TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Phú (SN 1972, ở TP.HCM) và người bị kiện là Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Diễn biến tại tòa thể hiện, ông Phú đã có vợ là bà Trang, cả hai sống tại TP.HCM. Năm 2015, ông Phú trong một lần say rượu đã “không giữ được mình” nên phát sinh quan hệ “duy nhất một lần” với chị Lam (SN 1994) dẫn tới chị có thai, sinh bé trai.
Từ đó, hai người là bạn bè đơn thuần và cô gái vẫn tạo điều kiện cho ông Phú tới thăm, chu cấp cho con trai. Do đang sống ở TP.HCM, ông Phú chỉ thi thoảng về Bắc và hầu như mỗi lần đều vào thăm con.
Tối 12/2/2022, ông Phú tới căn hộ chị Lam đang ở tại khu Vinsmart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì bất ngờ vợ ông cùng lực lượng công an xông vào, lập biên bản vi phạm. Việc này thực hiện theo đơn tố giác của bà Trang.
Phía cảnh sát sau đó xác định ông Phú, chị Lam chung sống như vợ chồng nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nên không khởi tố vụ án hình sự mà chuyển hồ sơ sang UBND, đề nghị xử phạt hành chính.
Người đàn ông kiện Chủ tịch quận Nam Từ Liêm vì cho rằng xử phạt mình vi phạm chế độ một vợ, một chồng là sai.
Ngày 18/10/2022, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm ra quyết định 2686, xử phạt ông Phú 4 triệu đồng về hành vi “đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ, chồng với người khác” theo khoản 1, Điều 59, Nghị định 82/2020.
Ông Phú khẳng định chỉ thăm con, không chung sống như vợ chồng với chị Lam nên không nộp phạt và khiếu nại. Sau đó, UBND quận Nam Từ Liêm ra văn bản số 2414 về giải quyết khiếu nại, giữ nguyên quyết định 2686.
Ông Phú vẫn không đồng ý nên khởi kiện, đề nghị TAND TP.Hà Nội tuyên hủy các quyết định số 2686 và 2414 đồng thời buộc Chủ tịch quận Nam Từ Liêm phải xin lỗi ông công khai trên 3 số báo.
Trình bày tại tòa ngày 19/6, ông Phú khẳng định chỉ là bạn bè với chị Lam và mỗi khi ông tới nhà, chị đều “ý tứ đi vào phòng riêng” để ông và con trai cùng chơi. Hôm bị lập biên bản, ngoài lực lượng công an, vợ ông là bà Trang còn dẫn một số người vào đập phá căn hộ của chị Lam; hành vi này không bị xử lý.
Ngoài ra, chiếc Mescedes của ông Phú hôm đó đỗ ở tầng hầm Vinsmart City cũng “không cánh mà bay”, ông đã trình báo mất cắp nhưng không được giải quyết…
Chủ tọa giải thích, đây là phiên hành chính nên tòa không xem xét việc khác như căn hộ của chị Lam bị đập phá… Về việc ông Phú yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ, video liên quan, chủ tọa cho hay “đương sự phải tự mình chứng minh”.
Trình bày về căn cứ khởi kiện, ông Phú cho rằng quyết định của UBND quận Nam Từ Liêm sai vì thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 1 năm từ khi chấm dứt vi phạm nhưng ông chỉ quan hệ với chị Lam từ cách đây 9 năm.
UBND quận phạt ông Phú theo Nghị định 82/2020 nhưng chính văn bản này quy định, thẩm quyền lập biên bản vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân, ly hôn, vi phạm chế độ một vợ một chồng thuộc về “công chức hộ tịch cấp xã hoặc công chức Phòng tư pháp cấp huyện”. Ở đây, phía lập biên bản lại là lực lượng công an.
Ngoài ra, công an không lập biên bản hoặc nếu có lập, ông cũng không được ký và nhận một bản như quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều 63 của luật này còn nêu, việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ “hồ sơ do cơ quan tố tụng hình sự chuyển đến”, gồm quyết định không khởi tố, hồ sơ, tang vật… nhưng ở đây, UBND Nam Từ Liêm phạt ông Phú chỉ căn cứ công văn của công an quận nên sai trình tự, thủ tục…
Tại tòa, đại diện người bị kiện là ông Trần Thanh Long, Phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cùng người liên quan là Công an quận Nam Từ Liêm đều vắng mặt.
Chủ tọa công bố đơn của ông Long thể hiện, UBND quận căn cứ hồ sơ, tài liệu được thu thập, kết luận ông Phú có vợ là bà Trang nhưng chung sống với chị Lam nên ra quyết định xử phạt là đúng quy định. Quận giữ nguyên quyết định 2886 và 2414 về xử phạt và giải quyết khiếu nại với ông Phú.
Công an quận Nam Từ Liêm trình bày, căn cứ chứng minh ông Phú sống chung như vợ chồng với chị Lam là việc 2 người có con chung; cùng đăng ký nhân khẩu tại một căn hộ ở Vinsmart City; cả 2 công khai quan hệ lên Facebook cá nhân. Ông Phú còn nhiều lần chuyển tiền cho chị Lam hoặc thanh toán tiền thuê căn hộ cho chị. Ban quản lý tòa nhà và hàng xóm cũng xác nhận ông Phú thường đến căn hộ nơi chị Lam sinh sống…
Đối đáp, ông Phú khẳng định không “sống như vợ chồng với chị Lam” còn việc ông đến căn hộ là để thăm con và hỏi lại: “Tôi không có quyền thăm con, chuyển tiền cho con ăn học hay sao?”.
Sau xét xử, tòa án dẫn Thông tư 01/2001 thể hiện: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng”.
Ở đây, ông Phú chị Lam có con chung, cùng đăng ký ở một căn hộ, được hàng xóm coi là vợ chồng… nên anh đã vi phạm chế độ một vợ một chồng. Do vậy, UBND quận Nam Từ Liêm xử phạt anh là đúng. Hội đồng xét xử cũng căn cứ các chứng cứ khác, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của anh Phú, buộc anh chịu 300 nghìn đồng án phí sơ thẩm.
Sau phiên tòa, ông Phú cho hay không đồng tình quyết định trên và sẽ kháng cáo vì: “Tôi không có quan hệ như vợ chồng với chị Lam”.
Liên quan vụ việc, tháng 9/2023, TAND Quận 1 (TP.HCM) đã xét xử vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ông Phú, bị đơn là bà Trang. Dù người vợ nói “còn tình cảm, không đồng ý ly hôn” nhưng tòa chấp nhận yêu cầu của ông Phú, cho 2 người ly hôn.
Trong bản án này, tòa Quận 1 còn xác định, không có căn cứ cho thấy ông Phú, chị Lam sống chung như vợ chồng dù 2 người từng tự nguyện quan hệ, có với nhau một con chung. Hành vi của ông Phú và chị Lam không cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự.
*Tên người khởi kiện, người liên quan đã được thay đổi.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày