Ngày 24/7, phiên sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo khác trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC bước sang ngày làm việc thứ 3.
Trước khi diễn ra phiên tòa, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros trong phiên chào sàn tới phiên tòa với tư cách bị hại.
Cùng với đó, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS cũng được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tại tòa hôm nay, một số nhà đầu tư đã có ý kiến liên quan.
Cụ thể, ông Lưu Q.H (Thanh Xuân, Hà Nội) trình bày, ông mua cổ phiếu ROS từ khoảng năm 2019 – 2020, mua dần dần để tăng khối lượng cổ phiếu và hiện ông còn nắm giữ 150.000 cổ phiếu ROS.
Có bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trịnh Văn Quyết để bị cáo này sớm được trở về, tiếp tục kinh doanh nhằm không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Ảnh: XA
Ông H nói những người đang nắm giữ cổ phiếu ROS hiện nay mới là những người chịu thiệt hại trực tiếp từ vụ án. Ông này đề nghị tòa xem xét giải quyết cho ông và các bị hại. Cùng với đề nghị đó, ông H cũng mong “bị cáo Trịnh Văn Quyết khắc phục cho chúng tôi, những người không còn nhu cầu nắm giữ bằng cách mua lại cổ phiếu ROS”.
Với ông Lê Ngọc N (SN 1978, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, được triệu tập đến tòa với cả tư cách bị hại và người liên quan, hiện nắm giữ hơn 667.000 cổ phiếu), ông trình bày mua cổ phiếu ROS qua sàn chứng khoán HOSE, khi đó cổ phiếu ROS nằm trong rổ VN30.
Rổ VN30 gồm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa, thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE nên ông cũng như các nhà đầu tư khác tin tưởng mua. Ông N mong muốn được bồi thường thiệt hại cả về vật chất và tinh thần.
Còn ông Vũ Xuân H (SN 1962, ở Long Biên, Hà Nội) cho biết, ông hiện còn sở hữu 1.300 cổ phiếu của công ty này (ông mua cổ phiếu ROS từ năm 2018, 2019).
Ông Hoàng cho hay, khi mua cổ phiếu của ROS ông không hề quen biết ông Quyết. Ông đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết sớm được về tiếp tục sản xuất kinh doanh, để không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư còn đang nắm giữ cổ phiếu.
Các bị hại cho rằng, dễ dàng nhất là để bị cáo Trịnh Văn Quyết đứng lên giải quyết hậu quả cho các nhà đầu tư. Ảnh: Đỗ Trung
Một người khác là ông Võ Tây N (ở TP.HCM) trình bày, năm 2022 ông mua cổ phiếu ROS, hiện còn nắm giữ 200.000 cổ phiếu. Ông này yêu cầu được bồi thường thiệt hại và đưa ra hai cách giải quyết mong tòa xem xét:
Thứ nhất, để bị cáo Trịnh Văn Quyết bồi thường cho các nhà đầu tư; Thứ hai, có thể xem xét để cổ phiếu ROS tiếp tục được niêm yết.
Cũng với mong muốn được giải quyết bồi thường, một nhà đầu tư khác cho rằng dễ dàng nhất là để ông Trịnh Văn Quyết đứng lên giải quyết hậu quả cho các nhà đầu tư.
Theo cáo trạng, từ 2017 – 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu: AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Em gái bị cáo Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh…
Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Như với mã HAI, các bị can đẩy giá từ 3.700 đồng/cổ lên tới 22.500 đồng/cổ trước khi bán tháo, thu lợi bất chính 238 tỷ đồng, cáo trạng nêu.
Tổng cộng, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thu lời bất chính 723 tỷ đồng khi thổi giá 5 mã chứng khoán trên. Tuy nhiên, do hành vi thao túng cổ phiếu AMD, thu lợi bất chính 39 tỷ đồng xảy ra năm 2017, trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực nên cơ quan tố tụng không xử lý. Vì vậy, ông Quyết và đồng phạm bị cáo buộc thu lời bất chính hơn 684 tỷ đồng khi thao túng các mã: HAI, GAB, FLC, ART.
Về cáo buộc thứ 2 đối với Trịnh Văn Quyết, Viện kiểm sát cho rằng vị này còn nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FCL Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày