Sau ba mùa, chương trình Rap Việt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, gần đây cũng có không ít chương trình rock hoặc sản phẩm rock ra mắt.
Ban nhạc Bức Tường ra MV Mùa hè đi qua, rocker Trần Thắng (sáng tác chính của ban nhạc Ngũ Cung) tổ chức Guitar Plus Music Concert 2023, Hanoi Rock City tổ chức sân chơi Ban Đấu.
Chuỗi sự kiện metal/grindcode SCUMFEST quy tụ những cái tên “sừng sỏ” của rock thế giới và khu vực như Smallpox Aroma, Wormrot.
Nhưng nhìn chung rock vẫn chưa hòa vào dòng chảy âm nhạc đương đại. Người yêu rock vẫn “hóng” những sự kiện lớn như Rockstorm, Rock’n’Share, game show Rock Việt hay một ban nhạc mới có sức ảnh hưởng như Bức Tường.
Rock tạm thất thế
Rocker Trần Toàn K300 (ban nhạc K300) nêu hai lý do khiến rock tạm thất thế trước rap.
Thứ nhất, thói quen nghe nhạc của người Việt lâu nay trọng lời hơn nhạc. Với rap, chẳng cần hiểu nhạc vẫn có thể rap theo. Với rock, phải hiểu âm nhạc thì mới “sống và phê” được.
Thứ hai, so với rock hiện nay, rap có “thái độ âm nhạc rõ ràng, gần gũi, đời hơn”. Chẳng hạn, Đen Vâu có ca từ đơn giản nhưng sâu sắc.
Còn theo Trần Tuấn Hùng (Bức Tường), rock Việt mất dần thị phần vì xu hướng nghe nhìn thay đổi.
“Một bản nhạc thịnh hành phải dễ nghe, dễ chill trong khi đặc trưng của rock là mạnh mẽ, nhiều đảo phách, lời ca chiêm nghiệm. Cá tính mạnh, “cứng” như tên gọi của dòng nhạc khiến họ khó thỏa hiệp thị hiếu”, Trần Tuấn Hùng nói.
Rocker Hiếu Lê – “thủ lĩnh” ban nhạc Thủy Triều Đỏ – cho biết đội hình chơi rock phải có ít nhất 4-5 nhạc cụ, rất cồng kềnh, phải đầu tư tập luyện, tiền bạc lẫn sức lực. Trong khi đó, rap gọn nhẹ và cơ động, chỉ cần một nghệ sĩ và một bản beat.
Cặp nghệ sĩ Minh Tốc và Lam nhận định nền beat của rap là hip hop hoặc trap – những thể loại dễ làm quảng cáo và viral. Nghệ sĩ rap lại khá thông minh trong việc kết hợp rap với những từ khóa bắt tai, thịnh hành.
Vì thế, các nhãn hàng hay game show thích đầu tư vào nghệ sĩ rap hơn.
Rock trở lại với phiên bản mới?
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận: “Sự phát triển của rap hiện nay đang mang tính thời điểm. Rock đã qua thời thanh xuân nhưng thực sự không thể đùa được”.
Ông Long nhớ rock Việt “trổ mã” từ thập niên 1970, từ đô thị miền Nam rồi lan ra miền Bắc.
“Thanh xuân” của rock Việt kéo dài tới thập niên 1990, thậm chí đến năm 2010. Những live show rock ở Hà Nội thập niên 1990 có cả vạn khán giả. Điều này rất hiếm ở những show ca nhạc giải trí hiện nay.
Hiện rock vẫn có cộng đồng riêng khá đông đảo, vẫn là thể loại nhạc “gây nghiện khó cưỡng, ai đã trót mê sẽ thủy chung đến trọn đời”.
“Rồi sẽ đến ngày rock trở lại với phiên bản mới phù hợp với lớp khán giả tương lai”, ông dự báo.
Minh Tốc cho rằng việc rap có vẻ phát triển hơn rock là “vòng thịnh hành của một dòng nhạc”. Trước đây lần lượt rock, acoustic, pop, EDM… chiếm ưu thế.
Sau thế hệ mang tính nền móng như Bức Tường, Thủy Triều Đỏ, Microwave, Ngũ Cung…, rock Việt đang chứng kiến sự ra đời của một lứa nghệ sĩ mới.
Rocker Hiếu Lê nhận xét các nghệ sĩ rock trẻ hát tốt hơn thế hệ trước nhiều, biết sáng tác tiếng Anh, giỏi chơi nhạc cụ, các thiết bị và nhạc cụ cũng tốt. Nhưng đa phần hoạt động underground. Để bứt phá, họ phải nỗ lực rất nhiều.
Hiếu Lê mong thế hệ trẻ sáng tác những ca khúc gần gũi với hơi thở cuộc sống hơn, thông điệp tự nhiên, chân thật và truyền năng lượng tích cực.
Đừng nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương”
Trần Toàn K300 và Trần Tuấn Hùng chỉ ra hạn chế cố hữu của rock Việt là nghệ sĩ thường nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương”, cho rằng rock kén người nghe nên chỉ lan tỏa trong giới. Một số rocker không chấp nhận “làm loãng rock” vì cho đó là biến chất.
Trong khi đó, hiện nay khâu quảng bá, truyền thông rất quan trọng.
“Trong bối cảnh nghe nhìn và giải trí đổi khác, các nghệ sĩ rock cần cởi mở hơn, dẹp bỏ cái tôi lớn, học cách truyền thông quảng bá như các dòng nhạc thịnh hành khác” – rocker Trần Tuấn Hùng nói.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed