Vụ án thứ hai cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị truy tố trong năm 2021
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 27/12/2021, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 7 bị cáo trong vụ can thiệp trái pháp luật vào gói thầu số hóa ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội, trong đó có cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Đây là vụ án thứ 2 mà ông Chung bị xét xử trong năm 2021. Trước đó, ngày 13/12/2021, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên phạt ông Chung 8 năm tù trong vụ mua bán, sử dụng Redoxy 3C.
Ở vụ án này, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng bị truy tố với ông Nguyễn Đức Chung là các bị cáo:
Nguyễn Văn Tứ, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, nguyên Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội;
Phạm Thị Thu Hường, nguyên Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội; Lê Duy Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh; Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh; Nguyễn Tiến Học, Nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội.
Ngoài ông Chung, 6 bị cáo còn lại bị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, vụ án được xét xử công khai, dự kiến trong 5 ngày. Trong vụ án này, nguyên đơn dân sự là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty Nhật Cường Software, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh là những bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo thông tin mà Dân Việt nắm được, ở vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung có 4 luật sư bào chữa, trong đó có 3 luật sư từng bào chữa cho ông ở phiên xử vụ Redoxy 3C. Ở phiên xử vụ Redoxy 3C, ông Chung có 5 luật sư bào chữa.
Tài liệu truy tố thể hiện, trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu “Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn TP.Hà Nội” năm 2016, 2017, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế được ký kết với Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh.
Trong quá trình tổ chức, thực hiện 2 gói thầu số hóa trên, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đã thực hiện hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Theo đó, các bị cáo thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội dừng gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm (mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu).
Chiêu trò “quân xanh” của Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh
Các bị cáo Tuyến, Hường thống nhất với nhà thầu trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung các nội dung, tiêu chí trong quá trình thí điểm vào hồ sơ mời thầu sửa đổi; lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định nhằm tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh tham gia, trúng thầu gói thầu số hóa năm 2016; sử dụng hồ sơ mời thầu gói thầu năm 2016 mà Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh đã trúng thầu và đang thực hiện hợp đồng để tiếp tục trúng thầu gói thầu số hóa năm 2017.
Các bị cáo còn bỏ hạng mục công việc hiệu đính theo dự toán đơn giá đã được phê duyệt vào hồ sơ mời thầu và hợp đồng kinh tế nhưng khi thanh lý, quyết toán hợp đồng vẫn áp theo đơn giá đã được phê duyệt.
Các đối tượng Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn thuộc Liên danh Nhật Cường, Đông Kinh đã gian lận trong việc lập “khống” hợp đồng chứng minh khả năng, kinh nghiệm để hợp thức hóa hồ sơ năng lực tham gia dự thầu.
Các đối tượng trên còn thiết lập các công ty làm “quân xanh” khi tham gia đấu thầu sau khi trúng thầu đã chuyển nhượng thầu trái phép.
Hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu của các bị can nêu trên làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.
Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học bị quy kết phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm trong việc thực hiện gói thầu số hóa năm 2016, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 18,3 tỷ đồng.
Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường, Bùi Quang Huy, Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với các sai pham trong việc thực hiện 2 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.
Đây là vụ án có tính chất đồng phạm, các bị cáo đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên có vai trò tương đương nhau.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, xét hành vi của nhóm đối tượng thuộc Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh thì Bùi Quang Huy là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ huy thực hiện tội phạm nên có vai trò chính trong vụ án.
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc cũng có nhiều vi phạm trong vụ án.
Mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư, người có thẩm quyền với gói thầu là Giám đốc Sở nhưng ông Chung đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.
Sau khi dừng thầu, ông Chung đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố, trong khi tới thời điểm hiện nay thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống này.
Cùng với đó, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà nội đã cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Đồng thời, Công ty Minh Hoa do vợ ông Chung làm giám đốc ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường (cơ sở xác định là hợp đồng khống) để liên danh Nhật Cường – Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.
Pháp luật | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7