Kết luận điều tra của Bộ Công an mới ban hành về vụ án xảy ra ở Bắc Ninh thể hiện, nhóm Công ty Sông Hồng và nhóm Công ty AIC đặt vấn đề “xin vốn Trung ương” cho 6 dự án bệnh viện tại Bắc Ninh và đổi lại, họ được tham gia thầu, trúng mỗi bên 3 dự án.
Người từ hai doanh nghiệp này sau đó đưa hối lộ cho loạt cán bộ tỉnh Bắc Ninh gồm Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh và Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh (Ban Quản lý).
Trong vụ án, ông Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị can Nguyễn Tiến Nhường (còn gọi Nguyễn Văn Nhường), cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Kết luận điều tra thể hiện năm 2014, Chính phủ bổ sung vốn cho 6 dự án mua sắm thiết bị tại 6 bệnh viện huyện ở Bắc Ninh. Bị can Trần Văn Tuynh lên gặp Nguyễn Tiến Nhường – khi đó phụ trách xây dựng cơ bản, để báo cáo việc các lãnh đạo tỉnh Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh đã đồng ý cho nhóm Công ty Sông Hồng, AIC tham gia, trúng thầu.
Lý do, đây là đơn vị có quan hệ từ trước với tỉnh và: “Đã tác động các Bộ, Ngành Trung ương để xin được nguồn vốn bổ sung từ Chính phủ cho các gói thầu”. Bị can Tuynh đề nghị ông Nhường ký phê duyệt sớm các thủ tục triển khai đầu tư mua sắm để có cơ sở duyệt chi từ nguồn vốn được phân bổ.
Do thấy các ông Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh đã đồng ý nên ông Nhường liền ký các văn bản phê duyệt để Ban Quản lý trình UBND tỉnh phê duyệt, bố trí vốn cho các gói thầu, đảm bảo cho nhóm Công ty Sông Hồng và Công ty AIC trúng thầu theo hướng “chia đều”, mỗi bên 3 huyện.
Bị can Nguyễn Nhân Chiến khai, việc xin cấp vốn từ Trung ương rất khó khăn, tỉnh Bắc Ninh nếu có đề xuất cũng chỉ được “cung cấp nhỏ giọt”, không đủ mua sắm thiết bị y tế. Trước đó, đã có thông lệ về việc đơn vị, cá nhân nào hỗ trợ tỉnh xin vốn, sẽ được tạo điều kiện cho trúng thầu.
Vì vậy, khi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ Công ty AIC và nhóm Công ty Sông Hồng đề xuất xin vốn cho tỉnh, ông Chiến đồng ý và yêu cầu báo cáo Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Tiến Nhường để thực hiện và thực tế, sự việc có “sự đồng thuận trong lãnh đạo tỉnh”.
Bị can Trần Văn Tuynh (em trai một cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) cũng khai, ông Nguyễn Tiến Nhường là Phó Chủ tịch tỉnh, phụ trách xây dựng cơ bản nên là người phê duyệt các thủ tục đầu tư mua sắm.
Do vậy, Tuynh báo cáo lại việc “tạo điều kiện” cho nhóm Sông Hồng, AIC và được ông Nhường đồng ý, chỉ đạo lại: “Về làm hồ sơ trình các Sở, Ngành để Nhường ký các quyết định phê duyệt”.
Sau khi trúng thầu, nhóm Công ty Sông Hồng đưa 6,5 tỷ đồng cho Trần Văn Tuynh. Ông ta “biếu” lại cho Nguyễn Nhân Chiến và Nguyễn Tử Quỳnh mỗi người 1 tỷ đồng; cho Nguyễn Hạnh Chung 500 triệu đồng.
Với Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Nhường, bị can Tuynh nhiều lần tới phòng làm việc trong các năm 2015 – 2017, tặng quà mỗi lần từ 10 – 20 triệu đồng, tổng 100 triệu. Năm 2020, khi ông Nhường chuẩn bị rời ghế Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trần Văn Tuynh đến gặp, biếu “quà nghỉ hưu” 200 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Nhường còn nhiều lần nhận quà từ người của Công ty AIC, tổng số 450 triệu đồng. Cơ quan điều tra cho rằng, ông Nhường có hành vi lợi dụng chức vụ, tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp trúng thầu sai quy định, góp phần gây thiệt hại 48 tỷ đồng và qua đây, vị này được hưởng lợi bất chính tổng cộng 750 triệu đồng.
Quá trình điều tra, ông Nhường cho hay nhận thức việc làm của mình trái quy định pháp luật. Vì Nguyễn Nhân Chiến và Nguyễn Tử Quỳnh đã đồng thuận, thống nhất cho các Công ty Sông Hồng, AIC trúng thầu nên “là cấp dưới”, ông Nhường buộc phải đồng ý và thực hiện theo. Vị này và gia đình đã tự nguyện nộp lại 750 triệu đồng hưởng lợi bất chính để khắc phục hậu quả vụ án.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày