Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, nội hàm trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” cho đến thời điểm này cần được hiểu mang giá trị và ý nghĩa như thế nào?
– Đây là phát biểu sớm nhất với tư cách là người đứng đầu nhà nước đặt vấn đề liên quan đến văn hoá. Mặc dù Cụ Hồ rất khiêm tốn cho rằng đó là ý kiến cá nhân thôi nhưng Cụ đã đặt vấn đề cực kỳ cơ bản về văn hoá.
Thứ nhất, Cụ cho rằng mục tiêu của văn hoá là hạnh phúc của người dân.
Thứ hai, chúng ta đứng trước thực tế là một xã hội có cả ngàn năm lịch sử, tiếp nhận văn hoá phương Đông, rồi một trăm năm thuộc địa tiếp nhận văn hoá phương Tây thì ứng xử với nó như nào? Nó có đối lập với dân tộc không? Thì Cụ Hồ nói ứng xử là tiếp thu tất cả cái hay của thiên hạ. Cũng như mối quan hệ giữa cũ và mới, thì Cụ cũng bảo tiếp thu cái hay nhất của cái cũ để xây dựng cái mới.
Thứ ba, Cụ Hồ đặt vấn đề rất sòng phẳng, văn hoá có gắn với chính trị không, đương nhiên là gắn, nhưng gắn như nào? Cụ Hồ nói nó thể hiện và tác động vào tâm lý con người. Nghĩa là vào thời điểm mới xây dựng một chính quyền mới, một nhà nước mới Cụ Hồ đã nhìn ra trước, khi đề cập đến chống tham nhũng, chống xa hoa, chống lãng phí.
Thứ tư, Cụ đặt vấn đề liên quan đến tương lai, xây dựng nền văn hoá dành cho lớp trẻ.
Nếu ta coi câu nói của Cụ Hồ gần như là cương lĩnh cho thời kỳ khởi đầu nhà nước thì nó vẫn rất thời sự cho ngày hôm nay.
Hiện nay có lẽ có cách hiểu khác nhau về câu nói “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, nhất là của những người trẻ tuổi. Chúng ta đang kỳ vọng Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này như một “Hội nghị Diên Hồng” để bàn việc chấn hưng văn hoá. Còn cá nhân ông có ý kiến thế nào?
– Tôi cho là chữ “soi đường” thể hiện rất rõ việc mỗi con người tự soi mình chứ không phải để sẵn một cái đèn pha cứ thế mà đi. Chúng ta tự chọn đường đi trên nguyên lý như Cụ Hồ đã nêu ra, là tiếp nhận cái gì? phê phán cái gì? khen ngợi cái gì?
Tất cả những điều này phù hợp với ngày nay khi chúng ta xây dựng cái mới, thái độ của chúng ta với cái cũ như nào? Chúng ta hội nhập với thế giới, đối xử với văn hoá bên ngoài như nào? Đó là bài toán mỗi người làm văn hoá, đặc biệt là các nhà quản lý văn hoá phải quan tâm đến.
Có một điều tôi muốn nói thêm là chúng ta lấy biểu tượng Hội nghị Diên Hồng bởi chúng ta coi đó là biểu hiện dân chủ của thế kỷ xa xưa. Nhưng chúng ta lại cũng phải nhớ rằng Hội nghị Diên Hồng lúc ấy có sự nhất trí cao lắm về lòng người.
Bởi vì cũng như sau này chúng ta đấu tranh giành độc lập, vấn đề của Hội nghị Diên Hồng lúc đó là “đánh hay không đánh”, thì sự đồng thuận của cả dân tộc rất cao.
Câu chuyện bây giờ không phải là “đánh hay không đánh” mà là bàn câu chuyện phát triển. Thì nó phức tạp hơn nhiều. Vì sau nó là vấn đề lợi ích. Lợi ích quốc gia, lợi ích của giới, của ngành, lợi ích cá nhân.
Cho nên đây là bài toán không đơn giản, khi chúng ta lấy ý chí của người xưa để giải quyết những vấn đề hôm nay.
Thưa ông, chúng ta nói nhiều về bản sắc văn hoá, vậy chúng ta nên giữ lại gì cái gọi là bản sắc trong thời buổi hội nhập này?
– Bản sắc dân tộc mình trên thực tế là hội nhập với thế giới ngay từ buổi đầu của lịch sử dân tộc.
Sở dĩ nhà Lý được coi là khởi đầu cho nền văn hiến quốc gia, bởi vì nhà Lý đã thực hiện một bước cực kỳ quan trọng. Nếu như trước nhà Lý thái độ đối với phương Bắc là quay lưng lại, thì đến nhà Lý ta chủ động hội nhập với phương Bắc.
Biểu hiện cụ thể bằng việc đưa đạo Khổng vào Việt Nam, lấy chữ Hán làm quốc tự để đào tạo nhân tài. Nếu không có bước đào tạo ấy thì làm sao có Tuyên ngôn độc lập: Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tức là cha ông ta từ thời nhà Lý đã dùng cái hay của thiên hạ để phục vụ cho mình. Đấy là sự lựa chọn khôn ngoan của lịch sử. Từ chỗ có chữ Hán rồi phát triển thành chữ Nôm. Sau này ta tiếp xúc với phương Tây thì có chữ quốc ngữ.
Đấy, truyền thống dân tộc là tiếp thu cái hay của thiên hạ tạo ra cái riêng của mình phục vụ cho lợi ích của mình, đồng thời đóng góp cho văn hoá chung của nhân loại. Tôi cho đấy là một thái độ khôn ngoan của dân tộc mình. Không phải tự nhiên dùng chữ Hán.
Bây giờ chúng ta có vấn đề là đánh giá di sản chữ Hán chưa đúng. Nếu không có cái chữ viết ấy thì làm sao chuyển tải được những di sản mà ngày nay chúng ta được kế thừa. Như những pho sử, những lời nói hay của tiền nhân.
Cũng như sau này văn hoá thuộc địa đã là một phần di sản của chúng ta rồi.
Nếu phải định danh văn hoá Việt Nam thời kỳ hội nhập, chúng ta nên có một tên gọi như thế nào, thưa ông?
– Hiện nay chúng ta đứng trước một thử thách rất lớn, thử thách của sự phát triển buộc chúng ta phải hội nhập với thế giới càng sâu càng tốt, nhất là về văn minh vật chất. Đương nhiên mối quan hệ giữa văn minh và vật chất rất khăng khít với nhau và rất dễ tác động với nhau.
Trong tác động bên cạnh những yếu tố tích cực có thể nảy sinh những yếu tố ta gọi là tiêu cực vì nó không thích hợp với bản sắc truyền thống của người Việt Nam.
Như tôi đã nói ở trên bản sắc văn hoá của chúng ta không xơ cứng, không cực đoan. Bản sắc không biểu hiện ở bên ngoài hình thức mà thể hiện ở việc giữ được tâm hồn ý thức và nói cho cùng là giữ được lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lúc định nghĩa văn hóa Việt Nam là sự kết hợp giữa Đông và Tây, do đặc điểm địa lý và hoàn cảnh lịch sử. Ta tiếp cận rất sớm với nền văn minh Trung Hoa hay văn minh Pháp trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt là cuộc cưỡng bức đô hộ chính trị, nhưng người Việt Nam vẫn biết cách thích ứng đến mức độ người Pháp phải đưa ra một khái quát: “Con đường đi sang Pháp là con đường chống Pháp”.
Người Việt Nam đi sang Pháp tiếp thu nền văn minh Pháp, tiếp thu cả những giá trị nhân bản của nhân loại.
Đấy chính là bản sắc của Việt Nam, là khả năng thích ứng tiếp thu làm phong phú thêm cho văn hóa của dân tộc mình, phục vụ cho mục tiêu của dân tộc mình.
Cốt lõi trong việc hoạch định chính sách văn hoá của thời kỳ này là gì, thưa ông?
– Chính sách phải được thể hiện một cách hết sức thực tiễn để tác động trực tiếp vào từng con người, là những người vừa hưởng thụ, vừa sáng tạo văn hóa. Con người vừa tạo ra văn hoá vừa tiếp thu văn hoá ấy. Con người mới quyết định văn hoá phát triển, tiến hay lùi, tốt hay xấu.
Khái niệm bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập có thể nảy sinh rất nhiều cách nhận thức khác nhau, nên cần môi trường sinh thái cho văn hoá phát triển. Đó là việc đảm bảo môi trường dân chủ thì mới tìm ra sự nhận thức đúng, hướng tới sự đồng thuận. Tôi cho rằng dân chủ là nền tảng của sáng tạo.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Còn nữa)
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet