Ngày 27/7, sau cơn mưa lớn kéo dài, nước từ các dự án trên đồi kéo theo cát đỏ tràn xuống đường Nguyễn Thông, thuộc phường Phú Hài, TP. Phan Thiết , Bình Thuận .
Lượng cát đỏ cao gần 1 m, kéo dài khoảng 20 m trên đường Nguyễn Thông khiến các phương tiện lưu thông từ Phan Thiết ra Mũi Né không thể di chuyển. Cát đỏ còn tràn vào nhà dân, quán ăn ven đường, vùi lấp bàn ghế…
Lực lượng chức năng phường Phú Hài đã có mặt tại hiện trường, điều tiết các phương tiện lưu thông lên đường Võ Nguyên Giáp để ra hướng Hàm Tiến – Mũi Né.
Xe múc, xe ủi cũng được lực lượng chức năng huy động đến hiện trường để múc lớp cát đỏ trên mặt đường đổ lên các xe ben để dọn dẹp cát tràn. Lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết cũng đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên, Phan Thiết xảy ra sự cố sạt lở cát . Trước đó, cơn mưa lớn đầu mùa kéo dài trong đêm 20/5, rạng sáng 21/5 đã cuốn trôi một lượng lớn cát đỏ từ trên đồi cao tràn xuống 2 đoạn đường thuộc phường Mũi Né và Hàm Tiến (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) vùi lấp nhiều căn nhà, ô tô; giao thông bị tê liệt nhiều giờ.
Đến sáng 21/5, hàng trăm hộ dân cư ngụ trên đoạn đường ven biển Mũi Né bì bõm lội trong bùn đỏ để di chuyển sau khi tuyến đường giao thông bị vùi lấp.
Theo thống kê của UBND TP Phan Thiết , tại phường Hàm Tiến, cát tràn xuống vùi lấp 150 m đường giao thông, 5 xe máy. Có 5 căn nhà bị cát vùi lấp đến nửa nhà. Lũ cát đã để lại lớp bùn đỏ dày khoảng 1 – 1,5m trên mặt đường.
Tại phường Mũi Né, cát tràn xuống làm ngập 2 xe chở khách của nhà xe Hạnh Cà Phê (1 xe 52 chỗ ngồi và 1 xe 16 chỗ ngồi); vùi 4 xe máy. Lũ cát tràn vào 2 nhà hàng, làm sập tường nhà 1 hộ dân và làm hư hỏng nhiều đồ dùng trong gia đình.
Khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng thuộc khu phố 2 (phường Mũi Né), cát từ dự án Sentosa trên đồi tràn xuống, để lại lớp bùn đỏ có độ dày từ 0,5 – 1 m suốt đoạn đường dài 350 m khiến giao thông qua khu vực này bị tê liệt. Đường Nguyễn Đình Chiểu cũng bị lũ cát tràn xuống vùi lấp khoảng 150 m gây ách tắc giao thông.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, quá trình thực hiện nhiệm vụ về phòng chống thiên tai năm 2024 thuộc chức năng chuyên ngành, Sở Xây dựng đã lập danh mục 14 dự án có nguy cơ sạt lở trên địa bàn và liên tục có nhiều công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư dự án chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn các công trình xây dựng trong mùa mưa bão.
Hồi cuối tháng 4, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai tại một số dự án ven biển trên địa bàn; yêu cầu các chủ dự án chủ động rà soát, hoàn thiện phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố khi mưa lũ, thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình xây dựng.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu rà soát hồ sơ thiết kế của các công trình, hạng mục công trình thuộc dự án phải có giải pháp bảo vệ môi trường, phương án ứng phó an toàn cho người, công trình và phương tiện. Thành lập tổ (đội) lực lượng ứng phó sự cố nhanh tại chỗ để chủ động tổ chức xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các khu dân cư ven biển mỗi khi có mưa lớn xảy ra.
Kenh13 – Tổng hợp tin tức giải trí xa hội mới nhất 24h
Nguồn: Sưu Tầm internet