Simone Biles, vận động viên thể dục dụng cụ hàng đầu nước Mỹ hiện nay – Ảnh: AP
Hôm 27-7, Simone Biles (24 tuổi) – một trong những vận động viên thể dục dụng cụ vĩ đại nhất nước Mỹ – gây kinh ngạc khi rút lui khỏi nội dung đồng đội vì lý do sức khỏe tinh thần. Cô cũng tuyên bố rút lui khỏi vòng chung kết cá nhân toàn năng diễn ra ngày 29-7.
Đằng sau quyết định chấn động là những tổn thương sâu xa liên quan đến lạm dụng tình dục và áp lực của một vận động viên hàng đầu thế giới. Điều này được khắc họa trong phim tài liệu Bê bối thể dục dụng cụ Mỹ (At The Heart of Gold: Inside The USA Gymnastics Scandal) năm 2020.
Chấn thương tinh thần thì hồi phục làm sao?
Simone Biles không phải là một vận động viên bình thường. Sinh năm 1997, cô đã giành đến 30 huy chương cả ở Olympic và Giải vô địch thế giới, trong đó có 5 huy chương vàng ở Olympic 2016 tại Rio de Janeiro.
Ở tuổi 24, cô là vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ giàu thành tích nhất và một trong những tên tuổi vĩ đại của môn thể thao này trên toàn thế giới.
Và Simone là một nạn nhân lạm dụng tình dục.
Simone Biles đầy kiêu hãnh trên sàn đấu nhưng bên trong mang đầy tổn thương do quá khứ bị lạm dụng tình dục – Ảnh: GETTY IMAGES
Cô không xuất hiện nhiều trong bộ phim Bê bối thể dục dụng cụ Mỹ, nhưng việc Simone lên tiếng được coi là một trong những bước ngoặt lớn của tiến trình điều tra.
Bởi cô là người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong giới thể dục dụng cụ Mỹ. Kẻ bị cô tố cáo là Larry Nassar, bác sĩ của đội tuyển và cũng là người đã lạm dụng ít nhất 265 phụ nữ và trẻ em gái.
Bằng vật lý trị liệu, trong khi điều trị cho các vận động viên nữ sau những chấn thương và cơn đau khi tập luyện, Nassar đã cho tay vào âm hộ và hậu môn của họ. Hàng trăm người, hầu hết mới mười mấy tuổi.
Simone Biles chia sẻ về nỗi ám ảnh sau khi bị lạm dụng: “Tôi giống như cực kỳ trầm cảm, tôi không muốn ra khỏi phòng, không muốn đi bất cứ đâu. Tôi gần như đóng cửa với tất cả mọi người. Việc đó thực sự khó khăn.
Tôi nói với mẹ và người đại diện rằng mình ngủ suốt. Vì ngủ tốt hơn là đi ra ngoài. Đó là cách tôi thoát khỏi thực tại. Ngủ là thứ gần giống với cái chết nhất vào thời điểm đó, nên lúc nào tôi cũng ngủ”.
Môi trường sống và tập luyện của vận động viên luôn rất khắc nghiệt, càng khắc nghiệt hơn nếu họ là nhà vô địch thế giới. Simone kể: “Nếu bị chấn thương, bạn có 4 đến 6 tuần để hồi phục. Nhưng với nỗi đau tinh thần thì sao?
Không có 4 đến 6 tuần nào hết, rất khó cho chúng tôi để xử lý nó. Không có giới hạn thời gian nào cho chấn thương tinh thần cả, nên bạn cứ phải cố gắng mỗi ngày”.
Maggie Nichols dũng cảm tố cáo Nassar vào năm 2015 nhưng thay vì được bảo vệ, cô đã bị liên đoàn loại khỏi kỳ Olympic Rio 2016 – Ảnh: INDYSTAR
Vì Nassar đã làm việc ở đội tuyển gần 18 năm, hậu quả của hành động này rất to lớn. Nhưng vào năm 2015, khi Maggie Nichols, cũng là một vận động viên xuất sắc, tố cáo ông này lạm dụng với Liên đoàn Thể dục dụng cụ Mỹ (USAG), cô đã bị “chặn họng” bởi chủ tịch Steve Penny.
Steve Penny cùng nhiều cá nhân quyền lực khác đã không bao giờ báo cảnh sát, dung dưỡng cho hành vi của Nassar vì muốn giữ danh tiếng của liên đoàn.
Báo chí Mỹ cho rằng bóng đen của bê bối tình dục này vẫn phủ kín lên đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ ở Olympic 2020. Tờ USA Today viết:
“Vụ lạm dụng tình dục của Larry Nassar đối với các vận động viên thể dục dụng cụ, bao gồm cả Simone Biles, đã diễn ra trong hàng thập kỷ. Và nó vẫn còn ảnh hưởng đến đội tuyển tại Olympic Tokyo?”.
Những cô gái bị tàn phá tâm hồn
Khoảnh khắc đầy rung động của bộ phim Bê bối thể dục dụng cụ Mỹ là khi Rachael Denhollander, một trong những nạn nhân đầu tiên tố cáo, dõng dạc hỏi trước tòa rằng liệu “toàn bộ luật pháp sẽ được dùng để bảo vệ những đứa trẻ vô tội khỏi sự tàn phá tâm hồn mà tấn công tình dục mang lại? Tôi xin nói rằng trẻ em xứng đáng với mọi thứ”.
Thủ phạm Larry Nassar cúi gằm khi nghe những lời này.
Rachael Denhollander (phải), một trong những nạn nhân lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại thủ phạm Larry Nassar – Ảnh: SCREEN RANT
Cũng tại phiên tòa đầy cảm xúc đó, khi hàng loạt nạn nhân đứng lên và đưa ra tuyên bố của mình, Nassar đã bị tuyên án hai lần 60 năm tù, và nhận “những lời mắng nhiếc đủ nhiều cho cả một thế kỷ”.
Nhà báo điều tra Mark Alesia của The Indianapolis Star, một trong những người đưa sự việc ra ánh sáng, nói: “Mọi người không nhận ra rằng đây đều là những trải nghiệm tình dục đầu tiên của các cô gái. Khi anh lấy đi khả năng yêu thương và bày tỏ tình yêu từ ai đó, vứt bỏ hoặc chà đạp nó, thì tâm lý của họ bị ảnh hưởng nặng nề lắm”.
Câu nói này thay lời cho những nạn nhân như Simone Biles, những người vì quá tổn thương, rất khó bày tỏ hết những tàn phá tâm lý mà trải nghiệm đau đớn này mang lại. Hầu hết nạn nhân đều bị tấn công, lạm dụng khi mới mười mấy tuổi, bởi những kẻ quyền lực hơn và có quyền quyết định sự nghiệp thi đấu quốc tế của họ.
Simone Biles nhận được vô vàn lời động viên vì giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần – Ảnh: REUTERS
Sức mạnh của câu nói “Không!”
Báo chí Mỹ ca ngợi việc Simone Biles rút lui, đồng nghĩa với từ bỏ những vinh quang cá nhân tại Olympic, để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình.
Theo New York Times, hành động này thể hiện sức mạnh của câu nói “Không!”, thay vì cổ vũ những giá trị suốt hàng chục năm qua của thể dục dụng cụ Mỹ như “hy sinh” và “hoàn hảo”.
Hàng trăm cô gái tuổi teen đã ngậm ngùi im lặng khi bị lạm dụng, tấn công tình dục, phải chịu những sức ép kinh hoàng để hướng tới sự vĩ đại. Nhưng sau hành động đầy ảnh hưởng của Simone Biles, có thể họ sẽ được truyền cảm hứng để nói “Không!” khi cần.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed