Xin tiền không được, nam thanh niên dùng cây gỗ đánh bác ruột tử vong
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 17/7, Công an quận 11, TP.HCM đã bắt giữ Vũ Hoài Nam (SN 2001) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là ông Vũ Quý L (SN 1955), Nam là cháu ruột của ông L.
Trước đó, khoảng 20h30 ngày 14/7, ông Vinh (SN 1963, ngụ phường 10, quận 11) đến Công an phường 10 trình báo về vụ việc phát hiện ông L (anh ruột của ông Vinh) tử vong tại cầu thang trong nhà trên đường Xóm Đất.
Nhận tin báo, Công an quận 11 đã được huy động lực lượng có mặt tại hiện trường, phong tỏa, khám nghiệm điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Tại hiện trường, trên đỉnh đầu của nạn nhân có vết thương, hai cánh tay có vết bầm, rách da nghi có tác động ngoại lực dẫn đến tử vong.
Qua trích xuất camera, công an xác định Vũ Hoài Nam, cháu ruột của ông L sống cùng địa chỉ là đối tượng gây án. Sau đó, Nam đã tẩu thoát khỏi hiện trường.
Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11 xác định Nam đang lẩn trốn tại khu vực quận 5 nên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, Phòng PA06 Công an TP.HCM rà soát quán ăn, nhà hàng, khách sạn, chung cư…
Tại bãi xe chung cư trên đường Phan Văn Trị, quận 5, cảnh sát phát hiện chiếc xe máy của Nam đang để lại tại đây. Ập vào kiểm tra căn hộ chung cư Phan Văn Trị, phường 2 (quận 5), cảnh sát đã bắt giữ Nam.
Tại cơ quan công an, Nam khai nhận do xin tiền bác ruột là ông L không cho nên xảy ra mâu thuẫn. Nam đã dùng cây gỗ đánh vào đầu nạn nhân gây tử vong.
Chồng đâm vợ tử vong rồi tự tử bất thành
Ngày 17/7, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Văn Đen (SN 1973, ngụ xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) về tội giết người.
Trước đó, vào ngày 14/7, Đen và vợ là H.T.N.B (SN 1976) xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Sau đó Đen đã đóng của phòng và dùng dao đâm bà B. tử vong.
Sau khi gây án, Đen đã tự tử nhưng được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng.
Qua làm việc, Đen khai nhận do vợ cờ bạc thiếu nợ nên bán tài sản gia đình dẫn đến cự cãi.
Bắt lái xe vụ va chạm ô tô tải và xe máy, 4 người tử vong ở Hà Nội
Ngày 17/7, thông tin từ Công an TP.Hà Nội, liên quan vụ va chạm ô tô tải và xe máy, 4 người tử vong, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam lái xe Đàm Văn Lương (SN 1986, HKTT: Cách Linh, Quảng Hoà, Cao Bằng) để điều tra, xử lý về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Công an huyện Hoài Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam lái xe Đàm Văn Lương. Ảnh: CAHN
Về diễn biến vụ việc, theo cơ quan điều tra, khoảng 11h ngày 16/7, tại ngã tư giao cắt giữa đường ĐH05 và đường Ba Chàng, thuộc xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô tải BKS 88H-288.49 do Đàm Văn Lương điều khiển với xe ô tô tải BKS 29C-597.75. Sau đó, xe ô tô tải BKS 29C-597.75 văng vào xe mô tô do chị H (SN 1992; HKTT: Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) điều khiển, chở theo 3 người con (1 con gái SN 2011, 1 con gái SN 2014 và 1 con trai SN 2016) và ép xe mô tô cùng 4 người trên xe vào thành cầu, ngay vị trí ngã tư.
Hậu quả, 4 mẹ con chị H tử vong tại chỗ; lái xe tải BKS 29C-597.75 bị thương, được đưa đi cấp cứu (hiện sức khỏe ổn định).
Sau khi xảy ra tai nạn, Đàm Văn Lương rời khỏi hiện trường. Đến 23h45′ cùng ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện và đưa Đàm Văn Lương về Công an huyện Hoài Đức làm việc, khi đối tượng đang lẩn trốn tại 1 nhà nghỉ, trên địa bàn xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Qua xét nghiệm, Đàm Văn Lương dương tính với ma túy.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, khởi tố bị can và tạm giam đối với Đàm Văn Lương.
Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Hoài Đức khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật.
