Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai bị khởi tố
Ngày 27/4, nguồn tin của PV Dân Việt cho biết, Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố bị can, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khởi nơi cư trú đối với ông Huỳnh Văn Tâm – Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai – để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước đó, ông Tâm đã bị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Được biết, khi ông Tâm còn giữ chức Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai (nhiệm kỳ 2015-2020) đã có khuyết điểm, vi phạm trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện dự án “Xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Sở Nội vụ làm chủ đầu tư.
Đến ngày 16/11/2021, Thanh tra tỉnh có kết luận thanh tra về dự án nêu trên.
Theo đó vào năm 2016, Sở Nội vụ được UBND tỉnh Gia Lai cấp 2 tỷ đồng thực hiện dự án trên. Số tiền đã được Kho bạc Nhà nước tỉnh thanh toán là hơn 1,9 tỷ đồng. Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai chọn Chi nhánh Công ty TNHH Phát triển và Chuyển giao phần mềm (Công ty PT&CGPM) trúng thầu cung cấp phần mềm với số tiền 979 triệu đồng. Đơn vị tư vấn giám sát xây dựng phần mềm và lắp đặt thiết bị là Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Gia Lai. Khi Thanh tra tỉnh Gia Lai kiểm tra thì dự án không sử dụng được.
Ngoải ra, ông Tâm thời điểm đó là Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đã ký 16 ủy nhiệm chi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của ông Hồ Quang Thi (nguyên Kế toán trưởng Sở Nội vụ) để tiếp tục thực hiện công việc. Tuy nhiên, ông Thi đã chiếm đoạt 575 triệu đồng, rồi nghỉ việc vào TP.HCM từ năm 2018.
Đến tháng 12/2021, Công an tỉnh Gia Lai đã đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Thi để điều tra về hành vi tham ô tài sản.
Đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý, có 5 sĩ quan cấp tướng
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 27/4, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, xác định yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, công tác PCTN, TC tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và có những chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực.
Các cơ quan chức năng, nhất là Quân đội, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính và các thành viên Ban Chỉ đạo có nhiều nỗ lực, cố gắng, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó, khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng).
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo.
Đáng chú ý, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, như: Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng;
Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan có liên quan; Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.
Các cơ quan tố tụng đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý (1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Bao gồm: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, nguyên Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẩn trương kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý. Qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra đã chuyển 65 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật; qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 13 vụ việc, 18 đối tượng tham nhũng.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 31 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như: Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên,…
Công tác thu hồi tải sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tiếp tục được quan tâm; từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 2.050 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng…
Bé gái 4 tuổi nhập viện, nghi bị bạo hành
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 26/4, thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Đức Chung – Trưởng khoa Quản lý chất lượng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh – xác nhận, Khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi L.Q.T (4 tuổi, trú tại thị trấn Thiên Cầm) với nhiều vết thương trên người.
Theo đó, bệnh nhi L.Q.T nhập viện vào lúc 14h8’ cùng ngày với một vết thương trên đầu cùng nhiều vết thương khác trên thân thể.
“Vết thương trên đầu và các vết thương ngoài da đã được bác sĩ tại Khoa Ngoại thần kinh băng bó, xử lý. Hiện gia đình đang cho bệnh nhi đi chụp chiếu”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Cũng theo ông Chung, qua khai thác bác sĩ điều trị thì vết thương trên người bệnh nhi là do bị đánh.
Vì tính chất của vụ việc là nghi vấn bạo hành trẻ em nên bệnh viện đã thông tin đến Công an thị trấn Thiên Cầm để có hướng xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Anh – Trưởng Công an thị trấn Thiên Cầm – cho biết, đơn vị đã tiếp nhận được thông tin trên và đang điều tra làm rõ vụ việc.
Được biết, bố mẹ cháu T làm ăn xa. Hiện cháu bé đang sinh sống với dì ruột tại thị trấn Thiên Cầm.
Hai vợ chồng lĩnh án vì lừa đảo số tiền, vàng “khủng” của 186 người
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/4, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên án đối với 2 bị cáo Đỗ Thị Hải Yến, sinh năm 1960, ở phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tù chung thân và chồng là Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1959, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Xô – Chủ cửa hàng vàng bạc Oanh Vân số 1, có địa chỉ tại số 72, đường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên 15 năm tù giam.
Hai bị cáo trên bị phạt tù vì “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây được coi là vụ lừa đảo khá phức tạp, liên quan đến nhiều người tại tỉnh Vĩnh Phúc, có thời điểm có hàng chục người dân vây quanh cửa hàng vàng bạc Oanh Vân số 1 để đòi tiền gửi.
Theo cáo trạng tại phiên tòa, từ năm 2012 đến tháng 6/2019, Đỗ Thị Hải Yến cùng Nguyễn Tuấn Anh đã dùng thủ đoạn gian dối nhận tiền và vàng của 186 người dân gửi vào Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Xô, với tổng số tiền là trên 190 tỷ đồng.
