TAND TP.HCM sắp xét xử 254 bị can trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó gồm 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng. Phiên xét xử dự kiến diễn ra vào ngày 18/7 tới.
Quy trình “biến” xe không đạt thành đạt để nhận tiền của các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM
Theo cáo trạng, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V (trụ sở chính ở số 107 – đường Phú Châu, phường Tam Bình, TP.Thủ Đức), năm 2016, ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm, có quy định cấm các đăng kiểm viên nhận tiền của chủ phương tiện khi đến kiểm định.
Thế nhưng, từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2022, để đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định mà Cục Đăng kiểm Việt Nam giao, đồng thời để tăng thêm thu nhập cho nhân viên và có tiền “chung chi” cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trần Văn Chủ đã cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ từ người đi đăng kiểm, chủ phương tiện và đối tượng môi giới để bỏ qua lỗi của phương tiện trong quá trình kiểm định.
Sau khi nhận lệnh của cấp trên, các đăng kiểm viên đã lợi dụng sơ hở trong khâu quản lý các công đoạn kiểm định thủ công, bằng kinh nghiệm tác động bỏ qua các lỗi khi kiểm định. Cụ thể, các chủ xe du lịch 4-7 chỗ ngồi phải chi 100.000 đồng/xe để được bỏ qua các lỗi. Tương tự, số tiền đối với xe tải là 200.000 đồng/xe; xe sơ mi rơ mooc cũng là 200.000 đồng/xe; xe đầu kéo là 300.000 đồng/xe.
Rất nhiều chủ phương tiện đã phải chi khoản tiền hối lộ này. Đơn cử, trường hợp diễn ra tại Công ty Shanloong Logistics (địa chỉ số 9 – đường Hồng Đức, phường Bình Thọ, TP.Thủ Đức), ngày 22/2/2022, quản lý điều hành đội xe của công ty này đã đưa 10 xe đầu kéo đến đăng kiểm tại Chi nhánh 1, Trung tâm Đăng kiểm số 50-03V.
Khi đến đăng kiểm, nhân viên Công ty Shanloong Logistics liên hệ với Lê Mùi (chủ xưởng sửa chữa gần Trung tâm Đăng kiểm 50-03V) để nhờ hỗ trợ thì được biết, ngoài phí đăng kiểm xe theo quy định, mỗi xe đầu kéo phải đưa thêm 300.000 đồng cho Trung tâm Đăng kiểm để xe được đăng kiểm nhanh và bỏ qua các lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện.
Nhân viên Công ty Shanloong Logistics đồng ý và trực tiếp đưa cho Mùi 3 triệu đồng để “đẩy nhanh tiến độ” đăng kiểm. Sau khi nhận tiền, Mùi đưa toàn bộ số tiền này cho Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng dây chuyền số 1, (là người tập hợp tiền từ các đăng kiểm viên trong chuyền và chia cho Giám đốc, Phó Giám đốc, đăng kiểm viên trong chuyền). Quả nhiên, phương tiện của Công ty Shanloong Logistics được kiểm định rất nhanh.
Mấy tháng sau, ngày 18/8/2022, nhân viên của Công ty Shanloong Logistics lại đưa số xe trên đến để kiểm định và liên hệ với Mùi. Lần này, số tiền mà Công ty phải chi cho Mùi là 5 triệu đồng, song Mùi chỉ đưa cho bên đăng kiểm 3 triệu đồng.
Khi cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành làm việc với những tài xế trực tiếp điều khiển 10 xe đầu kéo của Công ty Shanloong Logistics đi đăng kiểm, các tài xế đều xác định, những chiếc xe này đều có lỗi không đạt, nhưng vẫn được đăng kiểm đạt.
“Trường hợp tương tự cũng diễn ra tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V. Để có tiền đưa cho các lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhằm không gây khó khăn trong công việc, đồng thời tăng thêm thu nhập cho các đăng kiểm viên và nhân viên của trung tâm, Giám đốc Trung tâm là Nguyễn Đình Quân đã đưa ra chủ trương cho các đăng kiểm viên nhận tiền “bồi dưỡng” của người đi đăng kiểm để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định.
Từ khi có chủ trương, Phạm Ngọc Hà và Khuất Duy Thịnh (đều là phó giám đốc phụ trách) cùng với các trưởng dây chuyền phổ biến cho các đăng kiểm viên thực hiện. Việc nhận hối lộ của người đi đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V diễn ra từ năm 2014 đến tháng 12/2022″, cáo trạng nêu.
Phân công nhau nhận tiền chia theo tỷ lệ đã lên kế hoạch
Vẫn theo cáo trạng, sau khi Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V đưa ra chủ trương, thì nhân viên tại các chuyền kiểm định nhiệt tình giúp sức trong việc nhận hối lộ của người đi đăng kiểm để bỏ qua lỗi và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Họ phân công cho đăng kiểm viên phụ trách công đoạn 1 sẽ nhận tiền hối lộ của người đi đăng kiểm.
Quy trình nhận tiền hối lộ từ người đi đăng kiểm được vạch ra rất chi tiết và cụ thể. Đầu tiên, đăng kiểm viên công đoạn 1 sẽ lên cabin xe kiểm tra người đi đăng kiểm có bỏ tiền vào vị trí như cần gạt số, hộp đựng đồ trên cabin xe, trong bao thuốc lá để trên cabin… hay không. Số tiền thường là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Nếu có, đăng kiểm công đoạn 1 sẽ lấy, hoặc người đi đăng kiểm đưa trực tiếp thì đăng kiểm viên là người nhận. Sau đó sẽ thông báo cho nhau biết thông qua hành động bật đèn ra hiệu để quá trình kiểm định bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện.
Trường hợp khách có để tiền trên xe, các đăng kiểm viên sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua các lỗi không đạt của phương tiện và kiểm định đạt ngay lần kiểm định đầu tiên. Ngược lại, nếu khách không để tiền trên xe, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi và in phiếu kiểm định lần 1 không đạt, yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này rồi mới cho kiểm định lại lần 2. Lúc này, các chủ phương tiện sẽ không mang xe ra ngoài sửa chữa, mà liên hệ trực tiếp với đăng kiểm viên trong chuyền, đưa hối lộ từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng để được bỏ qua các lỗi ở lần kiểm định thứ 2.
Đăng kiểm viên của công đoạn không đạt sẽ trực tiếp lấy tiền hoặc phân công một đăng kiểm viên khác lấy tiền mà chủ phương tiện đã để trên xe để bỏ qua lỗi, rồi cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Ngoài ra, các đăng kiểm viên còn móc nối với các đối tượng môi giới, thậm chí là từ bảo vệ của trung tâm để nhận tiền hối lộ của người đi đăng kiểm. Số tiền hối lộ nhận được sẽ được trưởng dây chuyền tổng hợp, đến cuối ngày sẽ chia theo tỷ lệ quy định từ trước.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày