Ông Trần Quí Thanh và con gái kháng cáo
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 22/5, TAND TP.HCM cho biết, đơn vị này đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cha con ông Trần Quí Thanh.
Ông Thanh cho rằng mức án 8 năm tù đối với bản án sơ thẩm đã tuyên quá nghiêm khắc. Ngoài ra, một số bị hại và người liên quan trong vụ án cũng đã có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem lại bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, nội dung kháng cáo cụ thể của ông Thanh và con gái chưa được công bố.
Hôm 25/4, ông Trần Quí Thanh bị HĐXX tại TAND TP.HCM tuyên phạt 8 năm tù, con gái Uyên Phương 4 năm tù và Ngọc Bích 3 năm tù (án treo).
Theo quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát (VKS), căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo, người liên quan tại toà, có đủ cơ sở để xác định từ năm 2019 đến năm 2020, ông Trần Quí Thanh và hai con gái thông qua môi giới đã cho ông Lâm Sơn Hoàng, Nguyễn Huy Đông, Nguyễn Văn Chung và bà Đặng Thị Kim Oanh vay tiền với lãi suất 3%/tháng.
Bị cáo Trần Quí Thanh là người trực tiếp làm việc, trao đổi với người vay tiền, môi giới rồi thông báo 2 con là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích nên phải chịu trách nhiệm chính; chịu trách nhiệm tiếp theo là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.
Các bị cáo che giấu việc vay tài sản bằng ký hợp đồng vốn góp, có biến động sang tên, chuyển nhượng thậm chí khởi kiện tranh chấp ra toà. Bị hại khi chuẩn bị đủ tiền thì bị cáo lấy lý do không trả lại tài sản.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã ghi nhận, cả 3 cha con nhà ông Trần Quí Thanh có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động…
Cáo trạng thể hiện, cha con ông Thanh cho vay tiền với lãi suất 3% một tháng – dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng và theo “luật chơi” riêng.
Ông Thanh không làm hợp đồng cho vay tiền có cầm cố tài sản, mà buộc bên vay (các doanh nghiệp, cá nhân) phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần để che giấu việc cho vay (hợp đồng giả cách). Giá trị của các dự án, bất động sản ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều lần thực tế.
Tuy nhiên, sau khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản, ông Thanh được cho là chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt các bất động sản, vốn góp, cổ phần.
Khi bên vay trả đủ gốc và lãi theo thỏa thuận, ông đã “dùng thủ đoạn gian dối hoặc đưa ra các lý do để không trả lại tài sản” như: Vi phạm hợp đồng nên mất quyền mua lại, phải trả thêm tiền hoặc không cho trả lẻ từng khoản mà bắt trả toàn bộ tiền gốc…
Cơ quan công tố xác định, bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2019 đến 11/2020, cha con ông Thanh đã thực hiện 4 vụ chiếm đoạt tài sản với tổng trị giá hơn 1.048 tỷ đồng. Trong đó, ông Thanh chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất được tách từ thửa đất số 452 của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông.
Bà Trần Uyên Phương bị cáo buộc chiếm đoạt dự án Minh Thành và 35 thửa đất, tổng trị giá 595 tỷ đồng. Bà Trần Ngọc Bích đã chiếm đoạt dự án Minh Thành và Nhơn Thành tổng giá trị 880 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ông Thanh cùng hai con không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng quan hệ giao dịch giữa các bên là chuyển nhượng tài sản, cổ phần. Tuy nhiên, cơ quan điều tra căn cứ vào lời khai của các bị hại, chứng từ giao dịch trong những lần trả tiền, dữ liệu điện tử và nội dung các tin nhắn trao đổi… xác định bản chất của các giao dịch chuyển nhượng thực chất là cho vay.
Nhà chức trách đánh giá, trong vụ án này, ông Trần Quí Thanh là người chịu trách nhiệm chính, tiếp đó đến bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích.
Phá đường dây cá độ bóng đá qua mạng hơn 200 tỷ đồng
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 22/5, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, vừa triệt phá đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng quy mô hơn 200 tỷ đồng.
Theo đó, sau thời gian lập chuyên án, khoảng 6h ngày 21/5, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.Đà Nẵng) phối hợp với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) tiến hành triệt phá đường dây này.
Công an đã bắt khẩn cấp các đối tượng Nguyễn Tấn Công (36 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu); Nguyễn Thanh Xuân (38 tuổi) và Đặng Ngọc Hiếu (34 tuổi, cùng trú quận Sơn Trà) về hành vi tổ chức đánh bạc.
Theo cơ quan công an, qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận khoảng tháng 01/2024 đến nay, Công được một đối tượng quen biết ngoài xã hội (không rõ lai lịch) giới thiệu vào nhóm trên ứng dụng Telegram để trực tiếp liên hệ với nhà cái lấy tài khoản trị giá 500.000 USD (1 USD cá độ có quy ước trị giá 7.000 đồng và có thể nâng lên đến 25.000 đồng Việt Nam).
Sau đó, Công chia tách tài khoản trên thành nhiều tài khoản nhỏ để cho các đầu mối, con bạc cấp dưới để tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng.
Trong 3 đối tượng trên thì Công là chủ mưu cầm đầu. Các đối tượng trong đường dây này có sự phân công, phân cấp, tổ chức chặt chẽ, sử dụng các phương tiện công nghệ cao để hoạt động phạm tội.
Tiến hành khám xét, bước đầu công an tạm giữ khoảng 500 trang tài liệu thể hiện lịch sử cá độ từ ngày 16/4 đến ngày 20/5 với số tiền hơn 1,8 triệu USD.
Bước đầu, ban chuyên án xác định số tiền tổ chức đánh bạc, đánh bạc của đường dây này hơn 200 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong thời gian từ ngày 16/4 đến khi bị bắt, có hàng chục ngàn lượt người chơi cá cược với tổng số tiền tổ chức đánh bạc, đánh bạc trong các tài khoản là hơn 40 tỷ đồng.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Làm trái quy định quản lý tài chính, Giám đốc Khu di tích Đền Hùng bị khởi tố
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 22/5, Cơ quan CSĐT Công an TP.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Lê Trường Giang (ở khu 9, phường Nông Trang, TP.Việt Trì) – Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Quá trình điều tra bước đầu xác định, ông Lê Trường Giang đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao làm trái quy định về cơ chế quản lý tài chính của Khu di tích lịch sử Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ quy định, để Công ty TNHH Venus Phú Thọ do ông Bùi Quốc Huy – Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính của Khu di tích lịch sử Đền Hùng điều hành hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô điện tại Khu di tích.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.Việt Trì đang tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Gia đình ở Thừa Thiên Huế tự xác định thi thể cháu bé trong vụ trình báo bị mất tích, không chờ kết quả xét nghiệm ADN
Liên quan đến vụ phát hiện thi thể nghi là cháu bé bị mất tích sau khi được gửi tại điểm trông giữ trẻ, chiều 22/5, lãnh đạo UBND thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, gia đình nạn nhân đã đưa thi thể về lo hậu sự.
Trước đó, vào trưa 19/5, một thi thể trẻ em được người dân phát hiện tại khu vực bãi biển Làng Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Thi thể không còn nguyên vẹn, trong thời kỳ phân hủy, khó nhận dạng.
Địa điểm phát hiện thi thể trẻ em này nằm cách tổ dân phố Hải Vân (thị trấn Lăng Cô) – nơi xảy ra vụ cháu bé L.P.N (6 tuổi, con trai của vợ chồng anh L.V.D và chị N.T.T, trú tại tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô) bị mất tích.
Cháu N có biểu hiện bị tăng động, hàng ngày được gia đình gửi đến học tại một trường mầm non trên địa bàn thị trấn Lăng Cô. Vào ngày 12/5, vì là ngày nghỉ, nên cháu N được 2 cô giáo đưa về trông giữ tại điểm trông giữ trẻ của những cô giáo này.
Vào khoảng 15h ngày 12/5, các cô giáo phát hiện cháu N đã rời khỏi điểm trông giữ trẻ nên đã trình báo với chính quyền địa phương. Trước khi cháu N được trình báo mất tích, một số người nhìn thấy một cháu bé này đi về hướng biển ở khu vực tổ dân phố Hải Vân, cách điểm trông giữ trẻ khoảng vài trăm mét.
Qua triển khai tìm kiếm ở khu vực bờ biển tổ dân phố Hải Vân, lực lượng chức năng đã tìm thấy một chiếc dép của nạn nhân tại bãi cát ven biển.
Sau khi phát hiện thi thể trẻ em nêu trên, Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp với Công an, UBND thị trấn Lăng Cô thông tin đến người nhà cháu L.P.N đến hiện trường nhận dạng.
Sau khi nhận dạng, gia đình cháu N và các cơ quan chức năng thống nhất làm các thủ tục đưa thi thể về Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng bảo quản, chờ kết quả giám định ADN.
Tuy nhiên sau đó, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm ADN, nhưng gia đình cháu N khẳng định qua các đặc điểm nhận dạng trực quan, thi thể được phát hiện là cháu N. Vì vậy, gia đình đã phối hợp với cơ quan chức năng làm các thủ tục đưa thi thể này về lo hậu sự.
Vụ người lái xe máy tông cháu bé rồi bỏ chạy ở Đà Lạt: Nạn nhân học lớp 3, bị chấn thương nặng vùng sọ não
Ngày 22/5, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã tiếp nhận trình báo từ người dân và đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc người lái chiếc xe máy chở 1 người khác đã tông vào một cháu bé chạy trên đường Mê Linh (TP.Đà Lạt) rồi tăng ga bỏ chạy mà Dân Việt đã thông tin qua bài viết: Người lái xe máy tông trọng thương một cháu bé tại TP.Đà Lạt rồi bỏ chạy.
Theo đó, sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng TP.Đà Lạt đã tiến hành đến hiện trường thu thập thông tin, làm việc với các nhân chứng cũng như đo vẽ hiện trường, truy tìm tài xế gây tai nạn. Nạn nhân bị người điều khiển xe máy tông phải là cháu T.C.L.A., học lớp 3, trú phường 9, TP.Đà Lạt.
Xác minh ban đầu cũng như từ trích xuất camera của người dân, cơ quan chức năng xác định, vụ việc xảy ra vào khoảng 19 giờ 45 phút ngày 19/5, trên đường Mê Linh (phường 9, TP.Đà Lạt). Vào thời điểm trên, cháu T.C.L.A. chạy trên đường thì một chiếc xe máy do một người điều khiển chở theo 1 người phía sau đi cùng chiều với tốc độ khá nhanh tông vào.
Sau khi xảy ra va chạm, hai người trên chiếc xe máy đã tăng ga bỏ chạy, cháu T.C.L.A. bị bất tỉnh, được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.
Theo người thân của cháu A., các bác sĩ cho biết, kết quả chụp phim cho thấy cháu A. bị rạn xương sọ và xương thái dương, tụ máu màng cứng. Đến sáng 22/5, sức khỏe của cháu A. đã tạm ổn định, có thể nói chuyện và đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.
Tin An Ninh Hinh Su