Sau khi nhận tiền, Đỗ Thị Hải Yến trả lãi và trả gốc thời gian đầu cho các bị hại là 31,2 tỷ đồng; trong đó, trả lãi là hơn 21 tỷ đồng và trả gốc hơn là 10 tỷ đồng. Số tiền còn lại, vợ chồng Yến chiếm đoạt của 186 người bị hại.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử khẳng định: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi, tranh tụng công khai tại tòa, đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội; trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cần xử lý nghiêm trước pháp luật để giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Hải Yến tù chung thân; bị cáo Nguyễn Tuấn Anh 15 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, vào tháng 10/2019. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Đỗ Thị Hải Yến về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhiều người dân bị lừa có gửi đơn đến cơ quan công an tố giác Đỗ Thị Hải Yến và chồng là Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Xô – chủ cửa hàng vàng bạc Oanh Vân số 1 nhận tiền gửi nhưng mất khả năng thanh toán với số tiền xác định ban đầu là khoảng 120 tỷ đồng.
Ngày 6/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên khám xét nơi ở của vợ chồng Đỗ Thị Hải Yến tại phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên.
Đỗ Thị Hải Yến đã trốn khỏi nơi cư trú, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên ra quyết định truy nã và ngày 7/10/2019, lực lượng điều tra đã bắt được bị can khi đối tượng đang lẩn trốn tại Hà Nội.
Qua vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân có tiền nhàn rỗi nên gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín, tránh vì ham lợi nhuận cao để rồi phải đối diện với nhiều rủi ro.
Nhóm đánh nữ chủ quán ăn đêm bị xử lý thế nào?
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/4, Công an xã Thạch Trung, TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đang củng cố hồ sơ xử lý 3 người đàn ông dùng ghế đánh chị Đ.T.G. (31 tuổi, chủ quán ăn đêm ở xã Thạch Trung).
“Ba người liên quan vụ việc đã thừa nhận hành vi. Đơn vị đang chờ yêu cầu từ bị hại và củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định”, lãnh đạo Công an xã Thạch Trung nói.
Công an xác định 1h50 ngày 22/4, Phan Bình An (32 tuổi, trú xã Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh) cùng 6 người khác đến quán ăn đêm của chị G.
Xích mích trong lời ăn tiếng nói, An cầm ghế nhựa đánh chị G.
Khi nữ chủ quán cầm điện thoại gọi cho người thân thì tiếp tục bị An cùng Nguyễn Tất Hùng (28 tuổi, trú xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) và Lê Huỳnh Đức (26 tuổi, trú xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) chửi bới, cầm ghế nhựa, ấm đun nước đánh ngất xỉu.
Sự việc chỉ dừng lại khi nhiều người đi cùng can ngăn, đưa nhóm nghi phạm rời hiện trường.
Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện điều trị và được bác sĩ chẩn đoán tổn thương nội sọ. Sự việc được camera an ninh của quán ghi lại.
Sau vụ việc, người thân bị hại đã có đơn trình báo và mong cơ quan điều tra xử lý nghiêm nhóm hành hung nạn nhân.
Bị triệu tập, 3 người hành hung nữ chủ quán ăn đêm đã thừa nhận hành vi.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Danh, Trưởng Văn phòng Luật sư Văn Danh & Cộng sự (Đoàn luật sư Nghệ An), đánh giá việc 3 người đàn ông có hành vi dùng ghế nhựa đánh nữ chủ quán đến nhập viện là vi phạm pháp luật.
“Để xử lý hành vi của 3 người này, trước hết cần kiểm tra mức độ thương tích của nạn nhân như thế nào. Ngoài ra, cần xem xét tính chất, hành vi của các đối tượng có tính chất côn đồ hay không”, luật sư Danh nhận định.
Theo luật sư Danh, nếu tỷ lệ giám định thương tật của nạn nhân từ 11% trở lên, 3 người gây ra vụ việc có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.
Còn nếu tỷ lệ thương tích dưới 11% thì cần làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích và diễn biến vụ việc để xem hành vi của họ có tính chất côn đồ hay không và có sử dụng hung khí nguy hiểm gây thương tích hay không để khởi tố vụ án.
Cùng theo dõi vụ việc, luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh), cho rằng việc 3 người đàn ông có sức khỏe nhưng vì mâu thuẫn nhỏ nhặt từ lời nói mà lao vào đánh người phụ nữ yếu thế đã thể hiện dấu hiệu tính chất côn đồ.
Ngoài ra, nhóm nghi phạm còn dùng ghế nhựa, theo quy định là vật dụng có độ cứng, có tính gây sát thương được xác định có khả năng gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người khác. Đây cũng là tình tiết định khung của hình phạt.
Với 2 tình tiết định khung trên, cùng với yêu cầu của bị hại, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 người đàn ông hành hung nữ chủ quán về tội Cố ý gây thương tích.
Trong trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11%, bị hại không yêu cầu xử lý và hai bên thỏa thuận dân sự với nhau thì cơ quan chức năng không xử lý hình sự. Nhóm người gây ra vụ việc khi đó bị xử lý hành chính về tội Cố ý gây thương tích và xâm hại đến sức khỏe người khác.
Ngoài ra, quá trình xử lý vụ án, cơ quan điều tra cũng xem xét nhân thân của các nghi phạm. Nếu những người này từng có tiền án (chưa hoàn thành chấp hành án), tiền sự, nhân thân xấu sẽ có mức độ xử lý nghiêm khắc hơn.
Nữ chủ quán ăn bị khách dùng ghế đánh nhập viện. Xảy ra xích mích, nhóm thực khách cầm ghế nhựa đánh nữ chủ quán ăn đêm ở TP.Hà Tĩnh khiến nạn nhân phải nhập viện. Nguồn: Zing
Pháp luật | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7