Từ một năm “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”…
Tháng 4/2021, trong thời điểm đất nước ta trải qua “cơn bão” Covid-19 dữ dội, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng bị một cơn tai biến bất ngờ, đó không chỉ là cú sốc đối với riêng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mà còn gây sửng sốt với biết bao bạn bè văn – báo, vì người được coi “con sói phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân đã từng “một thời dọc ngang cát bụi, một thời tung hoành khắp các vùng biên giới biển đảo đất nước. Đã từng chui xuống hầm lò Mông Dương sâu 100 m, đã từng hai lần đi Honda xuyên Việt. Con người theo “chủ nghĩa xê dịch” này đã từng tâm sự, nếu phải ở nhà ngồi im một chỗ 10 ngày thì là ốm.
Sau cơn tai biến liệt nửa người của anh, nhiều người đã băn khoăn, không biết rằng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có cân bằng lại cuộc sống, lấy lại tinh thần, năng lượng sống và làm việc như đã từng được không? Song, gia đình, bạn bè và cả những bạn bè trên facebook không giấu nổi niềm vui và sự khâm phục khi người bệnh vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh phải tập đi, tập ăn, tập nói ấy… đã vượt qua bạo bệnh, có thể vươn mình mạnh mẽ, miệt mài sáng tạo, in được hai tập thơ, viết hàng chục bài báo, vẽ hàng trăm chân dung, tiếp tục theo đuổi đam mê và cống hiến hết mình cho cuộc đời.
… Cho đến cuộc hành trình “Xin một tuổi”…
Đối với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời ông đều biết cách làm mới mình, biết cách thăng hoa để sống ý nghĩa nhất có thể.
Đầu tháng 3/2022, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân lại đặt cho mình một chương trình mới, một thử thách mới, đó là “chống gậy một mình từ Sài Gòn ra Hà Nội” làm cuộc triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” với gần 300 bức chân dung vẽ trong những ngày bị tai biến. Cuộc triển lãm khiến làng báo xúc động và cảm phục. Hàng chục báo đài đăng tin viết bài khen ngợi động viên nghị lực sống của ông. Cuộc triển lãm này là một cuộc “diễn tập” thử nghiệm về sức khỏe, một cuộc chuẩn bị về tinh thần để ông thực hiện tiếp cuộc hành trình này.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể: “Câu chuyện về ba tôi trước kia đã thôi thúc tôi thực hiện chuyến đi này, khi ông nhớ về những người bạn nay sống mỗi người một phương, ông bèn nói với vợ: “Bà cho tôi xin một tuổi. Coi như năm nay chúng ta tạm xa nhau, coi như không có tôi trong cuộc đời bà, tôi xin một năm để thăm lại những người đồng nghiệp, những miền đất tôi từng sống và làm việc, rồi tôi mới yên tâm nghỉ ngơi”.
Cơn tai biến vừa qua đã khiến nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hiểu sâu sắc “bây giờ sức khỏe với tôi là số độc đắc”. Và sẵn năng lượng sống tích cực dồi dào, với đam mê viết, vẽ, ông muốn đi đến đâu là gặp gỡ và viết, vẽ đến đó, không bỏ phí một ngày, một giây phút nào.
Cuộc hành trình “Xin một tuổi” này đã bắt đầu cách đây khoảng 1 tháng, vào một buổi trưa khi ông đang ở Sài Gòn thì nhận được lời mời đi họp Đà Lạt. Không chần chừ gì, chiều ông bay đi Đà Lạt, rồi sẵn đà này, ông từ Đà Lạt về lại Sài Gòn, tiếp tục cuộc hành trình đi Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Những kỷ niệm ấn tượng nhất của ông trong chuyến đi là đến thăm viếng nơi ở cuối đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thăm Gác Trịnh ở Huế, thăm các đồng nghiệp và bạn học một thời, được ký họa trên bờ biển, làm thơ trong các dịp gặp gỡ, dự các sự kiện của bạn bè và giao lưu với sinh viên báo chí, các fan của ông…
“Bí đề tài là đi, đến là tìm gặp, gặp là ắt có cái để viết”… phương châm tác nghiệp của ông vẫn như ngày nào còn là cây bút phóng sự năng nổ.
Đã U70 mà chuyến đi lại giúp ông có thêm kỷ niệm, lại thêm bạn bè… Chỉ trong một tuần lễ, ông còn vẽ hẳn 20 bức áp phích chủ đề “Kim cương đen” về ngành than. Bộ tranh này đã được nhà thiết kế Minh Hạnh sử dụng thiết kế áo dài thời trang trình diễn trong Festival Áo dài Quảng Ninh, trình diễn đêm 29/4 vừa rồi. Cứ mỗi bước hành quân trong cuộc hành trình ông lại có một dấu ấn như vậy. Ông dựa vào các sự kiện, các chương trình, kết hợp với việc giảng dạy, giao lưu ở các địa phương như Phú Thọ, Huế, Đà Nẵng, Tây Ninh… để các chuyến đi thêm ý nghĩa.
Tinh thần “chịu chơi” của “ông chống gậy” tự coi mình là “tỷ phú thời gian” khiến nhiều người cảm phục. Đó là tinh thần quyết không sống mòn, sống nhạt, lúc nào cũng phải sống có ích cho cuộc đời. Sơ kết gần một tháng hành trình, ông đã đi được 6 tỉnh thành, ngồi 7 chuyến bay, 4 chuyến xe đường dài.
Chuyến hành trình này thu thập được khoảng 1000 tấm hình, vẽ 30 bức chân dung bè bạn. Và dĩ nhiên, cuộc hành trình vẫn tiếp tục với dự kiến chặng đường tiếp theo như đi Đồng Tháp chấm giải báo chí, đi Thanh Hóa thăm lại nơi ra đời, thăm quê nội quê ngoại ở Bến Tre, Kiên Giang, hay trở lại Hà Nội với một cuộc triển lãm ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng nhiều sự kiện khác. Những chặng đường sắp tới chắc chắn vẫn là chặng đường của sự hoài niệm, thắm tình bạn bè, đậm tình đồng nghiệp.
Chưa hết, ông còn nuôi ý định viết cuốn du ký “hành trình xin một tuổi” in kèm những bức tranh chân dung vẽ trong chuyến đi.
Khi được hỏi đến vấn đề kinh phí, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, ông thực hiện chuyến đi với sự tích cóp lương hưu và có sự hỗ trợ một phần từ bạn bè, chiến hữu. “Trong những chuyến đi này tôi chỉ uống nước suối chứ không nhậu nên cũng ít tốn kém…”, ông cười và nói.
Vừa chuẩn bị hành trang cho những chuyến đi mới, ông vừa chia sẻ: “Một năm không là bao nhiêu với một đời người, nhưng một năm khi về già dành riêng để thăm lại bạn bè, thăm những vùng miền mình từng sống từng đi qua… thì thật đáng một năm”.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet