Như Dân Việt đã đưa tin, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát lệnh truy nã đặc biệt với 5 đối tượng liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin) về tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Các đối tượng này được xác định đã gây án tại trụ sở 2 UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur cùng đồng bọn, sau đó rời khỏi địa phương bỏ trốn.
Dưới góc nhìn pháp lý, chia sẻ với Dân Việt về các hình thức truy nã, luật gia Văn Tuân (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, theo quy định của pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể ra một trong hai hình thức truy nã là truy nã đặc biệt và truy nã thường.
“Truy nã đặc biệt được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Truy nã thường được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng” – luật gia Văn Tuân nói.
Các đối tượng bị Công an tỉnh Đắk Lắk truy nã đặc biệt. Ảnh: Tú Linh
Cũng theo vị luật gia này, truy nã thường có thể chuyển thành truy nã đặc biệt nếu xét thấy hành vi phạm tội của đối tượng là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Truy nã đặc biệt cũng có thể chuyển thành truy nã thường nếu quá trình điều tra xét thấy hành vi phạm tội của đối tượng không phải là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mà là ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng.
“Liên quan vụ án xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công an đánh giá, đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy khi có các đối tượng bỏ trốn, cơ quan điều tra đã tiến hành truy nã đặc biệt với các đối tượng” – luật gia Văn Tuân nhận định.
Trước 5 đối tượng vừa bị Công an tỉnh Đắk Lắk truy nã đặc biệt, lịch sử tố tụng Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều đối tượng bị các cơ quan chức năng truy nã đặc biệt.
Cụ thể, ngày 1/2/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm với đối tượng Nguyễn Văn Hiền (SN 1984, Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh). Hiền bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố tội “Cưỡng đoạt tài sản” vào ngày 29/1/2016.
Đối tượng Nguyễn Văn Hiền bị truy nã đặc biệt nguy hiểm và bị bắt sau đó 9 tháng. Ảnh: CACC
Ngày 6/10/2016 Hiền bị bắt tại Bình Dương. Khi bị di lý từ Bình Dương về Hà Tĩnh, Hiền đã đòi hối lộ 20 triệu đồng cho công an để được thả. Đương nhiên đề nghị này của Hiền bị lực lượng chức năng khước từ.
Một bị can khác cũng từng bị truy nã đặc biệt là Chống Màu Khường (SN 1987, Phú Lợi, Định Quán, Đồng Nai). Ngày 1/12/2016, Khường bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định truy nã đặc biệt về tội “Giết người”.
Khường được xác định đã cùng 6 đối tượng khác sử dụng hung khí đánh chết nạn nhân Trương Ngọc Anh Khoa (Đồng Nai) vào 1 giờ ngày 13/3/2016. Sau khi gây án, các đối tượng lần lượt đã bị bắt giữ, riêng đối tượng Khường bỏ trốn sang Campuchia. Đến giữa năm 2017, đối tượng Khường quay về Việt Nam và lẩn trốn nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM.
Chống Màu Khường bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định truy nã đặc biệt về tội “Giết người” vào năm 2016. Ảnh: CACC
Ngày 27/4/2023, Khường bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an bắt giữ khi đang lẩn trốn tại một phòng trọ trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức.
Một đối tượng khác cũng từng bị truy nã đặc biệt là Lê Văn Dũng (SN 1970, hay còn gọi là Lê Dũng Vova, Hà Nội). Theo đó, ngày 28/5/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội đã ra Quyết định số 04/ANĐT-Đ2, truy nã bị can Lê Văn Dũng với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại Điều 117 – Bộ luật Hình sự 2015.
Lê Dũng Vova từng bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định truy nã đặc biệt vì chống Nhà nước. Ảnh: CACC
Chỗ ở của đối tượng trước khi bỏ trốn là số 54B ngõ 2 (Hà Trì 3, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội).
Lê Văn Dũng bị cáo buộc bắt đầu tham gia chống đối, tụ tập, biểu tình gây rối an ninh – trật tự từ năm 2011. Đối tượng đã lợi dụng các vấn đề phức tạp về chủ quyền biên giới, khiếu kiện đất đai tại một số địa bàn như Dương Nội (Đông Anh), Tiên Lãng (Hải Phòng)… hoặc lợi dụng danh nghĩa tưởng niệm các sự kiện lịch sử, việc bắt giữ, xử lý đối tượng chống đối để hoạt động nhằm xâm phạm an ninh quốc gia.
Cũng với tội danh “Giết người”, Nguyễn Đăng Khoa (SN 1983, thường trú thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang; tạm trú Khu phố 10, phường Dương Đông, TP.Phú Quốc) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang truy nã đặc biệt vào ngày 30/1/2023.
Khoa bị cáo buộc đêm 9/3/2022, tại một quán karaoke ở phường Dương Đông, Khoa cùng nhiều đối tượng tham gia hành hung ông Trần Hoàng Giang (SN 1969) đến tử vong. Khoa được xác định bỏ trốn 4 ngày trước khi có quyết định khởi tố bị can nên cơ quan điều tra đã truy nã đặc biệt đối tượng.
Một đối tượng tội phạm khác khi gây ra hành vi phạm tội cũng thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đó là Triệu Quân Sự (SN 1991, Phú Cường, Đại Từ, Thái Nguyên). Triệu Quân Sự bị Trại giam quân sự khu vực miền Trung (Quân khu 5) quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm khi trốn khỏi nơi giam.
Theo đó, Sự phạm vào các tội danh “Giết người, cướp tài sản, đào ngũ, trốn khỏi nơi giam, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích”. Bị bắt ngày 14/8/2012, thời hạn phạt tù là chung thân. Khoảng 14 giờ 20 ngày 3/6/2020, Sự trốn khỏi Trại giam quân sự khu vực miền Trung và bị Giám thị Trại giam ra quyết định truy nã đặc biệt ngày 4/6/2020. Sau đó đố tượng bị bắt.
Tin An Ninh Hinh Su