Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của The Korea Times, nhóm nhạc Cignature chia sẻ họ muốn nhận được sự chú ý nhiều hơn từ phía công chúng.
“Chúng tôi chỉ ngủ khoảng 1 – 2 tiếng mỗi ngày. Dù biết rằng thành tích trên các bảng xếp hạng âm nhạc không thể định nghĩa được Cignature, nhưng chúng tôi vẫn muốn được quảng bá nhiều hơn để tiếp cận với những người hâm mộ và đáp lại tình cảm mà nhóm đã nhận được” – thành viên Chaesol chia sẻ.
Làm thêm để trang trải cuộc sống
Ra mắt từ năm 2019, nhóm Cignature được kỳ vọng sẽ là một “tân binh khủng long” thế hệ mới cùng với aespa và Weeekly. Tuy nhiên sau hơn 4 năm ra mắt, họ vẫn là một cái tên khá mờ nhạt trên “bản đồ K-pop”.
Trong khi đó, hai nhóm nhạc cùng thời đã có những thành tựu riêng, thậm chí aespa đã tổ chức concert quốc tế đầu tay và được biểu diễn tại nhạc hội lớn nhất hành tinh Coachella (chỉ sau 2NE1 và BlackPink).
Cignature là một trong những nhóm nhạc “chăm chỉ” thay đổi concept (phong cách) của mình qua từng lần trở lại, từ cá tính, quyến rũ đến trong trẻo, dễ thương.
Lý giải cho định hướng này, thành viên Seline trả lời: “Tôi cảm thấy rằng chúng tôi nên thay đổi nhiều phong cách khác nhau để củng cố sự hiện diện của mình trong làng nhạc K-pop”.
Không chỉ riêng Cignature, con đường tìm kiếm sự nổi tiếng của những nghệ sĩ trẻ K-pop luôn là một con đường đầy mồ hôi và nước mắt.
Điều này giống như hành trình của Brave Girls – nhóm nhạc nữ biểu diễn và cống hiến suốt 10 năm mới nhận được sự chú ý từ phía công chúng sau một bản hit.
“Đến một thời gian, tôi nhận ra rằng bạn bè của tôi đã đi làm hoặc chuẩn bị kết hôn trong khi tôi vẫn đang cố gắng theo đuổi giấc mơ thần tượng. Tôi mặc cảm, tự ti và cảm thấy như mình đang trở thành gánh nặng cho bố mẹ.
Vì thành thật mà nói, nhóm không kiếm được nhiều tiền từ màn trình diễn của mình. Đôi khi chúng tôi còn phải làm công việc bán thời gian để trang trải cuộc sống.
Khi những bài hát ra mắt, tôi còn không dám đặt kỳ vọng cao vì sợ bản thân sẽ bị tổn thương nếu cứ tiếp tục mong đợi một cách vô ích. Tuy nhiên, khi lần đầu tiên đạt vị trí số 1 trên các nền tảng âm nhạc, chúng tôi đã cùng nhau khóc” – thành viên Yujeong chia sẻ.
Cạnh tranh khốc liệt ở K-pop
Có thể thấy, ở một nơi có sự cạnh tranh khốc liệt như K-pop, việc chăm chỉ nỗ lực thôi là chưa đủ, rất nhiều yếu tố sẽ quyết định sự thành bại của họ như tiềm lực của công ty chủ quản, định hướng phong cách, nhan sắc hay độ hot của các thành viên…
Đây cũng là một trong những lý do vì sao rất nhiều nhóm nhạc có đủ tài năng, tố chất của một ngôi sao nhưng vẫn phải chật vật đi tìm chỗ đứng.
Nếu không thành danh, họ có thể trắng tay vì ngành công nghiệp kinh doanh tuổi trẻ này sẽ không chờ đợi bất kỳ ai. Mỗi năm trung bình có 100 nhóm nhạc ra mắt, nhưng những nhóm có thể tồn tại chưa đến 5% (theo Koreaboo).
Ngoài ra, các show truyền hình còn sản sinh ra thế hệ idol mới, liên tục tạo được sức hút trong những năm gần đây.
Một số chương trình thành công nhất có thể kể đến như Produce của Mnet (đã tạo ra I.O.I, IZ*ONE và Wanna One), YG Treasure Box (tạo ra TREASURE) hay Sixteen (tiền thân của Twice)…
Cuối năm 2023 này, tiếp tục có nhiều show truyền hình ra mắt.
Universe Ticket ra mắt vào tháng 11 đã nhận được đơn đăng ký của các cô gái đến từ 128 quốc gia. Số lượng đăng ký là rất nhiều nhưng nhà sản xuất sẽ chỉ chọn ra 8 gương mặt để thành lập nhóm nữ mới.
Điều này đồng nghĩa với việc các thí sinh sẽ có cuộc tranh tài nảy lửa. Vì vậy, để có thể tỏa sáng giữa hàng ngàn ngôi sao khác, bản thân họ còn phải là một “ngôi sao may mắn”, có thể kiếm tiền nhờ vào danh tiếng và tồn tại trong ngành nhờ vào công chúng.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed