Trong bài báo mới đây “Thực trạng đáng buồn nhưng đã được dự báo trước của ngành phim trực tuyến”, tạp chí Mỹ The Atlantic viết về những mối hại trong một thời đại quá phong phú về nội dung trên các nền tảng trực tuyến.
Tin Tức Online lược dịch.
Phim trực tuyến nở rộ: Lợi bất cập hại?
Nhiều lúc khi muốn đắm chìm vào không gian điện ảnh, ta thấy khó khăn khi phải tìm hiểu nền tảng nào đang chiếu bộ phim mình muốn xem và giá cả thế nào.
Netflix, Amazon Prime đôi khi không đủ để xem các chương trình nổi tiếng nhất.
Nếu muốn xem Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) chẳng hạn, khán giả buộc phải tìm tới HBO hoặc Hulu.
Và nếu bạn muốn xem Hijack của Idris Elba thì lại phải có tài khoản Apple TV+.
Chúng ta sống trong một thời đại của sự phong phú. Nền tảng trực tuyến cho phép chúng ta tiếp cận nhiều phim điện ảnh, phim tài liệu, chương trình truyền hình hơn rất nhiều so với những ngày phải mua băng đĩa lậu.
Tuy nhiên, việc tiếp cận và tiêu thụ nội dung trong quá khứ, với nhiều người, chưa bao giờ gây khó chịu như hiện nay.
Nội dung không chỉ bị chia nhỏ ra nhiều nền tảng khác nhau mà trải nghiệm người dùng trên mỗi nền tảng còn bị giảm sút. Quảng cáo xuất hiện khắp nơi và có lẽ điều tồi tệ nhất là mức giá ngày càng đắt đỏ.
Dễ thấy nhất, Netflix sắp thực hiện thu phụ phí với những người dùng sử dụng chung tài khoản, trong khi giá dịch vụ tiêu chuẩn 1 tháng của Netflix đã lên tới 220.000 đồng (mức giá tại Việt Nam).
Người dùng đang bị mắc kẹt trong một nghịch lý. Một mặt, các nền tảng chiếu phim trực tuyến được yêu thích vì đầy tiện lợi. Mặt khác, sự cạnh tranh gắt gao giữa các nền tảng khiến nhiều người dùng cảm thấy trải nghiệm tệ đi.
Thành công của Netflix đã khởi đầu một cuộc đua. Các hãng phim lớn đổ hàng tỉ USD vào việc xây dựng nền tảng trực tuyến, và các công ty công nghệ lại đổ hàng tỉ USD vào việc làm phim.
Việc Netflix trở thành nền tảng trực tuyến đầu tiên được đề cử Oscar cho phim What Happened, Miss Simone? (năm 2015) và nhận đến ba tượng vàng Oscar cho phim Roma (năm 2019) càng khiến cho các “ông lớn” Apple, Disney hay Amazon muốn một phần trong “miếng bánh” này.
Khi ‘những người khổng lồ’ chạy đua
Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, các tập đoàn giải trí truyền thống như Disney và Warner Bros. đã báo cáo thiệt hại hơn 20 tỉ USD kể từ đầu năm 2020 do các khoản chi cho nền tảng xem phim trực tuyến của họ nhằm cạnh tranh với Netflix.
Thực tế là không phải người dùng nào cũng sẵn sàng chi tiền để trả cho 3, 4 tài khoản xem phim cùng một lúc và “miếng bánh” này không hề dễ xơi.
Đối với các hãng phim, biên kịch và diễn viên, mô hình phát trực tuyến đã lấy đi số tiền mà những người sáng tạo của Hollywood từng kiếm được từ việc phát lại trên truyền hình hoặc bán băng đĩa Bluray, cùng nhiều khoản thu khác.
Điều này khiến họ buộc phải tham gia “ván cược” của những ông lớn bằng cách có mặt trong nhiều dự án phim hơn, nhiều lúc là những dự án phim “thảm họa”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình đang lan rộng ở Hollywood.
Sự bấp bênh này đang ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình trong nhiều năm tới.
“Đó cũng là câu chuyện về việc theo đuổi quy mô dẫn đến những quyết định kinh doanh phi lý, đốt hàng đống tiền và cuối cùng là cung cấp cho người dùng những sản phẩm xuống cấp hoặc gây hoang mang” – The Atlantic viết.
Giữa cuộc chạy đua của những “người khổng lồ”, những gì còn lại cho khán giả là tình cảnh “tuy đứng trước vô vàn lựa chọn nhưng vẫn cảm thấy một sự mất mát mơ hồ”.
Có lẽ bài học ở đây là: sự lựa chọn vô hạn chỉ nghe tuyệt vời trên lý thuyết, còn trong thực tế, nó không được như mong muốn. Nó chỉ có thể tồn tại dưới sự hỗ trợ của các hệ thống đứt gãy, quan liêu và thuật toán.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed