Tình hình ung thư ở Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo số liệu tại Hội nghị Ung thư Quốc gia về phòng chống ung thư năm 2022, số ca mắc mới đã tăng gần gấp 3 lần trong hai thập kỷ qua, từ 68.000 ca vào năm 2000 lên hơn 180.000 ca vào năm 2022 và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Ung thư đang là gánh nặng bệnh tật đối với Việt Nam và người bệnh. Quá trình điều trị ung thư thường kéo dài khiến cho không ít bệnh nhân bỏ cuộc đi chữa bệnh bằng phương pháp không chính thống khác, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Ung thư phổi di căn não vì làm điều này
Bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận một nữ điều dưỡng trên 52 tuổi được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng khá nặng. Bệnh nhân mất ý thức, ung thư di căn não và nhiều bộ phận, cơ quan khác.
Sau khi bệnh nhân được đưa vào cấp cứu, các bác sĩ đã thăm khám và nhận định bệnh nhân có tiên lượng điều trị dè dặt, không thể điều trị can thiệp cho bệnh nhân.
Trước đó, nữ bệnh nhân này được chẩn đoán mắc ung thư phổi, đã điều trị hóa chất, xạ trị và có tình trạng sức khỏe ổn định trong nhiều năm.
Mấy tháng trước, tế bào ung thư tái phát gây tràn dịch màng phổi, bác sĩ chỉ định điều trị hóa chất nhưng bệnh nhân bỏ dở, xin ra viện sớm. Khi về nhà, người bệnh đã thực hiện “nhịn ăn chữa lành” với mong muốn “trị” bệnh.
Theo chia sẻ của gia đình, nữ điều dưỡng hy vọng “hấp thu năng lượng đất trời” để “chữa khỏi” ung thư hoặc khiến khối u teo nhỏ lại. Một tháng điều trị, cơ thể bệnh nhân suy kiệt, giảm 10kg, bệnh tiến triển lan rộng, tế bào ung thư di căn lên não gây mất trí nhớ.
Nguy cơ khi điều trị ung thư bằng phương pháp không chính thống
“Đây là một trường hợp khá đáng tiếc. Khi bệnh nhân vào viện, các nhân viên y tế đều thở dài, tiếc cho cơ hội điều trị của bệnh nhân”, bác sĩ Cảnh chia sẻ.
Bác sĩ Cảnh cho biết trước đó bệnh viện cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, ung thư di căn khắp nơi sau khi áp dụng những phương pháp chữa bệnh không đúng khoa học như: “nhịn ăn chữa lành” để điều trị ung thư, thiền, dùng thảo dược,…
Chuyên gia ung bướu khẳng định, các phương pháp ngồi thiền, dùng thảo dược, nhịn ăn để “chữa” ung thư đều đi ngược với các biện pháp điều trị chính thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh và gia đình nên tỉnh táo trước khi quyết định áp dụng bất cứ phương pháp truyền miệng nào trong điều trị ung thư.
Đối với bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư, mọi người cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý tới vấn đề dinh dưỡng để giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong do ung thư.
Kenh13 – Tổng hợp tin tức giải trí xa hội mới nhất 24h
Nguồn: Sưu Tầm internet