Kể từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (sóng 2G). Nếu chỉ hỗ trợ duy nhất công nghệ mạng 2G, các mẫu máy di động sẽ không còn sử dụng được sau thời điểm 16/9.
Vẫn còn 11 triệu thuê bao 2G trước giờ tắt sóng
Từ cuối năm 2023, các nhà mạng đã thực hiện những bước đầu tiên để tắt sóng 2G. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, toàn thị trường vẫn còn khoảng 11 triệu thuê bao 2G, tức là những người sử dụng chỉ dùng thiết bị đầu cuối là điện thoại 2G. Con số này là khá lớn khi chỉ còn khoảng 2 tháng là đến thời điểm ngừng cung cấp dịch vụ 2G cho người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, việc dừng toàn bộ các thiết bị đầu cuối này trong khoảng thời gian 2 tháng là áp lực rất lớn. Để đạt mục tiêu, quan trọng nhất là phải thông tin đầy đủ cho người sử dụng biết, đồng hành cùng doanh nghiệp.
“Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đây là những khu vực người sử dụng chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ. Việc chuyển đổi sang những mẫu điện thoại, dù chỉ là phím bấm 4G với nhóm đối tượng này cũng khó khăn hơn những người ở khu vực thành phố, đồng bằng. Công tác truyền thông tới người dùng tại đây cần được thực hiện mạnh mẽ hơn từ nay đến 15/9/2024”, ông Nhã cho hay.
Để làm điều đó, các doanh nghiệp cần có giải pháp truyền thông, thông qua tin nhắn, kênh bán hàng. Các Sở TT&TT cũng cần xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND các tỉnh, thành phố sử dụng các nguồn quỹ phù hợp trên địa bàn để truyền thông và hỗ trợ người dùng chuyển đổi thiết bị sang điện thoại 4G.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, sau khi tắt sóng 2G, đến tháng 9/2028 sẽ tắt sóng 3G tại Việt Nam để dành tài nguyên cho các công nghệ mới.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử cho rằng, bên cạnh việc tắt sóng 2G với hạn chót là ngày 15/9/2024 thì vấn đề tắt sóng 3G cần được đặt ra, bởi nhiều quốc gia cũng đã thực hiện tắt sóng công nghệ này.
Hiện nay, việc tắt sóng 2G, 3G cũng đang diễn ra tại châu Âu và Bắc Mỹ. Các nước đang phát triển cũng nhanh chóng bắt kịp khi thói quen người dùng thay đổi, dẫn đến nhu cầu kết nối nhanh hơn như 4G, 5G.
“Tại châu Á – Thái Bình Dương, làn sóng 5G đầu tiên đã có mặt tại Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand, tiếp đến là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Tại Việt Nam, nhà mạng cũng đã thực hiện tắt sóng 3G để đảm bảo hiệu quả vận hành mạng lưới và dành tài nguyên cho công nghệ mới”, ông Đoàn Quang Hoan nêu dẫn chứng.
Các chuyên gia lý giải, công nghệ cũ như công nghệ 2G đã 30 tuổi và 3G gần 20 năm tuổi hiện là những công nghệ lỗi thời và mạng cần được hiện đại hóa. Công nghệ 4G, 5G và sắp tới 6G là sự phát triển tiếp theo của mạng di động và cung cấp các tùy chọn tối ưu hóa bao gồm tốc độ nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và hiệu quả hoạt động tốt hơn. Các mạng 2G, 3G được thiết kế để sử dụng dữ liệu cơ bản và thoại, công nghệ ngày nay đã sớm vượt xa khả năng này và các công nghệ cũ cũng không thể hỗ trợ các ứng dụng dữ liệu tốc độ cao như truyền phát video và các công nghệ mới nổi như Internet of Things (IoT).
Người dân cần chuẩn bị gì khi tắt sóng 2G?
Việc hạ tầng internet, trong đó có công nghệ sóng di động buộc phải nâng cấp để đáp ứng công nghệ mới là xu thế không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với 11 triệu thuê bao 2G, trong đó đa số là những người thiếu kỹ năng công nghệ và điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn lực nào có thể giúp họ nâng cấp thiết bị di động?
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, điều người dân cần nhất hiện nay là thông tin. Người sử dụng cần nắm bắt thông tin đầy đủ về lợi ích và các việc cần thực hiện khi chuyển đổi. Khi nắm được đầy đủ thông tin, sẽ có sự đồng lòng, đồng thuận giữa người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ. Người dùng cũng cần nắm bắt các thông tin về việc hỗ trợ kinh phí của nhà mạng khi chuyển đổi thiết bị đầu cuối.
“Chương trình Quỹ Viễn thông công ích giai đoạn 2021 – 2025 cũng có đề cập tới nội dung này. Từ góc độ Bộ TT&TT, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng nghị định để triển khai Quỹ Viễn thông công ích. Quỹ Viễn thông công ích không chỉ phục vụ dừng công nghệ 2G, mà còn có mục tiêu lớn hơn là hỗ trợ các nhà mạng triển khai hạ tầng công nghệ 4G tại các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi sang điện thoại thông minh”, ông Nguyễn Phong Nhã thông tin thêm.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, nguồn lực chính để giúp người dân chuyển đổi thiết bị sẽ đến từ các doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ, từ miễn phí sử dụng dịch vụ dữ liệu trong một khoảng thời gian, cho đến hỗ trợ người dùng mua thiết bị đầu cuối để họ có cơ hội tiếp cận những mẫu điện thoại có công nghệ mới hơn. Khi chuyển đổi từ điện thoại 2G lên máy 4G trở lên, ngoài các dịch vụ truyền thống như thoại, nhắn tin, người sử dụng còn được tiếp cận các dịch vụ trên nền mạng Internet. Thông qua đây, người dùng có thể sử dụng các dịch vụ hành chính công và có cơ hội làm quen với các dịch vụ số”, ông Nhã cho hay.
Chia sẻ về công tác thông tin tuyên truyền tắt sóng 2G đến người dân, ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT cho biết, ngay trong tháng 7 này, Cục sẽ phối hợp với lực lượng thông tin cơ sở tại các địa phương để tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác trên địa bàn.
Cả nước hiện có khoảng 220.000 tuyên truyền viên cơ sở, đây là lực lượng truyền tải thông tin đến từng người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, tháng 7/2024 cũng thiết lập và đưa vào sử dụng kênh Zalo OA thông tin cơ sở, đưa thông tin trực tiếp đến người dân.
Tắt sóng 2G là cơ hội để nhiều người sử dụng di động tiếp cận thông tin qua Internet, học tập các kỹ năng số để hình thành xã hội số, nền kinh tế số. Tuy vậy, người dùng cũng cần lưu ý, tìm hiểu kỹ, chính xác khi sử dụng các dịch vụ mới để tránh gặp phải những hệ lụy không đáng có.
Kenh13 – Tổng hợp tin tức giải trí xa hội mới nhất 24h
Nguồn: Sưu Tầm internet