Theo đó, người đứng đầu nội các và các thành viên nội các phải kê khai chi tiết các tài sản như từng loại bất động sản, cổ phiếu và các doanh nghiệp mà mình sở hữu cổ phiếu, các tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng… cũng như tài sản của vợ, con (trừ trường hợp con đã trưởng thành và có cuộc sống độc lập).
Quy định này cũng yêu cầu các thành viên phải kê khai chi tiết đến từng loại bất động sản, các doanh nghiệp mình sở hữu cổ phiếu và số lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Cả khi nhậm chức cũng như khi mãn nhiệm đều phải công khai việc kê khai. Có như vậy người dân mới biết được trong thời gian nhậm chức, tài sản của các quan chức Chính phủ đã thay đổi ra sao.
Việc Nhật Bản áp dụng chế độ công khai tài sản đối với các thành viên nội các trong gần 25 năm qua là một mô hình đáng để học hỏi, đặc biệt đối với các quốc gia đang nỗ lực tăng cường chỉ số minh bạch và đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng như Việt Nam.
Hệ thống này không chỉ là biện pháp quản lý mà còn là một cách xây dựng lòng tin giữa chính quyền và người dân. Ý nghĩa của việc công khai tài sản của Chính phủ Nhật Bản, việc yêu cầu người đứng đầu và các thành viên nội các công khai chi tiết tài sản trước và sau nhiệm kỳ có nhiều tác động tích cực.
Trước hết, nó giúp tăng cường hơn nữa sự minh bạch, tạo điều kiện để người dân giám sát các hoạt động của quan chức chính phủ. Bằng cách so sánh tài sản ở thời điểm nhậm chức và mãn nhiệm, công chúng có thể đánh giá liệu có sự bất thường trong tài sản của các quan chức hay không.
Đây cũng là cách để hạn chế tham nhũng từ gốc rễ, giúp các quan chức không muốn, không dám và không thể lợi dụng quyền lực để trục lợi.
Ngoài ra, việc công khai tài sản của cả gia đình (vợ và con) của các vị quan chức cũng được cho là một điểm đặc biệt, nhằm ngăn chặn tình trạng “rửa tiền” hay ngăn các vị quan chức chính phủ chuyển tài sản bất hợp pháp mà họ có được sang tên cho người thân.
Chính quy định này đòi hỏi sự trung thực và tính liêm chính từ các quan chức, đồng thời đặt ra áp lực lớn đối với những người muốn lợi dụng vị trí công quyền để mưu lợi cá nhân.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tôi cho rằng có một số bài học quý giá mà chúng ta có thể nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc thiết lập và thực thi chế độ công khai tài sản ở ta, cụ thể như:
Xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch: Việt Nam cần có các quy định chi tiết và chặt chẽ về việc kê khai tài sản, bao gồm các loại tài sản cần khai báo (bất động sản, cổ phiếu, tài khoản ngân hàng…), phạm vi khai báo (bao gồm vợ, chồng, con chưa trưởng thành, độc lập). Tiếp đó là quy trình xử lý khi phát hiện bất thường.
Thiết lập cơ quan giám sát độc lập: Để đảm bảo việc kê khai tài sản được thực hiện nghiêm túc, cần có một cơ quan độc lập với quyền hạn rõ ràng để kiểm tra, xác minh và công bố thông tin. Cơ quan này cần hoạt động công khai và chịu sự giám sát của Quốc hội hoặc các tổ chức xã hội dân sự.
Tăng cường trách nhiệm giải trình: Khi có sự thay đổi lớn về tài sản trong nhiệm kỳ, quan chức cần có trách nhiệm giải trình rõ ràng và công khai trước công chúng. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch mà còn thúc đẩy trách nhiệm đạo đức trong đội ngũ lãnh đạo.
Áp dụng công nghệ số: Việc công khai tài sản có thể được số hóa, tạo thành cơ sở dữ liệu trực tuyến để người dân dễ dàng truy cập. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tăng cường khả năng giám sát của công chúng.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức: Một trong những yếu tố quan trọng là thay đổi nhận thức xã hội. Cần giáo dục và tuyên truyền để người dân hiểu rằng việc công khai tài sản không phải chỉ để “tố giác” mà là một biện pháp quan trọng nhằm xây dựng một chính phủ minh bạch, liêm chính.
Tại Việt Nam, cũng đã có không ít trường hợp quan chức cấp cao bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc do vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập mà gần đây nhất là trường hợp của ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Cụ thể, tháng 10/2023, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và báo cáo của Bộ Chính trị, cho thấy: Ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre – NV).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu triển khai cơ chế này tại Việt nam một cách triệt để và tương tự như cách Nhật Bản đã làm, ít nhiều chúng ta cũng sẽ gặp phải một số thách thức như:
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, quan chức: Việc yêu cầu công khai tài sản có thể gặp phải sự phản đối từ một bộ phận cán bộ do lo ngại về quyền riêng tư hoặc vì tài sản không minh bạch.
Cơ chế giám sát chưa đầy đủ, hoàn thiện: Hiện Việt Nam đã có quy định về kê khai tài sản, nhưng vẫn thiếu cơ chế giám sát độc lập, để tiến tới xử lý nghiêm và hiệu quả.
Tuy vậy, nếu nhìn vào kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng ta có thể thấy rõ giá trị của việc công khai tài sản trong việc xây dựng một Chính phủ minh bạch và liêm chính.
Đây không chỉ là một biện pháp chống tham nhũng mà còn là cách để củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền.
Để thực hiện điều này, Việt Nam cần có một lộ trình cụ thể, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đến nâng cao ý thức của cả quan chức và người dân. Chỉ khi đó, những cải cách về minh bạch và liêm chính mới thực sự mang lại hiệu quả.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Leave a Reply