Vụ buôn lậu hơn 6 tấn vàng về Việt Nam: Người cầm đầu đường dây bị đề nghị 17 – 18 năm tù
Chiều 17/7, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử 24 bị cáo trong vụ buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia vào Việt Nam.
Sau khi luận tội, VKSND TP.HCM đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng 17-18 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) 15-16 năm tù, Nguyễn Thị Thúy Hằng 10-11 năm tù, Trần Thanh Thắng 12-13 năm tù; và 19 đồng phạm còn lại từ 5-14 năm tù về cùng tội “buôn lậu”.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính; tịch thu tiền, vàng thu giữ trong quá trình khám xét liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo và số tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả; kê biên phong tỏa tài sản trong vụ án để đảm bảo việc thi hành án.
Theo đại diện VKS, dựa vào hồ sơ vụ án và xét hỏi tại tòa có đủ căn cứ xác định cáo trạng của VKSND tối cao truy tố 24 bị cáo về tội buôn lậu là đúng người, đúng tội.
Các bị cáo đều là người hiểu biết, nhận thức được hành vi pháp luật nhưng vì kiếm lời đã tham gia đường dây buôn lậu vàng với những nhiệm vụ, vai trò khác nhau và phân công cụ thể. Trong đó, số lượng vàng lớn với hơn 6 tấn trị giá hơn 8.000 tỷ đồng.
VKS khẳng định, việc buôn lậu vàng ngày càng phức tạp, hành vi của các bị cáo đã gây tác hại xấu đến sự ổn định phát triển ngành vàng; đồng thời ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong việc kinh doanh vàng.
Các bị cáo có nộp tiền khắc phục nhưng không đáng kể với hậu quả vụ án mà các bị cáo gây ra, nên cần xử lý nghiêm mới có có tác dụng cải tạo, răn đe. Bên cạnh đó, cũng cần phân hóa rõ vai trò của các bị cáo để có mức án phù hợp. Do đó, cần có bản án phù hợp để nghiêm trị bị cáo vai trò chính, cầm đầu và giảm nhẹ với những bị cáo thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả; thừa nhận hành vi phạm tội.
Cáo trạng thể hiện, Nguyễn Thị Minh Phụng từng làm nhân viên tiệm vàng, kinh doanh vàng bạc, thu đổi ngoại tệ và quen biết nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực kim hoàn tại TP.HCM, Tây Ninh và Campuchia.
Năm 2022, Phụng điều hành đường dây mua bán vàng thỏi nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam. Phụng là người tiếp nhận nhu cầu của khách hàng trong nước và liên hệ với các đối tượng tại Campuchia để đặt hàng.
Bị can này giao Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi) tổ chức vận chuyển tiền và vàng qua biên giới. Theo cáo trạng, đường dây này hoạt động chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ.
Lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới, nhóm người của Giàu cất giấu vàng dưới sàn xe ba gác chở đá lạnh để đưa qua biên giới.
Theo điều tra, từ ngày 3/8/2022 đến 28/9/2022, Phụng đã buôn lậu 4.830kg vàng thỏi, trị giá 6.644 tỷ đồng, hưởng lợi 17,6 tỷ đồng. Trong đó, Phụng thu được 2,4 tỷ đồng, Giàu 13,8 tỷ đồng, còn lại 20 bị cáo khác chia nhau.
Phụng đã bán 4.830kg vàng thỏi cho nhiều người, trong đó có Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan) 560kg, Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) 268kg, Đặng Thị Thanh Hằng 294kg, 36 khách hàng khác 1.828kg, và khách lẻ không xác định được là 1.804kg. Cơ quan điều tra đã tạm giữ 76kg vàng.
Cơ quan chức năng cũng xác định một đường dây buôn lậu khác do Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) đứng đầu, buôn lậu 1.320kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng. Nhà chức trách xác định Phượng hưởng lợi 132.000 USD (hơn 3 tỷ đồng), Giàu hưởng lợi hơn 3,7 tỷ đồng.
Về việc để “lọt” hơn 6 tấn vàng lậu vào Việt Nam, nhà chức trách tiếp tục làm rõ hành vi liên quan tới một số cá nhân, đơn vị khác. Trong đó, liên quan đến sai phạm của 9 cá nhân thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển hồ sơ cho cơ quan của Bộ Quốc phòng xử lý.
Viện Kiểm sát quân sự đề nghị giảm án cho Phan Quốc Việt trong vụ án Học viện Quân y
Chiều 17/7, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương nêu quan điểm giải quyết vụ án Học viện Quân y và đề nghị mức án với Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cùng 6 đồng phạm.
Các bị cáo trong vụ bị cáo buộc vào năm 2020, có vi phạm trong việc sử dụng kinh phí Nhà nước để nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19. Việc này gây thiệt hại hơn 18 tỷ đồng cho Học viện Quân y.
Ngoài ra, trong quá trình mua sắm trang bị, kit test, các bị cáo chỉ định đầu sai quy định, đồng thời nâng khống giá. Tổng cộng, Học viện Quân y đã mua số test trị giá hơn 81 tỷ đồng của Việt Á, gây thiệt hại hơn 27,7 tỷ đồng. Qua việc này, Phan Quốc Việt chi hơn 7,1 tỷ đồng “hoa hồng” cho nhóm sĩ quan Học viện Quân y.
Viện kiểm sát đề nghị giảm hình phạt cho tất cả bị cáo trong vụ án tại Học viện Quân y.
Đại diện Viện Kiểm sát Quân sự cho rằng vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng; các bị cáo phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp vì động cơ vụ lợi và dùng nhiều thủ đoạn gian dối trong việc cấp phép kit test cho Công ty Việt Á rồi bán thương mại.
Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, xin giảm nhẹ và kiểm sát viên thấy, kháng cáo của họ đều hợp lệ theo quy định.
Phía công tố sau đó phân tích kháng cáo của nhóm bị tuyên phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gồm Phan Quốc Việt và Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ; Hồ Anh Sơn, thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.
Trước phiên phúc thẩm, bị cáo Hùng được gia đình cung cấp thêm bằng khen của vợ con, bố mẹ vợ, đơn đề nghị của Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo. Ngoài ra, bị cáo đã khắc phục hậu quả; tại tòa thể hiện sự thành khẩn, ăn năn hối cải; tích cực làm sáng tỏ vụ án; có thành tích trong công tác… Như vậy, có căn cứ giảm hình phạt cho bị cáo.
Với Phan Quốc Việt, kiểm sát viên cho rằng anh ta có tình tiết mới là đại diện Công ty Việt Á nộp 200 triệu khắc phục hậu quả cho bị cáo; ghi nhận Việt đóng góp tích cực, giúp đẩy lùi dịch bệnh trên cả nước; bị cáo thành khẩn, ăn năn… nên cũng cần giảm nhẹ hình phạt.
Tương tự, bị cáo Hồ Anh Sơn có tình tiết mới là bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; có cống hiến trong giáo dục, phòng chống dịch bệnh… Viện kiểm sát cho rằng cần phân hóa vai trò để áp dụng hình phạt với bị cáo một cách công bằng nên có căn cứ đáp ứng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Sơn.
Nhóm 4 người bị cấp sơ thẩm tuyên phạm tội vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng cũng được kiểm sát viên ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ. Số này gồm Nguyễn Văn Hiệu, đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị vật tư; Ngô Anh Tuấn, thiếu tá, Trưởng phòng Tài chính; Lê Trường Minh, thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á.
Cả bốn người đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có thành tích trong công tác… Bị cáo Hiệu còn từng tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.
Do vậy, kiểm sát viên đề nghị giảm cho Phan Quốc Việt từ 25 năm xuống 22 năm tù; cộng 29 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bằng 30 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng được đề nghị giảm từ 15 năm xuống 13 năm tù, cộng án do TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên bằng 27 năm tù. Bị cáo Hồ Anh Sơn được đề nghị giảm từ 12 xuống 10 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiệu được đề nghị giảm từ 7 xuống 5 năm tù; Lê Trường Minh và Vũ Đình Hiệp cùng từ 6 xuống 4 năm tù. Riêng Ngô Anh Tuấn được đề nghị giảm từ 4 năm tù xuống 2 năm tù treo.
Với kháng cáo phần trách nhiệm dân sự của Công ty Việt Á, đại diện Viện kiểm sát cho rằng các tình tiết đều được cấp sơ thẩm xem xét nên không có căn cứ chấp nhận, đề nghị tòa giữ nguyên.
Trước đó, cấp sơ thẩm xác định Học viện Quân y (nguyên đơn dân sự) bị thiệt hại hơn 46 tỷ đồng, đã được bồi thường hơn 10 tỷ. Do vậy, Công ty Việt Á (bị đơn dân sự) phải bồi hoàn hơn 31 tỷ đồng và bị cáo Hồ Anh Sơn bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày