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân dẫn đến lao động theo nghề rất thấp, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở làm nghề sơn mài cũng thiếu vốn đầu tư để đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc kiến nghị tỉnh cần có đề án bảo tồn nghề sơn mài với ý nghĩa nghề là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, để nghề sơn mài và làng nghề phát triển bền vững.
“Đặc biệt là tỉnh cần nhanh chóng triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một”, ông Quý kiến nghị.
Mới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương và HĐND tỉnh đã có buổi khảo sát nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở, các thế hệ nghệ nhân và người dân nỗ lực duy trì, bảo tồn các ngành nghề truyền thống của Bình Dương.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành chức năng đề xuất các chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất để bảo tồn và phát triển làng nghề. Đối với Đề án bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, đến cuối năm 2023 phải thực hiện phê duyệt các thủ tục, và đưa vào triển khai thực hiện Đề án trong năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu các sở, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời vào khu, cụm công nghiệp, cũng như các chính sách về giá thuê đất, vốn, xúc tiến thương mại…
“Ngành chức năng của tỉnh cần nghiên cứu áp dụng linh hoạt các chính sách để nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh; vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa kết hợp du lịch trải nghiệm. Đồng thời, cần nghiên cứu có con đường gốm sứ, sơn mài trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, Bí thư Tỉnh ủy gợi ý.
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet